Vì sao việc 'thừa nam, thiếu nữ' ở Việt Nam lại đáng lo

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt hơn 40.000 bé gái. Tình trạng mất cân bằng giới tính gia tăng đang kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính cao nhất thế giới và đứng thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc.

Điều tra mới nhất về dân số tại Việt Nam cho thấy tỷ suất sinh đang có sự chênh lệch lớn về giới tính: 111,5 bé trai/100 bé gái. Ở một số địa phương, con số này còn vượt ngưỡng 115/100.

 Viễn cảnh "thừa nam, thiếu nữ" do mất cân bằng giới tính sẽ để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội chỉ trong 5-10 năm tới.

Viễn cảnh "thừa nam, thiếu nữ" do mất cân bằng giới tính sẽ để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội chỉ trong 5-10 năm tới.

Dự báo đến năm 2030, dân số Việt Nam sẽ đạt mức 104 triệu người, tăng hơn 8 triệu so với hiện tại. Tuy nhiên, theo ước tính của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, khoảng 40.800 trẻ em gái sẽ không có cơ hội chào đời mỗi năm do biện pháp sàng lọc giới tính trước khi sinh.

Như vậy, dù được tuyên truyền, đề cập rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tỷ lệ sinh thấp chưa phải vấn đề đáng ngại nhất về dân số. Trái lại, viễn cảnh "thừa nam, thiếu nữ" do mất cân bằng giới tính sẽ để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội chỉ trong 5-10 năm tới.

Phái mạnh “ế” vợ

Nhiều chuyên gia xã hội học đánh giá đến năm 2050, Việt Nam sẽ dư thừa ít nhất 2,3 triệu nam giới, thậm chí có thể đạt mức 4,3 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc phần đông đàn ông trong độ tuổi lập gia đình sẽ không tìm được bạn đời để kết hôn.

Tình trạng này được thể hiện rõ tại một số quốc gia trên thế giới, điển hình là "đất nước tỷ dân" Trung Quốc - nơi có sự chênh lệch giới tính trầm trọng.

Liên Hợp Quốc ước tính, hiện tỷ lệ nam - nữ tại Trung Quốc đạt mức 106,2 đàn ông/100 phụ nữ. Tình trạng trên khiến việc tìm người yêu, bạn đời của phần đông nam giới nước này trở thành "nhiệm vụ bất khả thi".

Mới đây, Bộ Nội vụ công bố số liệu cho thấy dân số độc thân của Trung Quốc lên tới 240 triệu người. Có 77 triệu hộ gia đình độc thân, dự kiến tăng lên 92 triệu vào năm tới.

Đến năm 2030, khoảng 1/3 số đàn ông trong độ tuổi 30 ở Trung Quốc sẽ không thể kết hôn.

Dự báo đến năm 2030, khoảng 1/3 số đàn ông trong độ tuổi 30 ở nước này sẽ không thể kết hôn. Khi ấy, hôn nhân dần mất đi ý nghĩa vốn có, trở thành gánh nặng đối với cả hai giới.

Sau nhiều thập kỷ chung sống với cảnh "thừa nam", đàn ông Trung Quốc buộc phải gồng mình phấn đấu, tích lũy của cải để trở nên "hấp dẫn và giá trị hơn", gia tăng cơ hội tìm được bạn đời.

Theo khảo sát của tờ Shanghai Daily, 80% các gia đình có con gái không muốn gả con cho một người đàn ông không có nhà cửa, xe cộ. Do đó, áp lực tài chính của nam giới trong độ tuổi lấy vợ ngày càng nặng nề.

Về phía nữ giới, nhiều khả năng họ phải kết hôn sớm, lấy người nước ngoài hoặc tái giá nhiều lần theo nguyện vọng của gia đình hai bên. Từ đó phát sinh các vấn đề bạo lực gia đình, bạo hành tình dục...

Chênh lệch giới tính khiến vấn đề bất bình đẳng giới thêm hằn sâu, ảnh hưởng tiêu cực đến cả nam và nữ trên nhiều khía cạnh đời sống xã hội. Ảnh: The Economist.

Mặt khác, sự mất cân bằng giới tính là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến cơ cấu nhân lực trong thị trường lao động. Cụ thể, thị trường sẽ thiếu hụt trầm trọng lao động nữ trong các ngành nghề đòi hỏi sự khéo léo, vốn định hướng cho phái đẹp như dệt may, giáo viên mầm non, công nghiệp chế biến...

Trong khi đó, vắng bóng nữ giới không trở thành ưu thế giúp đàn ông có thêm cơ hội việc làm. Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp của phái mạnh có thể gia tăng do tính chất cạnh tranh gay gắt trong các ngành nghề phổ thông.

