Vì sao tỷ lệ tử vong ở Đức trở thành ngoại lệ của thế giới?

Đức bị ảnh hưởng nặng bởi bệnh dịch với hơn 92.000 ca dương tính, đứng thứ tư trên thế giới. Tuy nhiên, số ca tử vong tại đây rất thấp so với các quốc gia khác.

Ở bang Baden-Württemberg của Đức, taxi corona chạy vòng quanh thành phố. Những chiếc xe này chở nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đầy đủ quanh những con đường vắng vẻ ở thành phố Heidelberg để kiểm tra những bệnh nhân ở nhà năm hoặc sáu ngày sau khi nhiễm virus corona.

Họ làm xét nghiệm máu và tìm kiếm triệu chứng cho thấy một bệnh nhân sắp rơi vào tình trạng nghiêm trọng. Họ có thể đề nghị nhập viện ngay cả với một bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ. Cơ hội sống sót của bệnh nhân tăng lên nhiều nếu nhập viện ở giai đoạn đầu.

 Công nhân xây dựng bắt đầu chuẩn bị biến một phòng triển lãm ở Berlin trở thành trung tâm điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: New York Times.

Công nhân xây dựng bắt đầu chuẩn bị biến một phòng triển lãm ở Berlin trở thành trung tâm điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: New York Times.

“Thời điểm quan trọng là ở tuần đầu tiên khi nhiễm bệnh”, giáo sư Hans-Georg Kräusslich, người đứng đầu ngành virus học tại Bệnh viện Đại học ở Heidelberg, một trong những bệnh viện nghiên cứu hàng đầu của Đức nói với New York Times. “Nếu bạn là người có thể bị ảnh hưởng nặng bởi virus, đây là lúc sức khỏe bạn xấu đi”.

Taxi corona ở Heidelberg chỉ là một sáng kiến chống dịch trong thành phố này. Nhưng nó minh họa mức độ tham gia của các nguồn lực công cộng trong việc chống lại dịch bệnh và giúp giải thích một trong những câu đố hấp dẫn nhất của đại dịch: Tại sao tỷ lệ tử vong của Đức lại rất thấp?

Đức có số người nhiễm virus khá cao. Theo Đại học Johns Hopkins, quốc gia này đã có hơn 97.000 ca nhiễm được xác nhận, tính tới ngày 6/4, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới ngoại trừ Mỹ, Italy và Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, với 1.295 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong của Đức chỉ ở mức 1,4%. Italy có tỷ lệ tử vong là 12% và tỷ lệ này là 10% ở Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Trung Quốc có tỷ lệ tử vong 4% và tỷ lệ này là 2,5% ở Mỹ. Ngay cả Hàn Quốc, quốc gia làm hình mẫu trong việc làm phẳng đường cong lây nhiễm, cũng có tỷ lệ tử vong cao hơn, 1,7%, theo New York Times.

Theo các chuyên gia, câu trả lời là sự pha trộn của nhiều yếu tố.

Xét nghiệm diện rộng

Vào giữa tháng 1, rất lâu trước khi hầu hết người Đức nghĩ về virus, bệnh viện Charité ở Berlin đã phát triển một kit xét nghiệm và đăng công thức lên mạng.

Vào thời điểm Đức ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào tháng 2, các phòng thí nghiệm trên cả nước đã có được một kho dụng cụ xét nghiệm.

“Lý do Đức có rất ít trường hợp tử vong vào lúc này so với số lượng người mắc bệnh có thể được giải thích phần lớn bởi thực tế là Đức xét nghiệm rất nhiều”, Tiến sĩ Christian Drosten, nhà virus học tại Charité, người tham gia vào việc phát triển bộ xét nghiệm đầu tiên nói với New York Times.

Cho đến nay, Đức tiến hành khoảng 350.000 xét nghiệm virus corona mỗi tuần, nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Việc xét nghiệm sớm và rộng rãi đã cho phép các nhà chức trách làm chậm sự lây lan của đại dịch bằng cách cách ly các trường hợp dương tính. Điều này cũng cho phép việc điều trị được thực hiện một cách kịp thời hơn.

Một trạm xét nghiệm trên xe ở Halle, Đức. Ảnh: New York Times.

“Khi tôi chẩn đoán sớm và có thể điều trị sớm cho bệnh nhân, ví dụ như cho họ dùng máy thở trước khi tình trạng của họ xấu đi, cơ hội sống sót cao hơn rất nhiều”, giáo sư Kräusslich cho biết.

Nhân viên y tế, những người có nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan virus cao, cũng thường xuyên được xét nghiệm. Để hiệu quả hơn, một số bệnh viện đã bắt đầu thực hiện các xét nghiệm theo khối. Họ xét nghiệm mẫu thử của 10 nhân viên và chỉ theo dõi các xét nghiệm riêng lẻ nếu có kết quả dương tính.

Vào cuối tháng 4, các cơ quan y tế cũng có kế hoạch triển khai một nghiên cứu kháng thể quy mô lớn. Họ lấy ngẫu nhiên mẫu thử của 100.000 người trên khắp nước Đức mỗi tuần để đánh giá khả năng miễn dịch được hình thành.

