Vì sao Việt Nam nên đón khách quốc tế từ tháng 2?

6 hãng hàng không, 5 doanh nghiệp du lịch lớn nhất Việt Nam đồng loạt gửi kiến nghị công bố mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 2.

Ngày 26/1, đại diện các hãng hàng không và một số tập đoàn du lịch lớn nhất Việt Nam, cùng đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ) đã gửi tâm thư đến Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Nội dung bức thư xoay quanh việc sớm mở cửa toàn diện du lịch quốc tế tại Việt Nam. Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề xuất mở cửa trở lại từ 1/5. Tuy nhiên, lúc này, các hãng hàng không và công ty lữ hành muốn công bố mở cửa sớm hơn, cụ thể là từ tháng 2.

Sớm mở để cạnh tranh

Du lịch quốc tế có sức nặng đặc biệt với ngành du lịch Việt Nam. Trong du lịch, có ba hoạt động cơ bản là inbound (đón và phục vụ khách quốc tế đến Việt Nam), outbound (phục vụ người Việt Nam đi du lịch nước ngoài) và du lịch nội địa (domestic tourism).

Thời gian qua, du lịch nội địa đã vươn lên trở thành động lực chính của ngành du lịch, do dịch bệnh khiến inbound và outbound đóng băng. Thời gian tới, du lịch nội địa sẽ vẫn là chỗ dựa quan trọng của ngành du lịch. Tuy nhiên, du lịch nội địa chỉ chiếm khoảng 35% doanh thu toàn ngành nên không thể thay thế hoàn toàn du lịch quốc tế.

Do đó, việc khôi phục du lịch quốc tế vẫn là điều quan trọng nhất với ngành du lịch lúc này.

 Việc một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản còn quy định khó khăn tạo thuận lợi để Việt Nam thu hút khách quốc tế. Ảnh: Travel Japan News.

Việc một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản còn quy định khó khăn tạo thuận lợi để Việt Nam thu hút khách quốc tế. Ảnh: Travel Japan News.

Mặt khác, Việt Nam đang có lợi thế lớn để thu hút khách trở lại với kết quả tiêm vaccine cao top 10 thế giới. Hình ảnh đất nước chống dịch hiệu quả giúp Việt Nam ghi điểm trong mắt cộng đồng quốc tế. Những yếu tố thuận lợi đó tạo điều kiện cho những quyết sách mang tính đột phá từ Chính phủ, bao gồm cả việc xem xét mở cửa du lịch quốc tế sớm.

Việc này khó có thể chạm trễ hơn khi tính cạnh tranh giữa các nước đang bị đẩy lên cao. Xét riêng trong lĩnh vực du lịch, một số đối thủ cạnh tranh với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản... (nhóm nước có tập quán ăn đũa) có sức hút đặc biệt với thị trường châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc hay Nhật Bản vẫn đang duy trì chính sách "Zero Covid" hoặc thực hiện nhiều quy định ngặt nghèo với mọi đối tượng nhập cảnh.

Do đó, nếu Việt Nam có thể sớm đưa ra quyết định mở cửa du lịch quốc tế ở thời điểm này, du lịch nước nhà hứa hẹn "cất cánh". Ngoài ra, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cũng đánh giá việc mở cửa du lịch quốc tế ngay từ đầu năm nay sẽ góp phần lớn khơi thông dòng đầu tư quốc tế và các giao dịch thương mại - xuất nhập khẩu với Việt Nam.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm thị trường Việt Nam nhưng còn gặp khó khăn khi chưa có cơ chế để đi lại thuận lợi.

Phương án mở cửa

Dựa trên kết quả chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn một (tháng 11-12/2021), Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá cơ bản kết quả còn khiêm tốn.

Nguyên nhân lớn do quy định cách ly y tế với khách quốc tế chưa thoáng, chưa thống nhất trên cả nước. Điều này khiến du khách có tâm lý e sợ bị phân biệt với khách nội địa trong phòng chống dịch bệnh.

Thứ hai, chính sách visa (thị thực) của Việt Nam cũng không thông thoáng như trước năm 2020. Việc xin duyệt, cấp visa của du khách các nước từng được Việt Nam miễn visa hàng chục năm qua hiện rất nghiêm ngặt.

Việt Nam đón được 8.500 khách quốc tế trong thời gian thí điểm giai đoạn một nhưng vẫn là chưa đủ.