Khi ấy, sự thay đổi cơ cấu giới tính trên thị trường lao động khiến tình trạng bất bình đẳng giới thêm trầm trọng. Số lượng nam giới áp đảo tại nơi làm việc đẩy phụ nữ vào thế yếu, không được lắng nghe, tôn trọng.

Nạn “buôn bán cô dâu”

Mặt khác, mất cân bằng cân bằng giới tính là xuất phát điểm của nạn buôn bán cô dâu.

Mỗi năm, hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em gái bị lừa bán sang các nước “thiếu vợ” bằng những lời dụ dỗ công ăn việc làm ổn định, lương cao của kẻ buôn người. Thậm chí, họ bị chính người thân trong gia đình bán để lấy tiền hồi môn.

Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là thị trường nhập khẩu cô dâu chủ yếu.

Cụ thể, đàn ông Trung Quốc thường phải trả phí từ 10.000-15.000 USD cho người môi giới. Trong đó, 1.000-3.000 USD là “của hồi môn” đưa cho gia đình cô dâu. Còn ở Ấn Độ, mức giá cho cô dâu còn rẻ mạt hơn, chỉ dao động khoảng 500 USD.

Các cô dâu trở thành món hàng, được trao tay với giá chỉ dao động từ 500-3000 USD. Ảnh: Inkstone.

Từ xa xưa, các thế hệ gia đình Á Đông quan niệm rằng có con gái giống như một “vụ làm ăn thua lỗ”. Sau khi lấy chồng, họ như “bát nước đổ đi” do thường phải chăm sóc bố mẹ chồng thay vì bố mẹ đẻ.

Ngược lại, con trai được xem là “có giá trị” hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, có khả năng làm việc tốt hơn. Bên cạnh đó, quý tử trong nhà khi lớn lên sẽ là người mang nhiệm vụ duy trì dòng giống, thờ cúng tổ tiên và phụng dưỡng bố mẹ.

Do vậy, không ít bậc phụ huynh chỉ trông chờ bán con gái đi cho nhẹ gánh, đỡ tốn miệng cơm mà được một khoản tiền hồi môn, coi như bù đắp công lao dưỡng dục bấy lâu.

“Nhiều gia đình trông đợi vào những cô con gái để đem ‘lợi nhuận’ về cho họ. Các thiếu nữ càng xinh đẹp và trẻ trung, họ càng nhận được của hồi môn lớn”, Chou Bun Eng, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chống buôn người của Campuchia, cho biết.

Shafiq R. Khan, nhà sáng lập tổ chức từ thiện chống buôn người Empower People, cho biết những cô dâu bị mua về thường phải đối mặt với cuộc sống nô lệ ở gia đình nhà chồng.

“Đáng lẽ những nhà phải nhập khẩu vợ phải tôn trọng người phụ nữ đó. Tuy nhiên, họ không làm vậy. Thay vào đó, họ coi thường và nhục mạ các cô dâu, gọi nạn nhân là những món hàng bị mua lại”, ông nói.

"Thay vào đó, họ coi thường và nhục mạ các cô dâu, gọi nạn nhân là những món hàng bị mua lại”, Shafiq R. Khan, nhà sáng lập tổ chức từ thiện chống buôn người Empower People, nói. Ảnh: Getty.

Bên cạnh đó, cũng chỉ vì tư tưởng trọng nam khinh nữ cố hữu trong xã hội châu Á, hàng triệu bé gái bị cướp đi sinh mạng ngay từ khi nằm trong bụng mẹ do nhiều gia đình quyết định phá thai. Họ muốn đảm bảo đứa con duy nhất trong nhà phải là một quý tử để nối dõi tông đường.

Ngay cả khi xã hội phát triển, tình trạng “khát con trai” vẫn diễn ra. Nhiều gia đình sẵn sàng chi tiền sử dụng công nghệ hiện đại để chọn lọc và giữ lại bào thai mang giới tính nam.

Hành động lựa chọn giới tính thai nhi này lại càng khiến tình trạng mất cân bằng nam - nữ trở nên trầm trọng.

Sau 35 năm thực hiện chính sách một con nhằm kiềm chế bùng nổ dân số , số nam giới ở Trung Quốc hiện nhiều hơn nữ giới khoảng 34 triệu người. Còn Ấn Độ cũng thừa tới 37 triệu đàn ông, theo South China Morning Post.

Trang Minh - Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-viec-thua-nam-thieu-nu-o-viet-nam-lai-dang-lo-post1154885.html