Vì sao việc khởi kiện doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội vẫn còn khó khăn?

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết tháng 2 số nợ BHXH tiếp tục gia tăng. Số nợ BHXH phải tính lãi đã tăng lên là 6.654 tỷ đồng, so tháng 2/2018 đã tăng 1.305 tỷ đồng, tăng lên 2,7% so với số phải thu.

Do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất nên việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH vẫn còn khó khăn (Ảnh minh họa). Ảnh: X.T.

Do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất nên việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH vẫn còn khó khăn (Ảnh minh họa). Ảnh: X.T.

Tình hình số nợ gia tăng ở tất cả các tỉnh thành phố, cũng như ở tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt thành phần kinh tế ngoài quốc doanh số nợ tăng rất mạnh. Tuy nhiên, trong số khoảng 3.000 hồ sơ của ngành công đoàn gửi sang tòa án đề nghị khởi kiện, số được thụ lý và khởi kiện không đáng kể. Phần còn lại chưa thực hiện bởi những vướng mắc về mặt pháp lý.

Vướng từ đâu?

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH hiện chịu chi phối của 4 bộ luật hiện hành gồm: Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH năm 2014 và Luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất nên tòa án các cấp vẫn từ chối thụ lý.

Phân tích kĩ hơn về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, Điều 14 Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016 quy định: Tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. Trên cơ sở đó, trong 3 năm qua, tổ chức công đoàn đã triển khai việc đề nghị ngành tòa án thụ lý hồ sơ về nợ BHXH do các cơ quan BHXH tỉnh, thành chuyển sang. Tính tới thời điểm hiện nay, công đoàn đã chuyển hơn 3.000 hồ sơ nợ BHXH của doanh nghiệp sang tòa án để thụ lý theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Tuy nhiên, số được thụ lý và khởi kiện không đáng kể. Phần còn lại chưa thực hiện bởi những vướng mắc về mặt pháp lý.

Cụ thể, như tư cách khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH sẽ do tổ chức công đoàn cơ sở hay tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp. Hoặc có luật xem đây là tranh chấp về quyền nên phải chứng minh có tranh chấp về BHXH giữa người lao động với người sử dụng lao động, giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động. Có nơi vẫn cho rằng, trình tự xử lý nợ BHXH cần theo thủ tục giải quyết tranh chấp tập thể về quyền. Do đó cần được cấp chủ tịch UBND huyện giải quyết. Nếu không giải quyết được thì tòa án mới vào cuộc...

“Về nguyên tắc, nếu trong trường hợp các luật có quy định khác nhau thì sẽ áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, do còn một số cách hiểu khác nhau nên Tòa án nhân dân không thụ lý. Tòa án nhân dân yêu cầu phải có ủy quyền. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định theo quy định của Hiến pháp, công đoàn đương nhiên là đại diện cho người lao động, không cần giấy ủy quyền. Bên cạnh đó, việc thực hiện các thủ tục ủy quyền hết sức rườm rà, khó khăn, rủi ro cho công đoàn cấp cơ sở khi họ đang được chủ doanh nghiệp trả lương, rất ít cán bộ Công đoàn cơ sở “dám” đứng ra để khởi kiện chủ doanh nghiệp, bởi họ sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình…”, ông Hiểu khẳng định.

Gỡ “vênh” thế nào?

Trước bất cập trên, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, để việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH được diễn ra thuận lợi, trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn được làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam để tìm ra giải pháp, điều chỉnh, những vướng mắc hiện nay. Đồng thời, sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc công đoàn đại diện người lao động khởi kiện chủ doanh nghiệp nợ BHXH, để các cấp công đoàn khi chuyển hồ sơ sang, tòa án sẽ tiếp nhận và các cơ quan tiến hành khởi tố hình sự đối với doanh nghiệp nợ BHXH.

Để luật không còn độ “vênh”, sẽ cần một quá trình dài để sửa luật cho đồng bộ. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi người lao động, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang đào tạo đội ngũ luật sư. Theo kế hoạch, đến năm 2023, có ít nhất 50 luật sư, kèm với sự giúp sức của tổ tư vấn cũng như quy định giao thẩm quyền khởi kiện cho công đoàn cấp trên thì công đoàn hoàn toàn có thể khởi kiện đòi quyền lợi cho người lao động, và đảm bảo được sự “an toàn” cho công đoàn cơ sở.

Đứng ở góc độ BHXH Việt Nam, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, tính đến 31/3, BHXH đã chuyển 150 hồ sơ vụ việc doanh nghiệp nợ BHXH sang cơ quan điều tra. Trong đó, riêng cuối năm 2018 là 45 vụ, 3 tháng đầu năm 2019 là 105 vụ. Hiện tại, trong số 45 vụ án của năm 2018 đã khởi tố 2 vụ, tuy nhiên khi cơ quan điều tra khởi tố thì chuyển sang tội danh khác như lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chứ không khởi tố theo Điều 216 Bộ Luật Tố tụng hình sự về vi phạm trong hành vi trốn đóng, chiếm đoạt BHXH. Trong năm 2018, có 10 vụ việc sau khi cơ quan BHXH chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra thì Tòa án nhân dân đề nghị không khởi tố, xử lý quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2016 vì hành vi trốn đóng xảy ra trước khi luật có hiệu lực.

Đồng thời, cũng phải ghi nhận một kết quả khả quan từ việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH đó là một vụ việc ngay khi hồ sơ được chuyển cơ quan điều tra thì doanh nghiệp nợ khắc phục ngay hậu quả, thực hiện trả lại tiền nợ BHXH cho người lao động.

Trước thực trạng nhiều DN trây ì trong việc giải quyết tình trạng nợ BHXH, BHXH Việt Nam đang áp dụng nhiều giải pháp như tuyên truyền, công khai danh tính các doanh nghiệp nợ BHXH trên các phương tiện truyền thông. Trong trường hợp đơn vị cố tình trốn đóng, BHXH Việt Nam tiếp tục kiến nghị cơ quan Công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự, hoặc hướng dẫn người lao động tố giác hành vi vi phạm với cơ quan công an để xử lý theo trình tự quy định của pháp luật...

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/vi-sao-viec-khoi-kien-doanh-nghiep-no-bao-hiem-xa-hoi-van-con-kho-khan-104285-104285.html