Một chìa khóa để đảm bảo có thể xét nghiệm trên diện rộng là bệnh nhân không phải trả tiền để làm điều đó, ông Hendrik Streeck, giám đốc Viện virus học tại Bệnh viện Đại học Bonn nói với New York Times. Điều này, theo ông, là một sự khác biệt đáng chú ý với Mỹ trong vài tuần đầu tiên khi dịch bùng phát.

“Một người trẻ tuổi không có bảo hiểm y tế khi bị ngứa cổ họng sẽ không đi khám bác sĩ và do đó có nguy cơ lây nhiễm cho nhiều người hơn”, ông Streeck nói.

Theo dõi tiếp xúc

Vào một ngày cuối tháng 2, giáo sư Streeck nghe tin rằng lần đầu tiên, một bệnh nhân tại bệnh viện của ông ở Bonn đã dương tính với virus corona. Đây là một thanh niên 22 tuổi không có triệu chứng nhưng trường học, nơi anh ta làm việc, đã yêu cầu anh ta xét nghiệm sau khi biết anh tham gia một sự kiện mà sau đó có người tham gia dương tính với virus.

Ở hầu hết quốc gia, bao gồm cả Mỹ, chỉ những bệnh nhân ốm yếu nhất mới được xét nghiệm. Thanh niên trên có thể đã bị từ chối xét nghiệm nếu anh ta ở Mỹ.

Nhưng điều này không xảy ra ở Đức. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, trường học đó đã đóng cửa. Tất cả trẻ em và nhân viên được lệnh phải ở nhà trong hai tuần. Khoảng 235 người đã được xét nghiệm.

“Xét nghiệm và truy tìm người tiếp là một chiến lược thành công ở Hàn Quốc và chúng tôi đã cố gắng học hỏi từ đó”, giáo sư Streeck nói.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt

Trước khi đại dịch Covid-19 quét qua Đức, Bệnh viện Đại học ở Giessen đã có 173 giường chăm sóc đặc biệt (ICU) được trang bị máy thở. Trong những tuần gần đây, bệnh viện cố gắng tăng thêm 40 giường và tăng số nhân viên dự phòng có thể làm việc trong ICU tới 50%.

“Hiện tại, chúng tôi có rất nhiều giường. Chúng tôi đang tiếp nhận các bệnh nhân đến từ Italy, Tây Ban Nha và Pháp”, Chuyên gia Susanne Herold, chuyên gia về bệnh phổi tại bệnh viện Giessen nói với New York Times. “Chúng tôi rất mạnh trong lĩnh vực chăm sóc đặc biệt”.

Các bệnh viện ở Đức thường xuyên xét nghiệm các nhân viên y tế. Ảnh: New York Times.

Trên khắp nước Đức, các bệnh viện đã mở rộng số giường trong ICU. Vào tháng 1, Đức có khoảng 28.000 giường chăm sóc đặc biệt được trang bị máy thở, tương đương 34 giường trên 100.000 người. Con số này là 12 ở Italy và 7 ở Hà Lan.

Cho đến nay, có 40.000 giường chăm sóc đặc biệt có sẵn ở Đức.

Một số chuyên gia cũng lạc quan rằng các biện pháp cách ly xã hội có thể làm phẳng đường cong lây nhiễm đủ để hệ thống chăm sóc sức khỏe của Đức vượt qua đại dịch mà bị khan hiếm các thiết bị cứu sinh như máy thở.

“Điều quan trọng là chúng tôi có hướng dẫn cho các bác sĩ về việc phân loại bệnh nhân trước khi cứu chữa theo thứ tự nguy cấp”, giáo sư Streeck cho biết. “Nhưng tôi hy vọng sẽ không bao giờ cần sử dụng chúng”.

Thời gian để số ca nhiễm tăng gấp đôi đã chậm lại khoảng tám ngày. Nếu nó chậm hơn một chút, khoảng từ 12 đến 14 ngày, giáo sư Herold nói, có thể tránh khỏi việc phân loại bệnh nhân.

“Đường cong bắt đầu phẳng ra”, bà nói.

Tin tưởng vào chính phủ

Ngoài việc xét nghiệm hàng loạt và hệ thống chăm sóc sức khỏe được chuẩn bị tốt, nhiều người còn xem sự lãnh đạo của Thủ tướng Đức Angela Merkel là một lý do khiến tỷ lệ tử vong được giữ ở mức thấp.

Bà Merkel đã thể hiện thông điệp rõ ràng, bình tĩnh và thường xuyên trong suốt cuộc khủng hoảng trong khi áp đặt cách biện pháp hạn chế ngày một khắt khe hơn. Các biện pháp hạn chế này gặp phải rất ít sự phản đối và được áp dụng rộng rãi.

Các đường phố xung quanh Siegestor, hay Khải Hoàn Môn, ở Munich vắng tanh. Ảnh: New York Times.

Tỷ lệ ủng hộ của thủ tướng cũng đã tăng vọt.

“Có lẽ thế mạnh lớn nhất của Đức là sự quyết định hợp lý ở cấp cao nhất của chính phủ kết hợp với sự tin tưởng vào chính phủ của dân chúng”, giáo sư Kräusslich nói.

Như Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-ty-le-tu-vong-o-duc-tro-thanh-ngoai-le-cua-the-gioi-post1069007.html