Vì sao vũ khí siêu thanh nguy hiểm hơn đầu đạn ICBM?

Báo Đức hoảng sợ trước 'vòng xoáy mới của những mối đe dọa' từ vũ khí siêu thanh – phương tiện bay không thể đánh chặn.

Tờ báo Die Welt của Đức gọi kỷ nguyên phát triển vũ khí siêu thanh là cơn ác mộng đối với an ninh châu Âu. Tờ báo này cho rằng, tốc độ của nó khiến các đối thủ không kịp trở tay và điều này sẽ báo hiệu về một “vòng xoáy mới của những mối đe dọa”.

Tác giả bài báo nhắc nhở về cuộc huấn luyện phóng tên lửa xuyên lục địa từ tàu ngầm của Nga ở biển Okhotsk (Bạch Hải). Khi đó, tại căn cứ không quân của Mỹ ở Đức đã phát tín hiệu báo động như là có cuộc tấn công tên lửa thực thụ.

Theo quan điểm của tờ báo Đức, trường hợp này cho thấy Hoa Kỳ không loại trừ khả năng xảy ra cuộc tấn công tên lửa vào châu Âu và do đó luôn nơm nớp trong tình trạng báo động. Đồng thời, họ thừa nhận rằng do tốc độ của vũ khí, thậm chí có nguy cơ “không kịp báo động”.

“Với sự xuất hiện của thứ gọi là vũ khí siêu thanh với tốc độ lên tới Mach28, các hệ thống cảnh báo sớm và phòng thủ chống tên lửa trước đây đang tỏ ra vô dụng, còn thời gian dành cho phản ứng của đối thủ đang rút ngắn đáng kể” - bài báo nhận xét.

Các chuyên gia phân tích của Trung tâm chính sách đối ngoại ở Berlin cho rằng vũ khí siêu thanh có khả năng làm đảo lộn cán cân sức mạnh giữa các cường quốc hạt nhân và cản trở đàm phán giải trừ quân bị.

Các vũ khí siêu thanh như Avangard hay ICBM RS-28 Sarmat đều có tốc độ trên Mach20

Các vũ khí siêu thanh như Avangard hay ICBM RS-28 Sarmat đều có tốc độ trên Mach20

Theo đánh giá của các chuyên gia Đức, chiếm vị trí hàng đầu trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh là Nga và Trung Quốc, còn Hoa Kỳ đang “cố hết sức” để thu hẹp khoảng cách tụt hậu.

Đồng thời, tờ báo lý giải rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin có vẻ chẳng lo lắng gì trước những sáng chế của Hoa Kỳ, là bởi Nga sẵn có phương tiện đối phó hiệu quả là hệ thống tên lửa phòng không S-500 Prometheus và “một số loại tên lửa đánh chặn đã được cải tiến”.

Hiện nay, Nga đã biên chế tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon, đầu đạn siêu thanh Avangard, tên lửa liên lục địa mới RS-28 Sarmat… Ngoài Zircon có tốc độ dưới Mach10, các vũ khí còn lại đều có tốc độ trên mach 20, thậm chí là Mach 28.

Do đó, thời gian bay của chúng khi phóng từ lục địa Nga tới Mỹ chỉ mất chưa đầy 20 phút, còn nếu từ các tàu ngầm thì chỉ có vài phút. Như vậy, thời gian để cho các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ phát hiện và ngăn chặn là không đủ. Còn nếu là ở châu Âu thì thậm chí là còn chưa hiểu điều gì đã xảy ra.

Hơn nữa, các vũ khí siêu thanh thế hệ mới như Avangard còn có các đặc tính độc đáo khác khiến việc đánh chặn chúng là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Xem clip mô tả cơ chế phóng độc đáo của Avangard:

Về hình dạng, có thể nói một cách rất hình ảnh và tương đối là “Avangard”, gần như “có hình dẹt”, nghĩa là nó có cánh để tạo lực nâng, để có thể bay lượn một cách cơ động, vòng tránh các hệ thống trinh sát-giám sát của đối thủ, khác xa các đầu đạn của ICBM chỉ bay theo 1 quỹ đạo.

Về nguyên lý hoạt động, phương tiện bay siêu thanh mới của Nga vẫn sẽ tấn công mục tiêu đã được lập trình từ trước và cần tên lửa đẩy đưa lên quỹ đạo như các đầu đạn truyền thống.

Nhưng sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, phương tiện bay này sẽ sử dụng kết cấu cánh lượn và động cơ bay theo quỹ đạo cực kỳ linh hoạt làm hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương không thể phát hiện và đánh chặn.

Bài báo trên cổng thông tin Sina của Trung Quốc hồi tháng 9 năm nay đã nhấn mạnh sự vượt trội hoàn toàn của Nga trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh và gọi Avangard là “kiệt tác của quân đội Nga”, đồng thời lưu ý rằng những đặc tính chiến đấu của tên lửa này khiến nó trở thành “vũ khí còn đáng sợ hơn cả bom nguyên tử hạt nhân”.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/vi-sao-vu-khi-sieu-thanh-nguy-hiem-hon-dau-dan-icbm-3425128/