Vì sao Việt Nam đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ bộ xét nghiệm nhanh?

Việt Nam là một trong số ít các nước sản xuất thành công bộ thử SARS-CoV-2. Tuy nhiên mới đây Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lại đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ các sinh phẩm, kit (bộ) chẩn đoán nhanh khiến nhiều người thắc mắc không biết hai loại này có gì khác nhau?

Các nhà khoa học Viện vệ sinh Dịch tễ T.Ư đang xét nghiệm mẫu bệnh phẩm Covid -19. Ảnh: Hà Minh

Các nhà khoa học Viện vệ sinh Dịch tễ T.Ư đang xét nghiệm mẫu bệnh phẩm Covid -19. Ảnh: Hà Minh

Đầu tháng 3, Việt Nam công bố là một trong số ít các nước sản xuất thành công bộ kit test SARS-CoV-2. Bộ sản phẩm do công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, phối hợp với Học viện Quân y sản xuất. Kết quả thử nghiệm cho thấy, các tiêu chí của thiết bị tương đương bộ sinh phẩm do Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật của Mỹ (US CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sản xuất. Thời gian phát hiện virus trong khoảng 2 tiếng.

Tuy nhiên, hiện tại bộ test SARS-CoV-2 “made in Vietnam” vẫn đang trong quá trình bắt đầu được đưa vào sản xuất, dự kiến sẽ sớm có trên thị trường. Trong khi đó, Việt Nam đã bước vào giai đoạn hai của cuộc chiến chống Covid-19, phức tạp và nhiều khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn trước. TS Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nhận định, với kỹ thuật xét nghiệm hiện nay của Việt Nam, nếu dịch phát triển đến cấp độ 1.000 ca thì vô cùng khó khăn và gần như không thể đáp ứng xét nghiệm.

Nguyên nhân là do kỹ thuật xét nghiệm của Việt Nam cho độ chính xác 100% nhưng dùng sức người nhiều. Dù đã nghiên cứu sản xuất thành công bộ thử, nếu đưa vào sản xuất, công suất có thể đáp ứng 10.000 bộ/ngày, thậm chí gấp ba lần, nhưng năng lực xét nghiệm cho kết quả thì khó lòng đáp ứng do lực lượng chuyên môn không đủ. Ngoài ra để thực hiện thí nghiệm sinh học phân tử, đòi hỏi cơ sở vật chất trang thiết bị tương đối hiện đại.

Tại buổi đã tiếp ông Park Noh-Wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam và TS Kydong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đề nghị phía Hàn Quốc chia sẻ bài học kinh nghiệm trong việc xét nghiệm cùng lúc số lượng lớn mẫu bệnh phẩm, hỗ trợ cho Việt Nam các sinh phẩm, kit chẩn đoán nhanh, trang thiết bị xét nghiệm nhằm rút ngắn thời gian xét nghiệm, ứng phó kịp thời nếu xảy ra tình huống dịch trên diện rộng.

Theo các chuyên gia dịch tễ, test kit của Hàn Quốc và của Việt Nam là 2 loại khác nhau. Thiết bị của Hàn Quốc là kit test nhanh, không phải kit PCR như của Việt Nam. Kit test nhanh của Hàn Quốc tuy độ chính xác không cao, nhưng do dùng máy móc can thiệp, có thể lấy nhiều mẫu trong thời gian ngắn cho kết quả nhanh hơn.

vậy, mẫu test nhanh này áp dụng phù hợp vào các trường hợp khẩn cấp cần xác định để khoanh vùng cách ly ngay. Việc Việt Nam quyết định tìm kiếm sự hỗ trợ kit chẩn đoán nhanh từ Hàn Quốc là để đáp ứng giai đoạn mới của dịch Covid-19 tại Việt Nam, khi ca bệnh tăng về số lượng và dịch lan trên diện rộng, nguồn lây lan khó kiểm soát.

Hà Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/vi-sao-viet-nam-de-nghi-han-quoc-ho-tro-bo-xet-nghiem-nhanh-1625755.tpo