Ghép tạng Việt Nam: Giành lại sự sống cho nhiều người

Đã có hàng ngàn ca được ghép tạng tại Việt Nam nhưng con số này vẫn quá ít so với nhu cầu rất lớn hiện nay

Từ một quốc gia "chậm tiến" so với thế giới trong lĩnh vực ghép tạng, đến nay, sau 26 năm kể từ ca ghép tạng đầu tiên, kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã tiệm cận với thế giới.

Hàng loạt ca khó

Lịch sử ngành ghép tạng Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện ca ghép thận cho bệnh nhân Vũ Mạnh Đoan (40 tuổi) bị suy thận giai đoạn cuối vào ngày 4-6-1992 ở Bệnh viện (BV) Quân y 103 từ người hiến là em trai ruột 28 tuổi. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của nền y học nước nhà, đồng thời mở cánh cửa hồi sinh cho những bệnh nhân suy thận đang khắc khoải giành sự sống. Năm tháng sau, BV Chợ Rẫy (TP HCM) cũng tiến hành ca ghép thận đầu tiên, hiện bệnh nhân sống khỏe mạnh.

Năm 2004, bé gái Nguyễn Thị Diệp (10 tuổi, ở Nam Định) trở thành bệnh nhi đầu tiên được ghép gan tại BV Quân y 103, người cho một phần gan là bố đẻ em (31 tuổi). Ca đại phẫu kéo dài hơn 17 giờ với sự tham gia của 100 y - bác sĩ. 14 năm trôi qua, bệnh nhi ngày ấy nay đã là trưởng thành và đang làm việc trong ngành y. Bố của cô sức khỏe vẫn bình thường.

Năm 2007, BV Việt Đức thực hiện ca ghép gan người lớn đầu tiên ở Việt Nam sau khi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực (từ ngày 1-7-2007).

Một bước ngoặt quan trọng khác trong lịch sử ghép tạng Việt Nam là ca ghép tim đầu tiên cũng được tiến hành thành công tại BV Quân y 103 vào ngày 17-6-2010. Bệnh nhân được ghép tim là ông Bùi Văn Nam - 48 tuổi, bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ 4. Người cho tim là một bệnh nhân chết não. Bệnh nhân được ghép tim đúng vị trí theo phương pháp nối 2 tâm nhĩ.

2017 là năm chứng kiến thêm rất nhiều kỷ lục trong ngành ghép tạng Việt Nam. Ngày 11-1-2017, y - bác sĩ BV Chợ Rẫy lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép thận trao đổi chéo, cứu sống 2 cô gái được cha mẹ cho thận. Một trường hợp khác, bệnh nhi 7 tuổi ở Hà Giang bị giãn phế quản bẩm sinh, suy hô hấp, được bố (28 tuổi) và bác ruột (30 tuổi) mỗi người tặng một phần phổi để tạo thành 2 lá phổi cho em. Ngày 15-3-2017, các bác sĩ BV Việt - Đức quyết định tiến hành ca mổ đầy rủi ro là ghép tim cho bệnh nhi từ người hiến chết não là người lớn. Cậu bé 10 tuổi Nguyễn Thành Đạt mắc bệnh cơ tim giãn, tim yếu dần đến lúc ngừng hoàn toàn, không còn giải pháp nào khác ngoài ghép tim. Ca mổ diễn ra đêm 15-3-2017 và là ca ghép tim với thời gian phẫu thuật dài nhất mà các bác sĩ tại đây thực hiện. Sự chuẩn bị kỹ càng của các bác sĩ đã giúp ca mổ ghép thành công, quả tim ấy đã đập được trong lồng ngực cháu bé.

Cách đây hơn 1 tháng, nền y học Việt Nam tiếp tục ghi thêm một kỳ tích mới khi lần đầu tiên tiến hành thành công ca ghép phổi từ người cho chết não. Ca ghép được thực hiện bởi các chuyên gia và bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã mang đến niềm tự hào lớn cho ngành y Việt Nam.

