Vì sao Trung Quốc khó phục hồi sau cú sốc kinh tế do virus corona gây ra?

Virus corona lan rộng đã khiến nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại nặng nề, dấy lên lo ngại về một đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên toàn cầu.

Bội thu với những khoản tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán, người tiêu dùng Trung Quốc được cho là sẽ chi tiêu mạnh vào thời điểm này trong năm, với những món quà đắt tiền, các hoạt động giải trí và những chuyến du lịch khắp đất nước. Nhưng mọi dự định dường như tan biến bởi sự bùng phát mạnh dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Dịch bệnh đã khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới rơi vào tình trạng bế tắc, dấy lên lo ngại về một đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (mặc đồ phòng hộ) trao đổi với một người đàn ông tại khu cách ly của Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 23/1. Ảnh: Reuters.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (mặc đồ phòng hộ) trao đổi với một người đàn ông tại khu cách ly của Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 23/1. Ảnh: Reuters.

Cú sốc kinh tế đối với Trung Quốc

Người dân Trung Quốc không thể chi tiêu ngay cả khi họ có nhu cầu mua hàng tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ phổ biến nhất trên thế giới. Starbucks đã đóng cửa một nửa trong số hơn 4.000 quầy phục vụ tại Trung Quốc. IKEA đã đóng cửa 30 cửa hàng trên khắp đất nước và Mc Donald cũng đóng cửa hàng trăm nhà hàng tại tỉnh Hồ Bắc, trong đó có cả thành phố Vũ Hán.

Tại một trung tâm mua sắm ngoài trời ở quận Sanlitun của Bắc Kinh, các cửa hàng của Chanel, H&M và Adidas đều vắng khách. Hầu như không ai ở Bắc Kinh đi ra ngoài mà không đeo khẩu trang y tế. Kỳ nghỉ tết Nguyên đán kéo dài và nỗi lo sợ bị lây bệnh đã khiến người dân đóng cửa ở trong nhà, các tàu điện ngầm gần như trống rỗng.

Các thị trường chứng khoán tại New York, Tokyo và Hong Kong vẫn chưa phục hồi sau khi hứng chịu tổn thất do việc thành phố Vũ Hán – nơi có 11 triệu dân, bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

“Dịch bệnh bùng phát có khả năng làm gián đoạn hoạt động du lịch, thương mại và chuỗi cung ứng trên khắp châu Á”, ông Eswar Prasad – chuyên gia kinh tế tại Đại học Cornell – giám đốc Quỹ Tiền tệ thế giới phụ trách Trung Quốc nhận định. Trước kia, chi tiêu tiêu dùng chỉ đóng góp khoảng 1/5 mức tăng trưởng của Trung Quốc bởi hoạt động sản xuất của quốc gia này dành phần lớn để cung cấp hàng hóa cho thế giới bên ngoài. Hiện nay, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp diễn, nhiều nhà xuất khẩu có nhà máy tại Trung Quốc đã chuyển sang những thị trường lao động rẻ hơn ở Đông Nam Á, do vậy tăng trưởng kinh tế của nước này chủ yếu được thúc đẩy bởi chi tiêu của người tiêu dùng trong nước.

Việc kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào dân số ngày càng giàu có của nước này đồng nghĩa với việc sự phục hồi sau những thiệt hại mà dịch bệnh gây ra sẽ không dễ dàng như trước, bởi người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu nếu dịch bệnh còn tiếp diễn. Tính đến ngày 31/1, virus corona đã khiến ít nhất 213 người tử vong tại Trung Quốc và lây nhiễm gần 10.000 người ở Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.

Các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I năm nay sẽ giảm 1 điểm phần trăm so với năm trước, xuống còn 5% hoặc thấp hơn. Đây là tổn thất không hề nhỏ đối với một quốc gia đang ấp ủ kế hoạch mở rộng nền kinh tế trong năm 2020, vốn phát triển với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990. Cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đã cam kết giúp đỡ các doanh nghiệp bằng cách giảm lãi suất hoặc nới lỏng thủ tục cho vay. Tuy nhiên, bất cứ sự kích thích kinh tế nào cũng phải tính đến khoản nợ hơn 40.000 tỷ USD mà Bắc Kinh đang phải gánh để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn và giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trung Quốc cũng từng trải qua giai đoạn biến động về kinh tế vào năm 2003 khi đại dịch SARS bùng phát. Chỉ trong thời gian ngắn, dịch SARS đã khiến nhiều hoạt động của quốc gia này bị tê liệt. Kể từ khi dịch SARS xảy ra, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng gấp đôi, lên đến hơn 300%.

Nhiều ngành công nghiệp điêu đứng

Virus corona bùng phát đúng thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu khởi sắc, với việc Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận giai đoạn 1, báo hiệu một giai đoạn đình chiến trong cuộc chiến thương mại. Hiện giờ Trung Quốc và những quốc gia phụ thuộc vào giao thương của nước này đang đối mặt với sự bất ổn. “Sự gián đoạn xảy ra tại thời điểm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rất mong manh, có khả năng hạ thấp niềm tin tiêu dùng và niềm tin kinh doanh mà thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung mang lại”, chuyên gia ông Eswar Prasad nói.

