Vì sao Vũ 'nhôm' vừa là bị cáo lại vừa là người liên quan?

Phiên tòa xét xử Trần Phương Bình, Phan Văn Anh Vũ (Vũ 'nhôm') đã hoàn tất phần thẩm vấn lý lịch các bị cáo, tổ chức, cá nhân và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Lúc này, đại diện VKSND TP.HCM sẽ đọc hơn 80 trang cáo trạng.

Vũ "nhôm" tại tòa. Ảnh: P.LOAN

Sau khi chủ tọa tuyên bố chuyển sang phần xét hỏi, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho bị cáo Vũ "nhôm") cho biết có chứng cứ mới cần trình cho tòa.

HĐXX TAND TP.HCM do thẩm phán Phạm Lương Toản - Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa đề nghị luật sư cung cấp vào đầu buổi xét xử chiều nay.

"HĐXX sẽ cách ly một số bị cáo trong quá trình xét hỏi" - chủ tọa công bố trước khi kết thúc buổi làm việc sáng nay.

VKSND Tối cao phân công VKSND TP.HCM thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Cáo trạng vụ án có tổng cộng 80 trang.

Trong vụ án này, đáng chú ý là bị cáo Phan Văn Anh Vũ - nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 vừa là bị cáo, vừa có vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Với tư cách bị cáo, Vũ "nhôm" bị xét xử về hành vi chiếm đoạt 200 tỉ đồng của DAB.

Vũ "nhôm" cũng ra tòa với tư cách người liên quan do Vũ "nhôm" đại diện cho Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 làm chủ sở hữu, nắm 12% cổ phần tại Ngân hàng Đông Á (DAB).

Theo cáo trạng, ngày 17-1-20014, Trần Phương Bình chỉ đạo làm thủ tục thu khống 200 tỉ đồng của Phan Văn Anh Vũ nhưng DAB sử dụng tiền trong quỹ xuất 200 tỉ đồng chuyển vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79. Vũ trực tiếp viết nội dung và ký giấy nộp tiền và bảng kê loại tiền.

Cùng ngày, Công ty Bắc Nam 79 chuyển 600 tỉ đồng (gồm Phan Văn Anh Vũ nộp khống 200 tỉ đồng tại DAB và 400 tỉ đồng vay của DAB) vào tài khoản của DAB để mua 60.000.000 cổ phần.

Do việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỉ đồng không thành công, ngày 8-4-2014 Trần Phương Bình chỉ đạo DAB chuyển trả 600 tỉ đồng và hơn 9 tỉ đồng tiền lãi của 600 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79

Như vậy, Vũ chỉ nộp 400 tỉ đồng nhưng nhận 600 tỉ đồng và tiền lãi, tức là đã chiếm đoạt của DAB 200 tỉ đồng gốc do ký chứng từ nộp khống mà có và 3,1 tỉ đồng tiền lãi của số tiền khống này.

HĐXX TAND TP.HCM do thẩm phán Phạm Lương Toản - Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa. Ảnh: VNE

TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, bào chữa cho Vũ "nhôm". Ảnh: VNE

Vũ "nhôm" tại tòa sáng nay. Hiện Vũ đang bị tạm giam tại Trại giam T16 Bộ Công an, trụ sở ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Tại CQĐT, Phan Văn Anh Vũ khai: Vũ và Bình dự kiến cùng hợp tác đầu tư 60 triệu cổ phần DAB khi DAB tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng vào năm 2014. Nguồn tiền mua cổ phần có 400 tỉ đồng Vũ thế chấp 220 lô đất vay DAB 400 tỉ đồng. Còn 200 tỉ đồng, Vũ chỉ ký chứng từ, không nộp tiền và Vũ cho rằng 200 tỉ đồng này là tiền của Bình.

Do việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỉ đồng không thành công, ngày 8-4-2014 DAB chuyển trả 600 tỉ đồng và hơn 9 tỉ đồng tiền lãi vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79. Vũ đã sử dụng 600 tỉ đồng để Công ty Bắc Nam 79 mua 50 triệu cổ phần DAB của bốn cổ đông hiện hữu với giá 500 tỉ đồng, còn lại 100 tỉ đồng và số tiền lãi Vũ sử dụng cho hoạt động của công ty.

Vũ nghĩ rằng đây là tiền của Bình cho vay cá nhân, nay biết là tiền của DAB nên Vũ có trách nhiệm trả lại số tiền này để hoàn trả cho DAB.

Ngoài ra, ngày 11-8-2015, Bình bán cho Vũ 13.652.542 cổ phần DAB của Công ty vốn An Bình với giá 136.525.420.000 đồng, Vũ đã thanh toán cho Công ty vốn An Bình 46 tỉ đồng, còn nợ 90.525.420.000 đồng.

Ngày 7-9-2018, ông Phan Văn Anh Tuấn là anh trai Vũ đã nộp 13 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra (C03) Bộ Công an để khắc phục hậu quả cho Vũ. Đến nay, tổng số tiền mà Vũ đã khắc phục hậu quả là 173 tỉ đồng.

Trong số những đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được tòa triệu tập có Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) là cổ đông của DAB.

Ngoài ra, nhiều người thân của nguyên tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT DAB Trần Phương Bình (gồm vợ và các con, bố vợ bị cáo Bình) cũng được tòa triệu tập. Những người này nắm giữ cổ phần tại DAB.

Trong phạm vi vụ án, bị cáo Bình bị cáo buộc lạm dụng chức vụ, chỉ đạo cấp dưới gây hàng loạt sai phạm khiến ngân hàng thiệt hại 3.608 tỉ đồng. Bị cáo Bình đã sử dụng tên vợ là Cao Thị Ngọc Dung (sinh năm 1957, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ) cùng hai con để đứng tên mua cổ phần của ngân hàng này, sau đó chỉ đạo cấp dưới lập bảng kê và phiếu thu khống tiền để bù âm quỹ.

Bà Dung được xác định tư cách vừa là người liên quan vừa là người làm chứng trong vụ án. Quá trình điều tra, bà Dung khai: đứng tên danh nghĩa sở hữu cổ phần DAB do Trần Phương Bình mua, không biết Trần Phương Bình sử dụng nguồn tiền nào để mua, không ký chứng từ nộp tiền khống. Từ đó, CQĐT và VKS nhận định không có căn để xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho DAB

Cơ quan chức năng xác định quá trình điều tra giai đoạn 2 vụ án, sẽ tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm của bà Dung đối với các khoản vay của PNJ tại DAB, nếu xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Bà Dung có mặt tại tòa hôm nay. Hai con gái đều vắng.

PHƯƠNG LOAN

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/vi-sao-vu-nhom-vua-la-bi-cao-lai-vua-la-nguoi-lien-quan-805020.html