Hiện phần lớn nguồn tạng ghép ở Việt Nam chủ yếu từ người còn sống do nguồn tạng từ người cho chết não còn hiếm. Trong ảnh: Một ca ghép tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Trung ương 108

Hiện phần lớn nguồn tạng ghép ở Việt Nam chủ yếu từ người còn sống do nguồn tạng từ người cho chết não còn hiếm. Trong ảnh: Một ca ghép tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Trung ương 108

Làm chủ nhiều kỹ thuật ghép

Tính đến thời điểm này, cả nước có 18 cơ sở đủ điều kiện ghép tạng, gần 3.000 bệnh nhân đã được ghép tạng, trong đó hơn 2.700 được ghép từ nguồn cho là người sống. Trong số 45 người cho chết não hiến tạng, các thầy thuốc đã thực hiện 20 ca ghép tim, 45 ca ghép gan, 128 ca ghép thận, 1 ca ghép thận - tụy, 1 ca ghép tim - phổi và 1 ca phép phổi.

Tuy nhiên, theo GS-TS Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc BV Việt - Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia - những ca phẫu thuật ghép này vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu rất lớn hiện nay. "Hiện chúng ta phần lớn lấy tạng ghép từ người còn sống. Nếu có nguồn tạng lấy từ người chết não thì sẽ tốt hơn. Nhưng nguồn tạng từ người cho chết não còn hiếm, trong khi đang có hàng chục ngàn người chờ ghép. Riêng Hà Nội đã có hơn 2.200 người đăng ký ghép tạng, họ đang mòn mỏi sống, nếu không có nguồn tạng thì cuộc sống sẽ bị đe dọa" - GS-TS Sơn nói.

Theo GS-TS Trịnh Hồng Sơn, năm 2017, Việt Nam thực hiện được 664 ca ghép tạng, trong đó có 631 ca ghép thận, 29 ca ghép gan, 3 ca ghép tim, 1 ca ghép phổi. Đến nay, Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng như thận, tim, gan, tụy, phổi với hơn 1.500 ca, tỉ lệ ghép thành công và thời gian sống sau ghép tương đương nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

Là người thường xuyên chứng kiến ranh giới sống - chết của bệnh nhân, GS-TS Trịnh Hồng Sơn cho biết ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính do các mô, tạng bị suy giảm chức năng, không hồi phục được. Do đó, việc hiến tạng có ý nghĩa hồi sinh cuộc đời một con người. Mặc dù số lượng đăng ký hiến tạng đã gấp đôi so với năm 2016 nhưng với hơn 90 triệu dân thì đây vẫn là con số còn rất nhỏ.

Hiện Việt Nam đã sẵn sàng cho những ca ghép tạng khó, tiến tới chinh phục nhiều kỹ thuật mới trong ghép tử cung, ghép chi... GS-TS Trịnh Hồng Sơn cho rằng những thành tựu ghép tạng ở Việt Nam chưa thể nói là sánh ngang thế giới nhưng có những cái ngang tầm thế giới, như ghép nhiều tạng cùng lúc mà không phải trung tâm nào trên thế giới cũng làm được. Đây là điều rất đáng tự hào. Thế nhưng, để thay đổi quan niệm tặng sự sống cho… người dưng thì không phải chuyện dễ dàng. Do khan hiếm nguồn tạng, nhiều bệnh nhân đã tử vong trong thời gian đợi được ghép gan, thận, tim…

Nghịch lý đáng tiếc!

"Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó tỉ lệ không nhỏ là người chết não, tạng của họ có thể cứu sống rất nhiều người khác. Ở các nước, 90% người cho là người chết não thì ở Việt Nam lại đến khoảng 90% là lấy từ người sống. Đây là nghịch lý đáng tiếc!" - GS-TS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ.

Kỳ tới: Phá định kiến "chết toàn thây"

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/gianh-lai-su-song-cho-nhieu-nguoi-20180403210550008.htm