Vì sao Ukraine coi Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ nguy hiểm hơn Dòng chảy phương Bắc 2?

Kiev cho rằng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ còn nguy hiểm hơn cả Dòng chảy phương Bắc 2, vì sau khi đưa vào vận hành toàn bộ đường ống thì Ukraine cuối cùng sẽ bị mất chức năng là quốc gia trung chuyển khí đốt của Nga.

Dự án khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ

Dự án khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ

Tạp chí "Thời đại mới" dẫn nguồn từ ông Karel Girman chuyên gia năng lượng của Nhóm cố vấn hỗ trợ cải cách chiến lược của Chính phủ Ukraine đưa tin.

Theo nhận xét của chuyên gia Girman, dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 không thể cung cấp khí đốt cho người mua từ Nam Âu, yếu tố này khiến Ukraine vẫn còn cơ hội duy trì phần lớn hệ thống quá cảnh khí đốt. Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành toàn bộ hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, khí đốt của Nga sẽ được cung cấp đến Italia, Pháp và các nước vùng Balkan.

Đồng thời, theo ông Karel Girman, trong trường hợp xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 thì Ukraine và Hoa Kỳ, hai nước vốn luôn phản đối dự án sẽ có lợi ích trùng hợp, còn trong trường hợp với dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ không có sự tương hợp như vậy.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Công nghiệp khí đốt và Thị trường khí tự nhiên Ukraine cảnh báo rằng nếu Kiev không ngay lập tức ngăn chặn thì sau khi hoàn thành, Dự án khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến Ukraine thiệt hại nặng nề.

Ông Leonid Unigovsky nhận định, sau khi dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đi vào hoạt động, thì lượng vận chuyển khí quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine sẽ giảm 12-13 tỷ mét khối mỗi năm.

Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ là dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt trên Biển Đen, bao gồm hai nhánh có công suất 15,75 tỷ mét khối khí. Nhánh đầu tiên được xây dựng để cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng Thổ Nhĩ Kỳ, nhánh thứ hai là dành cho các nước Nam và Đông Nam Âu.

Theo kế hoạch, tất cả công việc sẽ được hoàn thành vào tháng 12/2019. Gazprom sẽ sở hữu toàn bộ phần ngoài khơi của đường ống. Tập đoàn này cũng sẽ hoàn toàn tài trợ xây dựng cả hai nhánh. Công ty Botas của Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách việc xây dựng cơ sở hạ tầng vận chuyển khí trên lãnh thổ nước này.

Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga cùng 5 công ty châu Âu, nhằm xây dựng một đường ống dẫn khí đốt với công suất 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức.

Đã có một số nước lên tiếng phản đối dự án này, trong đó có Hoa Kỳ. Washington cho rằng, dự án này chỉ nhằm mục đích tạo ra một tuyến đường vận chuyển khí không thể thay thế đến châu Âu, bỏ qua Ukraine.

Hoa Kỳ là nước phản đối mạnh mẽ nhất việc xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2, Washington liên tục đưa ra các đe dọa trừng phạt đối với các nước, các công ty tham gia dự án này.

Mới đây nhất, tờ Bild của Đức đưa tin, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã gửi thư cho một loạt công ty Đức, trong đó bóng gió đề cập tới khả năng Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những công ty của Đức ủng hộ dự án xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/vi-sao-ukraine-coi-dong-chay-tho-nhi-ky-nguy-hiem-hon-dong-chay-phuong-bac-2-post288988.info