Vì sao VFF chưa thay đổi cách bán vé xem tuyển Việt Nam?

Cảnh tượng người hâm mộ chen lấn, xô đẩy nhau để mua vé ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã trở nên quen thuộc ở những trận đấu 'nóng' của đội tuyển Việt Nam. Bán vé online được đánh giá là phương thức hiện đại, thuận tiện và minh bạch nhưng vì sao Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chưa áp dụng với số lượng lớn?

Trong lúc hàng ngàn người vất vả xếp hàng mong mua được tấm vé thì phe vé tung hoành bên ngoài với mức giá được đẩy lên gấp hàng chục lần mệnh giá. Ảnh: VSI

Sáng 11/11, hàng nghìn người đã chen nhau xếp hàng ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình để được xem 2 trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại bảng A, AFF Cup 2018, với Malaysia (16/11) và Campuchia (24/11). Đây là cảnh tượng quen thuộc mỗi khi đội tuyển Việt Nam có trận đấu hấp dẫn trên sân nhà. Thậm chí có lúc, CĐV đã xô đẩy, đạp sập cả tường rào sân Mỹ Đình.

Theo TTK VFF Lê Hoài Anh, vé xem 2 trận đấu trên của đội tuyển Việt Nam được phân phối theo 3 kênh: mua qua đường công văn, bán trực tiếp ở sân vận động Mỹ Đình và bán online. Tổng số vé phân phối qua 3 kênh này khoảng 24.000 vé, trong đó vé bán online gần 4.000. Số lượng vé còn lại, VFF sử dụng để trả quyền lợi cho nhà tài trợ của AFF, ĐTQG và vé mời.

Tiền Phong đặt vấn đề, vì sao VFF không tăng lượng qua internet, trong khi đây là phương thức được đánh giá hiện đại, thuận tiện với người hâm mộ. CĐV sẽ không phải xếp hàng vất vả nhiều giờ đồng hồ, đồng thời việc phân phối vé cũng minh bạch, không gây điều tiếng.

Ông Lê Hoài Anh cho biết, thực tế VFF đã thử nghiệm bán vé online trong các trận đấu của đội tuyển Việt Nam ở Vòng loại Asian Cup 2019 hồi tháng 11/2017. Tuy nhiên do cần thử nghiệm nên thời điểm trên, số lượng vé bán ra chỉ 1.000 vé.

“Đây là kênh bán vé mới nên cần thời gian để kiểm nghiệm hệ thống mạng, đường truyền, phương thức thanh toán rồi mới nâng dần từng bước. Như vậy mới có thể tránh xảy ra sai sót. Năm ngoái trôi chảy nên năm nay chúng tôi đã nâng số lượng vé bán online lên gần 4.000 vé ở hai trận đấu sắp tới của Việt Nam tại vòng bảng AFF Cup 2018”-TTK Lê Hoài Anh cho biết.

Theo ông Lê Hoài Anh, hiện nay VFF bán vé online tới từng hàng, số ghế (giống như bán vé xem phim). Tuy nhiên với số lượng lên đến hàng nghìn vé, cách này khiến việc trả vé chậm, rất vất vả. Chính vì vậy VFF đang nghiên cứu với đơn vị cung cấp dịch vụ để bán vé theo mệnh giá. “Trong thời gian tới nếu hệ thống phân phối qua mạng hoàn thiện hơn, chúng tôi sẽ tăng số lượng vé bán online. Đây sẽ là kênh phân phối an toàn, chuyên nghiệp và mang nhiều cơ hội cho người dân”-ông Lê Hoài Anh nói.

Theo TTK Lê Hoài Anh, VFF không thể kiểm soát hết việc các đơn vị hoặc cá nhân mua vé sau đó mang ra bán lại trên thị trường chợ đen để kiếm lời. Ông Lê Hoài Anh nói: “Phe vé thì ở đâu cũng có, World Cup 2018 ở Nga vừa qua cũng thế. Dĩ nhiên nếu an ninh làm chặt thì chuyện đó cũng có thể hạn chế được, nhưng để ngăn chặn hoàn toàn là rất khó. Chúng tôi cũng biết nhiều người xếp hàng mua vé rồi sau đó mang đi bán lại, nhưng người ta xếp hàng mua, BTC không thể không bán”.

Một quan chức VFF khác than thở, ở những trận đấu “nóng” của đội tuyển Việt Nam, VFF cũng chịu áp lực rất lớn từ các đơn vị, bộ ngành nhà nước và cả…người quen. Điện thoại những người làm việc ở VFF hoặc liên quan đến bóng đá những ngày này luôn “nóng ran” vì các cuộc gọi nhờ mua vé.

Theo Phó TTK VFF Nguyễn Minh Châu, việc phân phối vé qua đường công văn được thực hiện theo quy định nghiêm ngặt, đảm bảo đơn vị nào cũng có nhưng số lượng không thể theo nhu cầu. “Chúng tôi vừa rồi nhận được hơn 800 đơn đặt mua qua công văn, số lượng lên tới hơn 40.000 vé. Sắp tới khi hệ thống phân phối qua mạng hoàn thiện, việc mua vé của CĐV sẽ thuận tiện hơn”-ông Nguyễn Minh Châu nói.

N.P

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-thao/vi-sao-vff-chua-thay-doi-cach-ban-ve-xem-dtqg-1345233.tpo