Vì sao Venice và nhiều thành phố ngán ngẩm du khách, thu phí tham quan

Du lịch toàn cầu bùng nổ trong những năm qua, đặc biệt là khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Và tình trạng 'tắc nghẽn' đã xảy ra ở rất nhiều nơi.

Năm 1953, hai nhà leo núi Tenzing Norgay và Edmund Hillary mới trở thành những người đầu tiên chinh phục thành công Everest, đỉnh núi cao nhất thế giới. Nhưng giờ Everest trở thành điểm đến phổ biến đến mức trên mạng xuất hiện các bức ảnh chụp cảnh hàng chục người đứng chờ đến lượt leo lên đỉnh núi. Everest trở thành một bãi rác khổng lồ, và không ít người đã bỏ mạng tại đây.

Tình trạng “tắc nghẽn” đó cũng xuất hiện ở rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới. Kể từ giữa thế kỷ 20 đến nay, du lịch toàn cầu bùng nổ. Tổng số du khách quốc tế đạt tới 1,4 tỷ vào năm 2018. Châu Âu là khu vực đón nhận nhiều du khách nhất, nhưng châu Á - Thái Bình Dương cũng đạt tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng.

Tình trạng tắc nghẽn trên đỉnh Everest. Ảnh: AFP.

Tình trạng tắc nghẽn trên đỉnh Everest. Ảnh: AFP.

Du lịch quốc tế bùng nổ nhờ nhiều yếu tố. Đầu tiên, thu nhập bình quân của các nước tăng nhanh, đặc biệt là tại Trung Quốc. Người dân thế giới sống thọ hơn, sinh con ít hơn, do đó có thêm thời gian để du lịch và hưởng thụ. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới trở nên cởi mở và hòa bình hơn, nhiều khu vực từng bị cấm kỵ giờ mở rộng cửa đón du khách.

Công nghệ mở cửa thế giới

Công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng. Giá vé máy bay ngày càng rẻ. Du khách có thể dễ dàng mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, mua tour… qua mạng. Bất cứ ai cũng có thể tìm thấy mọi thông tin về các điểm du lịch trên thế giới qua Internet, từ suối nước nóng ở Nhật cho đến sông băng tại Iceland.

Google Maps giúp mọi người di chuyển ở các vùng đất lạ không mấy khó khăn, các ứng dụng dịch thuật xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, Uber cung cấp dịch vụ di chuyển tại các thành phố. Qua Airbnb, du khách tìm chỗ ở cũng dễ và rẻ hơn.

Du lịch trở thành ngành công nghiệp rất quan trọng với nhiều quốc gia. Tổng doanh thu trực tiếp từ du lịch toàn cầu đạt 1.600 tỷ USD vào năm 2017, tương đương 2% tổng giá trị nền kinh tế toàn cầu. Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới ước tính tổng lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp từ du lịch lên đến 8.800 tỷ USD trong năm 2018, thu hút 10% tổng lao động toàn cầu.

Châu Âu là địa điểm thu hút nhiều du khách nhất, nhưng châu Á - Thái Bình Dương cũng đạt tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, du lịch cũng gây ra các tác động tiêu cực. Như những hình ảnh về Everest, việc du khách ập tới những điểm du lịch dẫn tới hiện tượng mà các nhà kinh tế gọi là “trạng thái tắc nghẽn”. Khi bạn đi tới một địa điểm nổi tiếng, sự có mặt của bạn khiến trải nghiệm tại đó trở nên kém thuận tiện và thoải mái với những người khác.

Và hàng chục triệu du khách quốc tế đang khiến trải nghiệm của từng người trở nên kém hấp dẫn hơn. Quán bar Golden Gai từng là một viên ngọc ẩn ở Tokyo (Nhật Bản), nhưng giờ nhiều người than phiền nó không còn đem lại cảm giác thú vị như trước vì lúc nào cũng đông nghẹt khách phương Tây và Trung Quốc.

Thế giới không đủ lớn để làm sân chơi của mọi người

Với các thành phố, trạng thái tắc nghẽn càng nghiêm trọng hơn. Nguồn thu từ du lịch giúp các doanh nghiệp địa phương ăn nên làm ra, nhưng hạ tầng rơi vào tình trạng quá tải vì không hề được thiết kế và xây dựng để tiếp nhận cùng lúc quá nhiều người.

Nếu thành phố đó xây dựng ồ ạt hạ tầng để đáp ứng nhu cầu du lịch thì phần lớn các con phố, tuyến tàu điện, nhà hàng hay trung tâm mua sắm mới sẽ rơi vào cảnh vắng người trong mùa thấp điểm. Du khách dễ dàng tìm chỗ ở qua Airbnb, nhưng dịch vụ này khiến giá thuê nhà tại địa phương tăng vọt.

Đơn giản là không một nơi nào trên thế giới có được sự chuẩn bị đầy đủ để tiếp nhận một số lượng người quá lớn so với dân số địa phương. Và vấn đề này sẽ ngày càng trầm trọng khi nhiều quốc gia ở châu Á và châu Phi giàu lên.

Tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ, Bangladesh hay Indonesia cũng muốn tham quan dãy Alps ở Thụy Sĩ, đi thuyền tại Venice (Italy) và ngắm vẻ đẹp hiện đại của Times Square (New York, Mỹ).

Dòng chữ "Du khách là bọn khủng bố" viết trên tường ở thị trấn Palma, Mallorca (Tây Ban Nha). Ảnh: Reuters.

Sẽ đến lúc du lịch toàn cầu gây mệt mỏi cho du khách vì tình trạng quá tải. Nhật Bản đang nỗ lực giải quyết vấn đề bằng cách khuyến khích du khách tìm đến những địa điểm mới hơn, lạ hơn, vắng người hơn. Thành phố Amsterdam (Hà Lan) cắt giảm các hoạt động quảng bá du lịch.

Cuối cùng, nhiều thành phố và quốc gia đang tính đến giải pháp thu phí du lịch. Thành phố Venice tuyên bố sẽ thu phí khách du lịch đến và đi trong ngày. Chính quyền New Zealand tuyên bố thu thuế du khách. Trong khi đó, nhiều nơi ở châu Âu đã và sẽ đánh thuế lên các khách sạn và dịch vụ lưu trú.

Những giải pháp trên sẽ khiến du lịch trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt là những chuyến đi đến các địa điểm nổi tiếng. Venice sẽ chỉ còn là nơi dành cho những người khá giả. Thế giới rất rộng lớn, nhưng nó vẫn không bao giờ là đủ để trở thành sân chơi riêng của mọi người.

An Chi

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-venice-va-nhieu-thanh-pho-ngan-ngam-du-khach-thu-phi-tham-quan-post977977.html