Vì sao tuyển Anh không có danh hiệu trong hơn 50 năm?

Vòng loại EURO 2020 đã chính thức khởi tranh. Cứ vào những dịp thế này, người Anh lại tự hỏi: tại sao suốt 53 năm qua, bóng đá Anh chẳng có danh hiệu lớn nào?

Rạng sáng 23/3 (giờ Việt Nam), đội tuyển (ĐT) Anh sẽ chơi trận ra quân vòng loại EURO 2020 với đối thủ CH Czech. Lại một chiến dịch lớn nữa bắt đầu và lại một lần nữa, người Anh mơ tới danh hiệu.

Từ sau chức vô địch World Cup 1966 đến nay, chưa có bất kỳ giải đấu lớn nào xướng danh Tam Sư trên ngai vàng. Cứ mỗi chiến dịch lớn trôi qua, niềm tin lại xói mòn dần.

Người Anh cay đắng than vãn, tại sao đến những đội tuyển như Hy Lạp cũng có thể vô địch EURO, một nền bóng đá không có nổi giải vô địch quốc gia (VĐQG) như Iceland cũng có thể làm nên kỳ tích tại World Cup và EURO mà đất nước sở hữu giải VĐQG hấp dẫn nhất hành tinh lại chưa từng bước lên ngai vàng suốt hơn nửa thế kỷ?

Kể từ sau thời khắc huy hoàng này, ĐT Anh không có thêm một vinh quang nào suốt 53 năm qua.

Kể từ sau thời khắc huy hoàng này, ĐT Anh không có thêm một vinh quang nào suốt 53 năm qua.

Sao ngoại có phải nguyên nhân chính?

Có nhiều lý do dẫn tới một hiện tượng kéo dài dai dẳng tới cả nửa thế kỷ. Nhưng lực cản được nhắc tới nhiều nhất là chất lượng đội hình. ĐT Anh chưa bao giờ thiếu ngôi sao, nhưng lại hiếm khi nào có được một siêu sao ở đẳng cấp thế giới. Nguyên nhân thì rất dễ hiểu: Premier League sử dụng quá nhiều cầu thủ nước ngoài khiến sân chơi dành cho cầu thủ bản địa bị thu hẹp.

Về nguyên tắc, đội tuyển quốc gia sẽ nhặt cầu thủ từ các đội bóng lớn trong nước. Tuy nhiên, hãy lướt nhanh xem các đội bóng lớn ở Anh dành bao nhiêu không gian cho cầu thủ bản địa rèn luyện để trở thành siêu sao.

Ở Man City, 80% cầu thủ là người nước ngoài. Tại Man United, số lượng cầu thủ nước ngoài cũng chiếm 72%. Lần lượt các ông lớn khác là Chelsea 73%, Liverpool 67%, Arsenal 84%. Tottenham là ông lớn duy nhất ở Premier League phát huy được giá trị của các cầu thủ nội và thực tế là cũng nhờ vào Spurs, ĐT Anh mới lọt tới trận tranh hạng Ba tại World Cup năm ngoái.

Sự phụ thuộc quá lớn vào các cầu thủ ngoại khiến nhiều ngôi sao Anh mỗi khi phải gánh vác trọng trách lớn đều không thể hiện được bản lĩnh. Ảnh: Getty Images.

Với ngần ấy cầu thủ ngoại, toàn bộ những vị trí quan trọng trong màu áo CLB đều được sao ngoại đảm trách. Những ngôi sao mang quốc tịch Anh, chơi bóng trên chính quê hương mình, nhưng đa phần chỉ đóng những vai trò rất phụ trong CLB. Với việc ít có cơ hội cọ xát ở đỉnh cao theo cái cách của những cầu thủ đỉnh cao, không khó hiểu khi những cầu thủ tuyển Anh khi được triệu tập lên tuyển hầu như chỉ nổi ở cái tên mà thôi.

Tuy nhiên, đây vốn dĩ chỉ là vấn đề nhức nhối của Premier League thời hiện đại. Trong quá khứ, ĐT Anh từng có những thủ lĩnh thực thụ như Steven Gerrard, Frank Lampard hay dàn siêu sao bản địa của Man United (Beckham, Scholes, anh em nhà Neville…). Vậy tại sao ngay cả khi có những ngôi sao lớn trong đội hình, Tam Sư cũng không thể thành công?