Do đó, Hiệp hội Du lịch đưa ra một số đề xuất đón khách quốc tế hiệu quả, cụ thể:

1. Về chính sách visa đối với khách du lịch quốc tế: Đề nghị Thủ tướng cho phép khôi phục lại các chính sách về visa cho khách du lịch mà Việt Nam đã thực hiện từ trước năm 2020, đặc biệt đối với các nước là thị trường nguồn chủ yếu của du lịch Việt Nam trước năm 2020 như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và 4 nước Bắc Âu.

Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho khách du lịch từ các quốc gia này, nay tuyệt đối không nên thay đổi. Nếu Việt Nam không tiếp tục miễn visa đơn phương cho công dân các nước này đi du lịch, luồng thông tin trái chiều sẽ ảnh hưởng không chỉ đến du lịch mà còn đến các ngành, lĩnh vực khác.

Tùy theo điều kiện thực tế, nếu Chính phủ cho phép miễn visa du lịch cho công dân một số quốc gia khác như Mỹ, Canada, Australia..., lượng khách sẽ tăng rất nhanh.

2. Về phòng chống dịch Covid-19: Hiện nay, các nước trên thế giới cơ bản đều quy định điều kiện phòng chống dịch khi nhập cảnh cho khách giống nhau, gồm tiêm đủ liều vaccine (hoặc khỏi bệnh trong 6 tháng), khách có kết quả âm tính khi xét nghiệm PCR trong thời gian 72 giờ trước khi lên máy bay.

Với hai điều kiện này, khách có thể di chuyển tùy ý đến những điểm du lịch an toàn của các quốc gia. Để thu hút khách du lịch, Việt Nam cũng cần thực hiện thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo sự công bằng giữa khách du lịch nội địa và khách quốc tế.

3. Quy định xét nghiệm PCR: Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận xét quy định khách phải có kết quả âm tính khi xét nghiệm PCR trong thời gian 72 giờ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam là không thực tế. Quy định này không giống các nước trên thế giới và làm khó cho khách du lịch.

Trong trường hợp khách du lịch phải bay theo lộ trình 2-3 ngày mới đến Việt Nam, việc xét nghiệm PCR để có kết quả âm tính trước khi nhập cảnh là điều không thể thực hiện được. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị nên quy định khách chỉ cần có kết quả âm tính khi thử PCR trong vòng 72h trước khi lên máy bay.

4. Về quy định khách vào Việt Nam phải đi theo tour trọn gói: Khách có đủ điều kiện về phòng dịch Covid-19 có thể đi lẻ, đi theo nhóm nhỏ (theo xu thế toàn cầu hiện nay). Vì vậy, việc quy định khách vào Việt Nam phải đi theo các chương trình trọn gói, do các công ty lữ hành phục vụ, là không phù hợp.

Cứu sống ngành du lịch

"2 năm qua, các doanh nghiệp hàng không và du lịch đã hứng chịu những tổn thất chưa từng có trong lịch sử. Dù đã nỗ lực, vượt qua từng giai đoạn khốc liệt của dịch bệnh, tại thời điểm này - sau gần 2 năm đóng băng - lực của các doanh nghiệp cũng hoàn toàn cạn kiệt.

Nhiều hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch muốn sớm công bố kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế. Ảnh: Hoàng Hà.

Đề xuất mở cửa vào 1/5 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là nhằm giúp các bên liên quan có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi đón khách. Ngoài ra, với khách quốc tế tại những thị trường trọng điểm của Việt Nam, họ cũng cần thời gian để đánh giá, nhận biết thông tin trước khi đưa ra quyết định.

Đại diện các hãng hàng không và công ty du lịch nhấn mạnh họ hoàn toàn hiểu điều đó. Tuy nhiên, khoảng thời gian này cần phải rút ngắn tối đa với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp cũng cần vào cuộc mạnh mẽ để nắm được thời cơ vàng.

Chia sẻ trong thư, các bên mong muốn Thủ tướng công bố ngay từ đầu tháng 2 "thời điểm mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế đến Việt Nam". Điều này sẽ tạo lực đẩy cho các địa phương, doanh nghiệp... có mốc thời gian chuẩn bị. Thực tế, việc mở cửa hoàn toàn có thể rơi vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4.

Anh Tú

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viet-nam-can-cong-bo-mo-don-khach-quoc-te-tu-thang-2-post1292509.html