Vì sao ưu tiên 50 nghìn tỷ đồng đầu tư cảng nước sâu Trần Đề?

Cục Hàng hải VN làm rõ nhiều vấn đề quan trọng liên quan việc đầu tư xây dựng cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng)...

Việc đầu tư hình thành một cảng nước sâu như khu bến Trần Đề sẽ đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đang tăng trưởng mạnh vùng ĐBSCL - Ảnh minh họa

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, nhiều vấn đề liên quan quy hoạch, đầu tư xây dựng cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng) đã được Cục Hàng hải VN làm rõ.

Cụ thể, đối với chức năng, nhiệm vụ, quy mô, hiệu quả, dự báo nguồn hàng của cảng Trần Đề, Cục Hàng hải VN cho biết, theo điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lượng hàng (lương thực, ngũ cốc, trái cây…) qua cảng thuộc khu vực ĐBSCL đến năm 2030 từ 66,5 - 71,5 triệu tấn/năm.

Kết quả nghiên cứu Quy hoạch tổng năng lượng quốc gia, tại khu vực ĐBSCL, tổng nhu cầu lượng than nhập đến năm 2030 là hơn 92 triệu tấn/năm, đến năm 2050 là hơn 99 triệu tấn/năm.

Theo phương án CTCP tư vấn xây dựng công trình hàng hải báo cáo Bộ GTVT, khu vực nghiên cứu bến cảng Trần Đề có diện tích dự kiến rộng khoảng 30.000ha. Trong đó, đường bờ dài 20km, được xây dựng nằm ngoài khơi cách bờ khoảng 15-20km tùy vị trí. Độ sâu khoảng từ -10m đến -12m.

Đơn vị tư vấn cũng đề xuất 2 phương án quy hoạch cảng Trần Đề. Phương án 1, xây dựng đê chắn sóng dài 11,6km, cầu dẫn vượt biển dài 16km, cầu cảng dài 9km. Phương án 2, các hạng mục xây dựng bao gồm: đê chắn sóng, cát dài 13,7km, cầu dẫn vượt biển dài 16km, cầu cảng dài 10,6km.

Trên cơ sở đó, vùng ĐBSCL cần có một cảng đầu mối để phục vụ XNK hàng hóa trực tiếp cho vùng, giúp giảm chi phí vận tải, phát triển KT-XH.

“Bến cảng Trần Đề được định hướng quy hoạch nằm tại trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, kết nối đường thủy nội địa, đường bộ (QL 60, QL1, QL91, 91C) thuận lợi đến các cảng và đầu mối logistics của vùng.

Tuy nhiên, do có một số hạn chế nhất định về điều kiện tự nhiên nên cần xây dựng ngoài khơi để tận dụng độ sâu nước để phục vụ cỡ tàu tổng hợp, container đến 100.000 DWT hoặc lớn hơn; tàu hàng rời (than) đến 160.000 DWT.

Quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước sẽ nghiên cứu sâu hơn về điều kiện tự nhiên, các công trình chỉnh trị phù hợp đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật, lộ trình đầu tư đảm bảo tính khả thi, phù hợp với nhu cầu và năng lực của nhà đầu tư”, Cục Hàng hải thông tin.

Trước câu hỏi vì sao đưa Cảng Trần Đề là dự án ưu tiên với kinh phí 50.000 tỷ đồng, Cục Hàng hải VN cho biết, cảng Trần Đề được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp (kể cả luồng tầu, đê chắn sóng và cầu vượt biển kết nối từ bờ ra cảng) với quy mô và kinh phí đầu tư lớn, tính chất kỹ thuật cao, thời gian nghiên cứu dài (thực tế đầu tư cảng Lạch Huyện cần mất 10 năm từ quy hoạch cho đến khi có bến đi vào hoạt động). Do đó, dự án này cần được đưa vào danh mục ưu tiên để nhà đầu tư có cơ sở nghiên cứu đầu tư.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-uu-tien-50-nghin-ty-dong-dau-tu-cang-nuoc-sau-tran-de-d512679.html