Vì sao tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế ở Hà Nội chưa như kỳ vọng?

Tỷ lệ học sinh, sinh viên ở Hà Nội tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 92%. Điều này khiến cơ quan chức năng phải tìm giải pháp để tăng tỷ lệ này trong thời gian tới.

Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Hà Nội là địa phương có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và hệ thống trường học ngoài công lập lớn nhất cả nước với hàng triệu học sinh, sinh viên theo học. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn tham gia bảo hiểm y tế chưa được như kỳ vọng. Điều này khiến cơ quan chức năng phải tìm giải pháp để tăng tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian tới trên địa bàn Thủ đô.

* Học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế chưa đều

Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, trong năm 2017, thực hiện tốt Nghị Quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn năm 2012 -2020, nên tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn Thủ đô đã đạt kết quả đáng ghi nhận.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, toàn thành phố đạt 92% số học sinh, sinh viên tham gia. Riêng khối tiểu học và trung học cơ sở có xấp xỉ 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế. Để đạt được tỷ lệ trên, thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố coi trọng công tác phát triển bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện linh hoạt việc thu bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Chia sẻ về cách thức tuyên truyền, vận động để đạt 100% số học sinh tham gia bảo hiểm y tế trong những năm học qua, cô Vũ Thanh Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (huyện Thanh Trì) nhấn mạnh: Trước khi triển khai cho học sinh tham gia bảo hiểm y tế, nhà trường đã họp với đại diện hội cha mẹ học sinh của trường, qua đó thống nhất những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo sẽ được nhà trường hỗ trợ một phần kinh phí hoặc miễn giảm toàn bộ kinh phí khi tham gia bảo hiểm y tế. Nguồn kinh phí để hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được lấy từ quỹ hội cha mẹ học sinh. Với cách làm này, nhiều năm qua, nhà trường không có học sinh không tham gia bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh tham gia bảo hiểm y tế; đồng thời phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn thực hiện đầy đủ quyền lợi cho học sinh khi khám chữa bệnh.

Về việc này, ông Trình Quốc Công, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, đơn vị luôn linh hoạt trong thực hiện công tác đăng kí nơi khám chữa bệnh ban đầu cho học sinh. Ngoài các bệnh viện tuyến 2 và tuyến 3, ngay cả bệnh viện tuyến 1 cũng được ưu tiên cho học sinh trên địa bàn đăng kí khám chữa bệnh ban đầu. Nhờ việc linh hoạt mức đóng, cởi mở nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu nên Thanh Trì mặc dù là huyện ngoại thành nhưng có tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm cao của thành phố.

* Giao chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế cho các trường

Dù có tỷ lệ học sinh, sinh viên trên địa bàn tham gia bảo hiểm y tế khá cao so với các địa phương khác trên toàn quốc, nhưng theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Hà Nội: Tỷ lệ như hiện nay vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng của thành phố. Thực tế ở Hà Nội hiện nay cho thấy, tại các trường đại học hay trường ngoài công lập có vốn đầu tư nước ngoài, học sinh chỉ tham gia bảo hiểm y tế năm đầu tiên, những năm tiếp theo không tham gia hoặc tỷ lệ tham gia rất ít. Cụ thể, tại quận Long Biên, Trường phổ thông song ngữ liên cấp là trường học có vốn đầu tư nước ngoài. Các học sinh của trường phần lớn đều thuộc gia đình khá giả nhưng lại có tới 30% số em không tham gia bảo hiểm y tế.

Theo bà Trần Việt Trang, Phó Trưởng phòng Thu, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, hiện nay việc tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố chưa đồng đều. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế đạt cao thường tập trung ở các địa phương có kinh tế phát triển như: Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Long Biên. các địa phương có tỷ lệ tham gia bảo hiểm học sinh, sinh viên thấp tập trung ở các huyện có tốc độ phát triển kinh tế kém hơn như: Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai…

Song theo bà Trần Việt Trang, có một nguyên nhân khác, đó là nhận thức của một số bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên về bảo hiểm y tế còn hạn chế; một số nhà trường, cơ sở giáo dục chưa quan tâm đúng mức đến công tác triển khai, tuyên truyền bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đến phụ huynh học sinh.

Để khắc phục tình trạng trên, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội xác định, thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, cũng như vai trò và tầm quan trọng của bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội. Bảo hiểm xã hội thành phố cũng phối hợp với ngành Y tế tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên; thực hiện giao chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế cho các trường, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để đánh giá chỉ tiêu thi đua hằng năm về thực hiện nhiệm vụ của nhà trường./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ha-noi-thao-go-kho-khan-trong-phat-trien-bao-hiem-y-te-hoc-sinh-sinh-vien/81779.html