Vì sao Vivaso phải 'rút khỏi' Hãng phim truyện Việt Nam?

Chi 32,5 tỷ đồng để chi phối Hãng phim truyện Việt Nam, 'ông lớn' tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) dính hàng loạt lùm xùm về nghi vấn mua hãng phim chỉ vì nhắm đến 4 mảnh 'đất vàng', mua xong không đầu tư phát triển phim ảnh khiến nghệ sỹ thất nghiệp, hãng phim xuống cấp…

“Miếng ngon” khó trôi…

Chiều 14/11, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã trả lời báo chí về một số vấn đề liên quan đến vụ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) khi có ý kiến phản ánh từ cơ quan báo chí và nghệ sỹ.

Chánh văn phòng, người phát ngôn của bộ VH,TT&DL Nguyễn Thái Bình nêu rõ, Thứ trưởng bộ VH,TT&DL Lê Quang Tùng đã ký công văn đề nghị ban lãnh đạo và người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam qua các thời kỳ, làm rõ một số nội dung liên quan đến thực hiện Kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa (VFS).

Thời hạn trả lời các yêu cầu liên quan là ngày 15/12/2018.

Hãng phim truyện Việt Nam có trụ sở tại số 4 Thụy Khuê. (Ảnh: Kiều Chinh).

Hãng phim truyện Việt Nam có trụ sở tại số 4 Thụy Khuê. (Ảnh: Kiều Chinh).

Cụ thể, các công việc phải làm rõ là: Đối chiếu, xác nhận các khoản công nợ; xử lý dứt điểm vướng mắc về đất đai, hoàn thiện phương án sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thành lập Hội đồng tư vấn nghệ thuật; sớm sắp xếp việc làm, ổn định đời sống cán bộ công nhân viên; rà soát các vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, đề xuất việc thu hồi tiền lương đã thanh toán không đúng quy định, chi trả tiền lương còn thiếu cho người lao động theo kết luận của Thanh tra Chính phủ...

Đối với nhà đầu tư chiến lược là tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), đơn vị đã mua lại 65% cổ phần (32,5 tỷ đồng) của (VFS), ông Nguyễn Thái Bình khẳng định thực, chắc chắn Vivaso sẽ phải thoái vốn, rút vai trò nhà đầu tư chiến lược tại (VFS) trước thời hạn, như tinh thần kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Trước đó, tại Thông báo kết luận thanh tra số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018 về “Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam”, sau khi chỉ ra các sai phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ VH,TT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục để Vivaso xin rút vốn trước thời hạn.

Đại gia “tay ngang” mua hãng phim vì… tình yêu điện ảnh(!!)

Như vậy là sau khi chi 32,5 tỷ đồng thâu tóm Hãng phim truyện Việt Nam, Vivaso sắp tới đây sẽ phải thoái vốn khỏi thương vụ đầu tư ngỡ là béo bở này.

Trước đó, sau nhiều năm làm ăn thua lỗ, Hãng phim truyện Việt Nam tiến hành cổ phần hóa. Chủ trương cổ phần hóa VFS đã có từ rất lâu trước đó. VFS là một trong bốn đơn vị điện ảnh của bộ VH,TT&DL cần được cổ phần hóa bao gồm: Hãng Phim truyện I, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim hoạt hình Việt Nam và hãng Phim truyện Việt Nam. Ngoài ra, Hãng phim Tài liệu và Khoa học tài liệu Trung ương đã được Chính phủ đồng ý không cổ phần hóa vì đặc thù, chuyển thành công ty.

Kết quả là, chỉ sau 11 ngày VFS đăng thông báo tìm nhà đầu tư chiến lược, Vivaso là đơn vị duy nhất "ngỏ lời", đáp ứng các cam kết mà bộ VH,TT&DL đặt ra. Nghiễm nhiên, Vivaso "một mình một chợ", thong dong trở thành ông chủ mới của Hãng phim truyện Việt Nam vào tháng 6/2017.

Thương vụ đã gây nhiều lùm xùm trên báo chí vì ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch HĐQT Vivaso là doanh nhân có thâm niên hơn 25 năm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông và vận tải đường thủy, không có kinh nghiệm gì về đầu tư điện ảnh.

Trả lời báo chí về thắc mắc trên, đại diện Vivaso lý giải rằng "Ngoài tình yêu với điện ảnh thì đó là hy vọng qua điện ảnh cũng là một kênh truyền thông sẽ quảng bá hình ảnh công ty chúng tôi chuẩn bị tiến tới là một công ty đa ngành nghề”.

Tuy vậy, việc chỉ cần bỏ ra 32,5 tỷ đồng để nắm quyền điều hành cả một hãng phim, đồng thời nắm quyền sử dụng 4 mảnh đất “vàng” rộng tới 14.000m2 hiện được định giá hơn 2.000 tỷ đồng của Vivaso không khỏi khiến dư luận bàn tán.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch HĐQT tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso).

Điều đáng nói, giá trị thương hiệu 60 năm của hãng phim, giá trị 4 lô đất nói trên lại không được định giá và tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Câu hỏi đặt ra là số phận các khu đất sẽ ra sao khi những cam kết của chủ đầu tư chỉ có "hạn sử dụng" trong vòng 5 năm?

Hiện VFS đang sở hữu 4 khu đất có giá trị. Bao gồm: 2 khu đất “vàng” là số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) có diện tích 5.448,5 m2 hiện đã hết hạn hợp đồng và đang đề nghị được tiếp tục sử dụng và khu đất số 6, Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM có diện tích 1.208,7m2. Ngoài ra, VFS còn quản lý khu đất 905m2 ở Hoàng Hoa Thám làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe và quản lý khu đất rộng 6.382m2 tại Đông Anh (Hà Nội) làm trường quay phim.

Ngoài ra, vấn đề càng được đẩy lên cao trao khi mà sau gần một năm cổ phần hóa, nhiều nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam bức xúc tố cáo Vivaso “đem con bỏ chợ” khi không quan tâm đến đời sống của cán bộ, công nhân viên của Hãng phim truyện Việt Nam, không đầu tư làm phim, để hãng phim tan hoang, xuống cấp nghiêm trọng nhưng lại đề ra các quy định trái khoáy như yêu cầu nghệ sĩ phải chấm vân tay 14 ngày trở lên mới được đóng bảo hiểm…

Minh Minh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-vivaso-phai-rut-khoi-hang-phim-truyen-viet-nam-a411031.html