Những kẻ đồng sàng dị mộng

Mới đây, trả lời phỏng vấn trên The Times, tiền đạo Harry Kane có nhắc tới một chi tiết: “ĐT Anh của ngày hôm nay đã thống nhất thành một khối. Tình trạng chia rẽ do xung đột phe phái đã không còn tồn tại”. Phát biểu của Kane khiến nhiều người hâm mộ giật mình nhận ra, quả thật Tam Sư tồn tại quá nhiều phe phái để có thể đứng chung dưới một mái nhà.

Quan sát các nhà vô địch World Cup hoặc các đội tuyển thành công trong một 1-2 thập kỷ qua, chúng ta đều dễ dàng nhận ra một gạch nối xuyên suốt dẫn tới thành công của họ: hầu hết đội tuyển đều xây dựng đội hình dựa vào chỉ một đội bóng lớn tại giải vô địch quốc gia.

Sự thù địch giữa các đội bóng lớn khiến nội bộ tuyển Anh khó tìm tiếng nói chung.

ĐT Đức không những lấy nguyên bộ khung của Bayern Munich mà còn xây dựng lối chơi theo đúng cách mà Bayern thi đấu. Italy cũng bê nguyên dàn sao của Juventus thời đỉnh cao làm trụ cột cho đội tuyển. Tây Ban Nha cho dù tồn tại 2 thế lực Barcelona và Real Madrid, nhưng thời La Roja thành công nhất, họ vốn được gọi là một Barca thu nhỏ. Tây Ban Nha lấy đội hình của Barca, đá giống Barca và buộc các sao Real phải phục tùng.

Những đội bóng Nam Mỹ như Brazil và Argentina thì ở một tính chất khác. Dàn sao của ông lớn này vốn là những kẻ du mục suốt vài chục năm qua, nhưng tố chất của người Nam Mỹ vẫn có thể đá tốt ngay cả khi chiến thuật hay sự gắn kết có vấn đề.

Trong khi đó, ĐT Anh luôn phải đau đầu lựa chọn khi Premier League ngày càng nhiều ông lớn. Trong quá khứ, Big Four đấu đá lẫn nhau trong màu áo đội tuyển. Gerrard và Lampard kèn cựa nhau không thể hòa hợp. Ngày nay còn tệ hơn. Từ 4 ông lớn, Premier League giờ đây có tới 6 ông lớn, khiến cho sự xung đột giữa các phe phái càng trở nên tồi tệ hơn.

Liệu thế hệ mới này có mang lại vinh quang cho Tam Sư hay không?

Làm sao chúng ta đòi hỏi những cầu thủ đến từ Man United coi các sao Liverpool là bạn bè được. Cũng không thể kỳ vọng dàn sao Tottenham phối hợp tốt với những đại kình địch từ Arsenal hay Chelsea. Man City và Chelsea hay Man United vốn cũng không thể là bạn. Họ là những con người đồng sàng dị mộng.

Phải chăng tuyển Anh buộc phải chấp nhận đánh đổi? Họ sở hữu một giải vô địch quốc gia kiếm và tiêu tiền tỷ mỗi năm. Vì sức ép tiền bạc và danh hiệu, các đội bóng lớn buộc phải tăng cường cầu thủ ngoại. Tính cạnh tranh quá cao cũng khiến cho những người Anh ngày càng xa nhau hơn khi sự thù địch giữa các ông lớn cứ mỗi mùa lại tăng thêm vài phần.

HLV tuyển Anh nói gì về chấn thương của Rashford? Marcus Rashford vừa phải chia tay đội tuyển Anh để trở về CLB phục hồi chấn thương, qua đó bỏ lỡ 2 trận đấu với Cộng hòa Czech và Montenegro thuộc khuôn khổ vòng loại Euro 2020.

Kiều Phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-tuyen-anh-khong-co-danh-hieu-trong-hon-50-nam-post927899.html