Vì sao Vũ 'nhôm' được cấp 3 hộ chiếu ngoại giao, công vụ?

Đại biểu Quốc hội cho rằng quy định cấp hộ chiếu ngoại giao cần minh bạch, rõ ràng để tránh các trường hợp có 3 hộ chiếu ngoại giao, công vụ như Vũ 'nhôm'.

Góp ý về các nội dung trong dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh ngày 12/6, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề cập tới 3 vấn đề mà theo bà cần phải chỉnh sửa.

Thứ nhất, về cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, bà Khánh cho rằng phương án 1 trong dự Luật quy định về đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, cơ quan có thẩm quyền quyết định, cử cho phép người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ra nước ngoài như vậy là quá cụ thể và trùng lặp đối với một cá nhân đang cùng lúc đảm nhận nhiều chức danh của Đảng, chính quyền và đoàn thể, tạo nên sự phức tạp, rắc rối.

 Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội)

"Đề nghị Chính phủ nghiên cứu sắp xếp lại các nhóm đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ sao cho ngắn gọn, khoa học và tránh trùng lặp với các chức danh chỉ thuộc về một người. Ví dụ, trường hợp Vũ nhôm có vài ba hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ cùng thời điểm. Phải chăng, là do quy định trùng lặp như phương án 1 vừa qua", bà cho hay.

Tuy nhiên, vị đại biểu Hà Nội cho biết bà tán thành với phương án 1.

Bà Khánh cho rằng phương án 2 chỉ quy định mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết là không hợp lý bởi quy định như vậy chưa cụ thể hóa điều 14 Hiến pháp vì quyền tự do đi lại trong nước và nước ngoài là quyền của công dân, cần phải quy định trong văn bản luật không nên giao cho Chính phủ quy định bằng 1 văn bản dưới luật.

Về hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Khánh đề nghị bổ sung thêm một loại hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cho phép làm giả giấy tờ, cho phép xuất cảnh, nhập cảnh trái quy định của pháp luật".

Bởi Điều 4 trong dự luật quy định chủ yếu đối với đối tượng là công dân có nhu cầu xuất, nhập cảnh và những cán bộ, công chức thừa hành mà chưa có đối tượng là những cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cấp, đó là những người có quyền chỉ đạo cấp dưới và có quyền quyết định việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân.

Về quyền và nghĩa vũ công dân, đại biểu Khánh thắc mắc về quy định "Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chip điện tử theo quy định".

"Tôi không thấy có nội dung nào giải thích rõ vì sao lại có quy định lựa chọn này. Nếu gắn chip điện tử hết với tất cả hộ chiếu hoặc không gắn chịp điện tử hết thì sao? Có lợi hay hại gì? Trong tờ trình Chính phủ nói Bộ Công an được giao nhiệm vụ xây dựng phần mềm dùng chung cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao để đảm bảo tính khả thi của luật khi có hiệu lực", bà Khánh nói.

Bà Khánh cho rằng nếu chỉ có các Bộ nêu trên mà đảm bảo cải cách hành chính trong xuất cảnh, nhập cảnh là chưa phù hợp.

Vị nữ đại biểu Hà Nội đề nghị Chính phủ cần quan tâm, tạo thuận lợi, kết nối chia sẻ thông tin với các bộ, ngành khác như Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-vu-nhom-duoc-cap-3-ho-chieu-ngoai-giao-cong-vu-d480272.html