Vì sao Việt Nam giảm 3 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu?

TGTTO TS Võ Trí Thành – Chuyên gia kinh tế - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh – nhận định: Phương pháp tính mới cũng như tốc độ thay đổi của Việt Nam đã không còn được nhanh như kỳ vọng là nguyên nhân Việt Nam giảm 3 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Việt Nam giảm 3 bậc trong xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố mới đây cho thấy Việt Nam xếp thứ 77/140 trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu năm 2018, so với vị trí 74/135 trong xếp hạng trong năm 2017.

Điểm số của Việt Nam đạt được năm nay là 58,1/100 điểm, tăng nhẹ so với mức 57,9 điểm vào năm 2017. Trong số 12 trụ cột đánh giá, Việt Nam đạt điểm cao nhất ở trụ cột "sức khỏe", với 81 điểm. Trong khi đó, ở trụ cột "năng lực sáng tạo", Việt Nam chỉ đạt 33 điểm.

TS Võ Trí Thành – Chuyên gia kinh tế - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

Liên quan đến việc Việt Nam giảm 3 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu, TS Võ Trí Thành – Chuyên gia kinh tế - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh – nhận định: Trước hết, việc giảm này có yếu tố kỹ thuật. Trước đây, WEF đánh giá năng lực cạnh tranh dựa trên 3 trụ cột: trụ cột thứ nhất đó là các nền tảng cơ bản như thể chế, kết cấu hạ tầng; trụ cột thứ 2 liên quan đến hiệu quả thị trường: như thị trường lao động, thị trường tín dụng, hệ thống giáo dục đào tạo; trụ cột thứ 3 liên quan đến sự đổi mới độ tinh xảo, đổi mới sáng tạo...

Trong 3 trụ cột này, trước đây trọng số vào 3 trụ cột này là khác nhau. Đối với các nước có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì gắn với nhiều với trụ cột thứ nhất và trụ cột thứ 2. Vì Việt Nam đang trong nền kinh tế chuyển đổi, chưa phải là nền kinh tế sáng tạo, chưa phải là nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, lần này, WEF đặt các trọng số này là như nhau, cho nên điểm số theo tính toán dựa trên các trọng số của các trụ cột này thay đổi.

Ở khía cạnh khác, ông Thành cho hay, so với 2 năm trước, ít nhất là dưới cách nhìn và đánh giá của WEF thì tốc độ thay đổi của Việt Nam đã không còn được nhanh như kỳ vọng. Chính vì vậy, xét một cách tương đối, so với các nước khác thì Việt Nam đã 1 phần tụt đi.

Và điều này cũng phù hợp với những nỗ lực của Việt Nam trong việc thay đổi mô hình đầu tư kinh doanh để làm sao tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và cho các nhà đầu tư. “Thời gian gần đây, đã có sự thay đổi nhưng chững lại”, ông Thành nói.

Phương pháp mới của WEF năm nay xếp hạng các nền kinh tế thông qua 98 tiêu chí được chia thành 12 cột trụ. Các cột trụ này được chia vào 4 nhóm chính: môi trường thuận lợi (thể chế, cơ sở hạ tầng, sự phổ cập công nghệ thông tin – viễn thông, ổn định vĩ mô); thị trường (sản phẩm, lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường); nhân lực (sức khỏe, kỹ năng) và hệ sinh thái đột phá sáng tạo (sự năng động trong kinh doanh, khả năng đột phá). Đối với mỗi trụ cột, WEF sử dụng thang điểm 100 (thay vì 7 như những năm trước), để đánh giá các nền kinh tế đã tiến tới mức cạnh tranh lý tưởng hay chưa.

WEF cho biết trong năm nay, phương pháp xếp hạng đã thay đổi hoàn toàn theo hướng đề cao tăng trưởng tương lai dựa trên công nghệ. Bởi vậy, Thụy Sỹ tụt xuống vị trí thứ 4, trong khi Singapore và Đức tiếp tục giữ vị trí lần lượt là thứ 2 và thứ 3. Báo cáo năm nay nhận định, các nền kinh tế vẫn còn khá yếu trong đột phá sáng tạo, có 103 quốc gia đạt điểm dưới 50 điểm trong tiêu chí này.

LÊ HẬU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/vi-sao-viet-nam-giam-3-bac-ve-nang-luc-canh-tranh-toan-cau-16209.html