Vì sao Trung Quốc ký hợp đồng khí hóa lỏng với Qatar tới 27 năm?

Ngày 21/11, hợp đồng cung cấp khí hóa lỏng (LNG) đã được ký kết giữa Công ty Qatar Energy của Qatar với Tập đoàn năng lượng Sinopec của Trung Quốc với thời hạn 27 năm, đây được xem là hợp đồng cung ứng LNG dài nhất lịch sử.

Ông Saad al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar kiêm Giám đốc Công ty Qatar Energy tuyên bố: “Hôm nay là một cột mốc quan trọng đối với thỏa thuận mua bán đầu tiên cho dự án North Field East, với sản lượng 4 triệu tấn trong 27 năm cho Sinopec của Trung Quốc”.

Bộ trưởng Năng lượng Qatar kiêm Giám đốc Qatar Energy Saad al-Kaabi.

Bộ trưởng Năng lượng Qatar kiêm Giám đốc Qatar Energy Saad al-Kaabi.

North Field là một phần của mỏ khí đốt lớn nhất thế giới mà Qatar chia sẻ với Iran và phần của Iran được gọi là South Pars. Công ty Qatar Energy đầu năm 2022 đã ký các thỏa thuận cho North Field East, giai đoạn đầu tiên của kế hoạch mở rộng North Field 2 giai đoạn, bao gồm 6 chuyến tàu LNG sẽ tăng công suất hóa lỏng của Qatar từ 77 triệu tấn lên 126 triệu tấn mỗi năm vào năm 2027. Sau đó, Qatar cũng đã ký hợp đồng với các đối tác cho North Field South, giai đoạn 2 của quá trình mở rộng North Field.

Theo tuyên bố của ông al-Kaabi, việc ký kết hợp đồng mua bán LNG có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả nhà cung cấp Qatar và nước nhập khẩu là Trung Quốc. Về mặt kinh tế, thị trường khí LNG thế giới đang cạnh tranh rất quyết liệt kể cả giữa những nhà cung ứng lẫn những quốc gia nhập khẩu. Đối với Qatar, hợp đồng ký với Sinopec là hợp đồng đầu tiên trong kế hoạch mở rộng khai thác North Field East. Riêng đối với Trung Quốc, hợp đồng dài hạn 27 năm mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi nó bảo đảm nguồn cung ứng dài hạn trong khi phải cạnh tranh tìm nguồn cung khí đốt với các đối tác khác, đặc biệt là châu Âu.

Việc Qatar ký hợp đồng LNG dài hạn với Trung Quốc còn mang một ý nghĩa lớn khác: Nước này đang hướng về phía Đông, hướng về thị trường châu Á rộng lớn. theo đánh giá của giới chuyên gia, châu Á hiện chiếm đến 59% sản lượng nhập khẩu LNG của thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo các nền kinh tế châu Á sẽ chiếm gần một nửa lượng tiêu thụ khí đốt toàn cầu đến năm 2025 và LNG hứa hẹn sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đáp ứng nhu cầu khí đốt ngày càng tăng ở châu Á.

Trung Quốc là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ 6 thế giới, người tiêu dùng lớn thứ 3 và nhà nhập khẩu lớn thứ 2. Mặc dù khí đốt chiếm một phần khiêm tốn trong mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Trung Quốc, nhưng nó vẫn trở thành nhiên liệu chuyển tiếp được Bắc Kinh lựa chọn. Trong thập kỷ qua, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã tăng mạnh, trong bối cảnh chính phủ thực hiện chiến dịch chống ô nhiễm và khuyến khích chuyển đổi từ than sang khí đốt.

Trung Quốc là thị trường khí đốt phát triển nhanh nhất thế giới. Kể từ năm 2017, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên đã tăng mạnh ở Trung Quốc, được thúc đẩy bởi những nỗ lực của chính phủ nhằm chuyển các ngành công nghiệp và hộ gia đình từ than đá sang khí đốt để chống ô nhiễm. Năm ngoái, nhu cầu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất được ghi nhận, với lượng nhập khẩu tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021 Trung Quốc đã nhập khẩu LNG nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, chiếm gần 60% tăng trưởng nhu cầu LNG toàn cầu.

Tuy nhiên, năm nay kinh tế đang gặp khó khăn, chính quyền Trung Quốc đã tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung và kiềm chế chi phí. Do đó, nhập khẩu LNG của Trung Quốc đã chậm lại, góp phần làm cho thị trường LNG toàn cầu có nhiều biến động chưa từng có.

Sự phát triển của thị trường khí đốt Trung Quốc có ý nghĩa to lớn đối với Qatar, quốc gia đang tìm cách tận dụng sự tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc cũng như các hoạt động đầu tư mở rộng ra nước ngoài.

Trong số 5 quốc gia có trữ lượng lớn nhất gồm Iran, Qatar, UAE, Arab Saudi và Iraq, Qatar là nhà xuất khẩu LNG hàng đầu. Trong lịch sử, thị trường LNG lớn nhất của Qatar là châu Á. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành điểm đến chính và ngày càng quan trọng đối với xuất khẩu LNG của Qatar. Là nơi có tới 5 thị trường nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan), châu Á chiếm 72% lượng nhập khẩu LNG toàn cầu vào năm 2021, đồng thời chiếm 72% lượng LNG xuất khẩu của Qatar.

Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Mỹ và Australia, Qatar đã có những động thái bám sát, bó chặt hơn đối với thị trường LNG châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, với một loạt thỏa thuận dài hạn. Tháng 9/2021, Qatar Oil (QP) đã ký một thỏa thuận mua bán dài 15 năm với CNOOC Gas and Power Trading & Marketing Ltd., một công ty con của China National Offshore Oil Corp. Vài tuần sau, 3 thỏa thuận mua bán dài hạn khác được ký kết: Qatar Energy (QE), với Guangdong Energy (10 năm, bắt đầu từ 2024); Qatargas với S&T International Natural Gas Trading (15 năm, bắt đầu từ 2023); và Qatar Liquified Gas, với China Suntien Green Energy (15 năm, bắt đầu từ cuối năm 2022).

Mặc dù khối lượng hợp đồng dài hạn đã và vẫn là nền tảng của chiến lược LNG của Qatar nhằm duy trì và xây dựng thị phần, các nhà xuất khẩu khí đốt của nước này gần đây đã thể hiện sự linh hoạt, ký các hợp đồng ngắn hơn và đấu thầu cạnh tranh trong các cuộc đấu thầu giao ngay để khai thác thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng. Trong năm qua, Qatar đã giao các lô hàng sơ chế cho một số công ty của Trung Quốc (Beijing Gas, ENN và Quảng Đông Energy) cũng như cho Công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) do nhà nước điều hành.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/vi-sao-trung-quoc-ky-hop-dong-khi-hoa-long-voi-qatar-toi-27-nam--i675261/