Vì sao Trung Quốc lo sốt vó khi Mỹ - Hàn nâng cấp hệ thống THADD?

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, quân đội Mỹ vừa tiến hành nâng cấp hệ thống đánh chặn tầm cao THADD tại Hàn Quốc; việc nâng cấp THADD tại thời điểm này, có tác động gì đối với Trung Quốc?

Hiện tại, quân đội Mỹ đã triển khai radar hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao (THADD), tại căn cứ ở tỉnh Seongju, đông nam Hàn Quốc. Theo phân tích của giới chuyên gia, khả năng Quân đội Mỹ sẽ thay thế, nâng cấp một số thiết bị cũ của hệ thống THADD.

Do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, những hoạt động quân sự của Mỹ trên toàn cầu, trong thời gian vừa qua đã phải tàm ngừng trong 2 tháng; nhưng việc Quân đội Mỹ, khẩn trương triển khai nâng cấp hệ thống THADD, cho thấy rõ tầm quan trọng, nhằm tạo lập lá chắn để đối phó với những loại tên lửa tiến công mới của Trung Quốc.

Khi Mỹ triển khai hệ thống đánh chặn tầm cao THADD trên lãnh thổ Hàn Quốc vào năm 2017, đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc; lý do Trung Quốc lo sợ hệ thống THADD tăng cường đáng kể khả năng trinh sát lực lượng không quân và tình hình quân sự ở sâu trong vùng nội địa của Trung Quốc.

Do radar băng tần X của hệ thống THADD sử dụng nhiều công nghệ mới, chẳng hạn như công suất thu - phát lớn, kháng nhiễu cao và công nghệ xử lý tín hiệu số tiên tiến, do đó nó có khả năng phát hiện và nhận diện mục tiêu rất mạnh. Ảnh: Ca bin trung tâm kiểm soát TFCC của hệ thống THAAD.

Phạm vi phát hiện của radar băng tần X cho các mục tiêu trên không khác nhau là từ 1.000-2700 km. Mặc dù Mỹ đang đứng đầu thế giới về thu thập các thông tin tình báo từ vệ tinh, mạng, thông tin liên lạc dân sự và thậm chí cả điện thoại di động; nhưng việc sử dụng radar, để có được thông tin tình báo chiến lược được quân đội Mỹ đặc biệt tin dùng. Ảnh: Radar của hệ thống THAAD.

Radar là phương tiện tai, mắt của các hệ thống tên lửa đánh chặn, do vậy các hệ thống radar phải hoạt động liên tục 24/24 giờ, kịp thời phát hiện tình huống, nhanh chóng thông báo cho các bộ phận khác, chuyển sang trạng thái chiến đấu cao nhất. Do vậy, vai trò của radar không thể được thay thế bằng các phương tiện khác. Ảnh: Radar của hệ thống THADD.

Trên thực tế, Mỹ đã bố trí mạng lưới radar rộng khắp để “bủa vây” Trung Quốc, ngoài theo dõi đánh cắp các tin tức tình báo cũng như phát hiện ngay các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc; hệ thống còn cung cấp dữ liệu, để các hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ, bố trí ở Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc các tàu chiến trang bị hệ thống Aegis, kịp thời đánh chặn. Ảnh: Radar băng tần X của Mỹ bố trí trên biển Nhật Bản.

Việc Mỹ bố trí hệ thống THADD tại Hàn Quốc là “đòn hiểm” đối với Trung Quốc; tại đây, radar của hệ thống THADD, có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa chiến lược ở vùng Đông Bắc và Bắc; đây là những khu vực bố trí quân sự quan trọng của Trung Quốc; điều này tương đương với việc trinh sát vào chiều sâu lãnh thổ nước này hàng ngàn km.

Nếu chiến tranh nổ ra, khi Trung Quốc tiến hành một cuộc phản công chiến lược bằng tên lửa; ngay lập tức hệ thống THADD sẽ phát hiện các vụ phóng tên lửa trước nửa giờ; từ đó có thêm từ 20-30 phút cảnh báo chiến lược cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên Thái Bình Dương.

Chính 20-30 phút quý giá này, có thể làm suy yếu khả năng răn đe của tên lửa Trung Quốc và làm giảm hiệu quả răn đe chiến lược của Trung Quốc. Ảnh: Đồ họa mô tả nguyên lý hoạt động của hệ thống THADD.

Để đối phó với hệ thống THADD, Trung Quốc cũng có nhiều biện pháp đối phó, như phát triển loại tên lửa siêu thanh Dongfeng-17 (DF-17), đã được công bố trong cuộc diễu binh quân sự kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc vào năm 2019.

Theo giới thiệu của Trung Quốc, tên lửa DF-17 sau khi phóng vào bầu khí quyển, tên lửa có tốc độ siêu vượt âm ở giai đoạn giữa hành trình với đỉnh quỹ đạo cao nhất là 60 km, với những quỹ đạo bay thay đổi liên tục; rất khó cho radar và tên lửa của hệ thống THADD phát hiện và đánh chặn.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể sử dụng chiến thuật “mưa tên lửa”, như dùng một số lượng lớn tên lửa đạn đạo Dongfeng 16 và Dongfeng 10 cũng để làm quá tải và phá hủy hệ thống THADD.

Mặc dù Trung Quốc tích cực nghiên cứu các phương pháp phòng chống, nhưng việc Mỹ triển khai và thường xuyên nâng cấp các hệ thống THAAD tại Hàn Quốc, đã làm thay đổi cán cân an ninh chiến lược Mỹ-Trung theo chiều hướng bất lợi cho Trung Quốc.

Mối đe dọa nữa đối với Trung Quốc đó là hiện nay Mỹ và Nhật Bản đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis BMD trên một số chiến hạm của 2 nước. Khi hệ thống THAAD ở Hàn Quốc kết nối với Aegis BMD, sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc.

Video Khám phá hệ thống phòng thủ tên lửa ThAAD của quân đội Mỹ - Nguồn: QPVN

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/vi-sao-trung-quoc-lo-sot-vo-khi-my-han-nang-cap-he-thong-thadd-1391535.html