Vì sao Trung Quốc không thể 'mọc mũi sủi tăm' ở World Cup?

Quốc gia đông dân nhất thế giới không được tham gia vòng chung kết World Cup 2018 dù bóng là đá môn thể thao phổ biến nhất ở Trung Quốc.

Trung Quốc một lần nữa lỡ cơ hội góp mặt tại vòng chung kết World Cup 2018 ở Nga.

Stefan Szymanski, Giáo sư về quản lý bóng đá tại Đại học Michigan, Mỹ, mới đây đã đưa ra nhận định trên tờ Washington Post, về lý do đội tuyển quốc gia Trung Quốc vẫn vắng bóng ở World Cup.

Trung Quốc đã trở thành một trong những cường quốc Olympic từ hàng thập kỷ qua. Từ năm 2000, Trung Quốc liên tục đứng top 3 trong nhóm các quốc gia đoạt nhiều huy chương nhất ở Olympic mùa Hè và đứng top 16 ở Olympic mùa Đông.

Nhưng Trung Quốc chỉ một lần duy nhất lọt vào vòng chung kết World Cup vào năm 2002. Đội tuyển Trung Quốc khi đó để thua cả 3 trận vòng bảng và không ghi được bàn nào.

Vì sao một quốc gia đoạt nhiều huy chương trong các kỳ Olympic lại có màn trình diễn tệ hại trong môn bóng đá?

Khi chính phủ Trung Quốc tập trung nguồn lực vào Olympic, họ hướng đến việc huấn luyện trẻ em từ năm lên 6 tuổi. Đối với nhiều môn thể thao ở Olympic, thành tích cao dựa trên cơ sinh học và kỷ luật. Nhưng hai yếu tố này chưa thể quyết định nên thành công ở bóng đá. Việc thi đấu quá kỷ luật thậm chí còn có thể phản tác dụng.

Giáo sư Szymanski nhắc đến trường hợp của Đông Đức và Tây Đức trong Chiến tranh Lạnh. Đông Đức đoạt nhiều huy chương trong các kỳ Olympic hơn nhưng chỉ một lần vào được vòng chung World Cup năm 1974.

Ngược lại, Tây Đức lép vế ở Olympic, nhưng vô địch World Cup vào năm 1954, 1974, 1990 và vào chung kết ở các năm 1966, 1982 và 1986.

Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh cũng thống trị Olympic và cho đến nay vẫn đứng thứ hai trong tổng số huy chương ở mọi thời đại. Không vô vọng như Đông Đức hay Trung Quốc ngày nay, Liên Xô từng có cơ hội ở World Cup.

Đội tuyển Trung Quốc không có những cá nhân kiệt xuất, có thể làm nên sự khác biệt trên sân cỏ.

Đội tuyển Liên Xô từng 4 lần lọt vào tứ kết World Cup trong giai đoạn 1958-1970 và bán kết vào năm 1966.

Theo Giáo sư Szymanski, một lý do khác khiến Trung Quốc không thành công trong bóng đá là bởi môn thể thao này đi ngược lại những phân tích khoa học. Chúng ta không thể biết một cầu thủ có thể hình và thể chất lý tưởng là như thế nào.

3 cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bao gồm Pele, Diego Maradona và Lionel Messi đều không có chiều cao vượt trội. Luyện tập và tuân thủ tốt các bài huấn luyện cũng không đủ để làm sự khác biệt lớn.

Theo Giáo sư Szymanski, nghiên cứu khoa học cho thấy những người huấn luyện không tạo ra ảnh hưởng lớn đến thành công của cả đội. Bóng đá dường như là môn thể thao tự do, không thể đoán trước và rất khó để chuẩn bị sẵn cho thành công.

Huyền thoại bóng đá Hà Lan Johan Cruyff từng nói: “Bạn chơi bóng bằng đầu và đôi chân ở đó để giúp bạn. “Thể dục thể chất và một số biện pháp liên quan đến tổ chức có đem lại hữu ích, nhưng mỗi cầu thủ phải tự xây dựng cá tính riêng cho mình”.

Điều đó có nghĩa là một đội bóng yếu kém hoàn toàn có thể được cải thiện nhanh chóng từ những điều cơ bản nhất, nhưng thành công thực sự dựa vào những yếu tố khó nắm bắt.

Lịch sử World Cup thường ghi dấu những huyền thoại có kỹ năng vượt trội. Đó là Pele năm 1970, Paolo Rossi của Italia năm 1982, Maradona năm 1986, Zinedine Zidane của Pháp năm 1998.

Hầu như mọi người đều nghĩ rằng kết quả của World Cup sẽ dựa vào phong độ thi đấu của Ronaldo của Bồ Đào Nha, Messi của Argentina và Neymar của Brazil.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt. Ông Tập thể hiện cam kết đầu tư vào bóng đá với việc đặt mục tiêu mở 50.000 trường dạy đá bóng vào năm 2025. Con số này năm 2015 chỉ là 5.000.

Nhưng cách huấn luyện của Trung Quốc rất khó để đưa đội tuyển đến thành công. Bởi lối chơi quá kỷ luật và phụ thuộc vào huấn luyện viên sẽ không cho các cầu thủ có cơ hội để làm nên điều kỳ diệu.

Nói cách khác, không có một chương trình huấn luyện nào có thể tạo ra một cầu thủ nổi trội, giúp đưa cả đội đi đến chiến thắng.

Không phải ngẫu nhiên mà một quốc gia từng nhiều lần vô địch World Cup lại có thể không ngừng sản sinh ra những thế hệ cầu thủ tài năng nhất. Đó chính là đội tuyển Brazil.

Đăng Nguyễn - Washington Post

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/vi-sao-trung-quoc-khong-the-moc-mui-sui-tam-o-world-cup-887110.html