Vì sao VKSND tối cao kháng nghị vụ Hồ Duy Hải?

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ Hồ Duy Hải có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án.

Vụ án tử tù Hồ Duy Hải (Long An) phạm hai tội giết người và cướp tài sản đã kéo dài 11 năm qua với nhiều quan điểm tranh cãi trái chiều. Năm 2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã có quyết định không kháng nghị vụ án này.

Tuy nhiên, ngày 1/12, theo thông tin trên báo chí, Viện KSND tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Quyết định kháng nghị mới nhất này thay thế quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao tại thời điểm năm 2011.

Trong nội dung kháng nghị có nêu, Bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án. Việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.

Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.

Đồng thời, Viện KSND tối cao xác định lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hồ Duy Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án. Những tài liệu này có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan điều tra.

Hồ Duy Hải (áo thun trắng). Ảnh: TNO

Hồ Duy Hải (áo thun trắng). Ảnh: TNO

Ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ.

Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao cũng nêu rõ những mâu thuẫn từ lời khai, chứng cứ, dấu vết tại hiện trường chưa được làm rõ, cùng những thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng đã trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ theo quy định pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những căn cứ kết luận hành vi phạm tội của bị cáo.

Bởi vậy, theo Viện KSND tối cao, để không làm oan người vô tội, tránh bỏ lọt tội phạm, cần phải khắc phục những vấn đề trên.

Nói về việc kháng nghị giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải, theo thông tin trên báo Dân Việt, luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng:

“Tôi rất vui khi nhận được thông tin này, nhưng không biết làm sao để có thể liên lạc với người mẹ và người dì của Hồ Duy Hải để chia sẻ, bởi hai người này cũng rất vất vả trong quá trình kêu oan cho Hải.

Họ thỉnh thoảng có đến Văn phòng luật sư của chúng tôi để báo tình hình nhưng không để lại địa chỉ, số điện thoại liên lạc”.

Theo luật sư Trần Văn Tạo, nếu thực sự Hồ Duy Hải là người gây tội ác thì phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng có những tình tiết chưa rõ lại dùng để kết luận Hồ Duy Hải là thủ phạm thì cũng phải được xem xét đến nơi, đến chốn, bởi đây là việc liên quan đến sinh mạng của con người.

Cũng theo vị luật sư này, quá trình nghiên cứu vụ án Hồ Duy Hải, ông thấy có một số sai sót như: Tại biên bản khám nghiệm hiện trường có ghi và mô tả rõ đặc điểm của các đồ vật như tấm thớt, cái ghế có dính màu… có liên quan trực tiếp đến vụ án nhưng cơ quan điều tra đã không thu giữ ngay tại thời điểm khám nghiệm.

Như vậy là đã bỏ qua các chứng cứ trực tiếp có thể xác định tội phạm, làm ảnh hưởng lớn đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án...

Trong vụ án này Hồ Duy Hải từng có lời khai nhận tội, tuy nhiên theo luật sư Trần Văn Tạo, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, ông thấy lời khai của Hồ Duy Hải đầy mâu thuẫn, mâu thuẫn từ chỗ gây án, thời gian, có lúc lại kêu oan. "Với lời khai mâu thuẫn như vậy làm sao dùng làm chứng cứ buộc tội được, mặc dù Hồ Duy Hải từng có lời khai nhận tội”, ông Hải nói.

Trước đó, sáng ngày 14/1/2008, dư luận chấn động trước thông tin 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (đóng tại ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc. Sau đó, bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Sau khi những bản án được tuyên, mẹ bị án Hồ Duy Hải liên tục kêu oan cho con. Nhưng ngày 24/10/2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành quyết định không kháng nghị vụ án của Hồ Duy Hải.

Năm 2014, TAND tỉnh Long An cho biết sẽ tổ chức thi hành bản án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải.

Tuy nhiên, trong ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản thông báo tới các cơ quan chức năng, về việc Văn phòng Chủ tịch nước đã nhận được đơn kêu oan của mẹ bị án Hồ Duy Hải nên đã yêu cầu Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án để xem xét cho kỹ trước khi tước đoạt sinh mạng một con người.

Thanh Giang (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/ky-an/vi-sao-vksnd-toi-cao-khang-nghi-vu-ho-duy-hai-3392522/