Không lĩnh vực nào chịu ảnh hưởng nghiêm trọng như ngành du lịch của Trung Quốc, với khoảng 40 triệu người bị cách ly bắt buộc và hàng loạt tour du lịch trong nước và quốc tế đã bị hủy bỏ. Nhiều thành phố lớn từ Paris (Pháp) đến Phuket của Thái Lan đã ghi nhận sự sụt giảm lượng khách du lịch Trung Quốc trong dịp tết Nguyên đán.

Bên cạnh ngành công nghiệp du lịch, nhiều ý kiến lo ngại rằng các nhà máy của Trung Quốc sẽ phải mất thời gian dài để phục hồi hoạt động sản xuất do lao động trong nước lẫn lao động nhập cư chưa thể quay lại làm việc. Điều này sẽ đặt ra rủi ro lớn đối với các công ty đa quốc gia như Apple – nơi hầu hết sản phẩm đều được sản xuất tại Trung Quốc. Chuyên gia phân tích Dan Ives của công ty tư vấn tài chính Wedbush Securities (Mỹ) cho biết: “Nếu dịch bệnh tại Trung Quốc lan rộng hơn, nó có thể tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, gây lo ngại cho các tập đoàn lớn như Apple và nhiều công ty công nghệ khác”.

Thêm vào đó, việc chính phủ Trung Quốc phong tỏa nhiều thành phố lớn như Vũ Hán để ngăn chặn sự lây lan của virus corona cũng là “cú giáng mạnh” đối với nền kinh tế. Vũ Hán – nơi bùng phát dịch bệnh, vốn là tâm điểm của ngành sản xuất ô tô tại Trung Quốc, chiếm 1,6% sản lượng kinh tế Trung Quốc. Đây là địa điểm có các nhà máy sản xuất của General Motors và Honda. Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Đức Robert Bosch cho biết họ đang theo dõi tình hình để đánh giá xem liệu có bất cứ sự chậm trễ nào trong việc nối lại hoạt động sản xuất tại hai cơ sở ở Vũ Hán, vốn bị đóng của trong dịp Tết Nguyên đán hay không. Còn Hãng xe điện Tesla của Mỹ dự kiến trì hoãn hoạt động sản xuất tại một nhà máy mới mở ở Thượng Hải.

Giới phân tích cho rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ phải khích lệ sự tin tưởng để khiến người dân gia tăng chi tiêu trở lại, nhằm mang lại sự phục hồi tốt hơn so với thời điểm xảy ra đại dịch SARS.

“Phản ứng với khủng hoảng của chính phủ Trung Quốc thường theo một mô hình có thể dự đoán được, từ trì hoãn, từ chối đến huy động toàn lực sau đó điều chỉnh thành một xu thế bền vững hơn. Giai đoạn trì hoãn-từ chối của phản ứng trước sự bùng phát virus corona rõ ràng ngắn hơn nhiều so với thời kỳ xảy ra dịch SARS vào năm 2003, khi mà các quan chức Trung Quốc hạn chế cung cấp thông tin về sự lây lan của virus suốt nhiều tháng ròng”, các nhà phân tích Andrew Batson và Ernan Cui của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho biết.

Thị trường toàn cầu biến động mạnh

Sự lan rộng của virus corona tại Trung Quốc tiếp tục gây nhiễu loạn các thị trường khi các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách đánh giá những rủi ro mà dịch bệnh này gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu. Cổ phiếu của nhiều tập đoàn trên thế giới đã bị sụt giảm khi các trường hợp nhiễm bệnh ngày càng gia tăng.

“Các thị trường sẽ biến động ở mức cao vì nhà đầu tư không có một bức tranh toàn cảnh về những gì đang diễn ra và những gì sắp xảy ra”, ông Agathe Demarais, giám đốc dự báo toàn cầu của Đơn vị tình báo kinh tế (EIU) đánh giá. Các chuyên gia cho rằng cần phải xét đến ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc với nền kinh tế thế giới khi đánh giá mức độ thiệt hại mà virus corona gây ra trên toàn cầu.

“Hiện nay, kinh tế Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng đối với kinh tế thế giới. Khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chúng tôi e rằng không chỉ những quốc gia gần nước này mà còn nhiều quốc gia có hoạt động giao thương tích cực với Trung Quốc, chẳng hạn như một số nước Tây Âu sẽ bị ảnh hưởng”, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona gây ra đối với tăng trưởng toàn cầu sẽ nghiêm trọng hơn so với dịch SARS bởi kinh tế Trung Quốc hiện chiếm một tỷ trọng lớn hơn đối với kinh tế thế giới. Thiệt hại do SARS gây ra ước tính khoảng 33 tỷ USD, chiếm 0,1% GDP toàn cầu năm 2003./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)
Theo NY Times, DW

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/vi-sao-trung-quoc-kho-phuc-hoi-sau-cu-soc-kinh-te-do-virus-corona-gay-ra-1005023.vov