Vì sao Trung Quốc bị phản đối khắp nơi sau dịch COVID-19?

Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi, thành viên Học viện Robert Bosch ở Berlin giải thích tâm lý chống Trung Quốc tăng lên khắp nơi sau khi nổ ra dịch COVID-19.

Công nhân nhà tang lễ thu dọn xác của một người bị nghi là đã chết vì dịch coronavirus từ một tòa chug cư ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 1/2 (AP)

Công nhân nhà tang lễ thu dọn xác của một người bị nghi là đã chết vì dịch coronavirus từ một tòa chug cư ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 1/2 (AP)

Theo tác giả của 9 cuốn sách với chủ đề địa chính trị và an ninh toàn cầu này, phản ứng dữ dội từ nhiều quốc gia đối với Trung Quốc về khả năng gây ra sự lây lan của coronavirus từ thành phố Vũ Hán đã có thêm động lực trong những tuần gần đây.

Từ việc ngầm tìm kiếm sự “có đi có lại về chính trị” trong việc cung cấp cho các quốc gia khác các thiết bị y tế, từ chối lời kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của virus cho đến khi đa số các quốc gia ủng hộ một cuộc điều tra như vậy, chiến thuật bắt nạt của Trung Quốc gây tổn hại hình ảnh, làm cô lập chính họ, giáo sư Chellaney viết trên Project Syndicate.

“Nếu khôn ngoan, Trung Quốc sẽ tìm cách sửa chữa tổn hại do đại dịch gây ra đối với hình ảnh của mình bằng cách thể hiện sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, như bằng cách giãn nợ cho các nước đối tác Sáng kiến Vành đai và Con đường sắp phá sản và cung cấp viện trợ y tế cho các nước nghèo mà không cần tìm kiếm hỗ trợ của họ để xử lý ổ dịch. Thay vào đó, Trung Quốc đã hành động theo cách làm suy yếu lợi ích lâu dài của nước này”, ông Chellaney viết tiếp.

Theo ông, Trung Quốc chắc chắn đã tìm cách tận dụng tối đa đại dịch. Sau khi mua nhiều nguồn cung cấp thiết bị bảo hộ y tế có sẵn trên thế giới vào tháng 1, Trung Quốc đã tìm cách thổi giá và trục lợi rõ ràng. Việc xuất khẩu các thiết bị y tế không đạt tiêu chuẩn hoặc khiếm khuyết của Trung Quốc chỉ làm tăng thêm sự giận dữ quốc tế.

Chưa hết, trong khi thế giới vật lộn với COVID-19, quân đội Trung Quốc đã kích động bùng nổ biên giới với Ấn Độ và cố gắng kiểm soát vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản quản lý. Trung Quốc gần đây cũng đã thành lập hai khu hành chính mới ở biển Đông, và đẩy mạnh xâm nhập và các hoạt động khác trong khu vực này. “Chẳng hạn, vào đầu tháng 4, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam, khiến Mỹ phải lên tiếng cảnh báo Trung Quốc ngừng khai thác sự sao lãng [liên quan đến đại dịch] của các quốc gia khác để mở rộng yêu sách phi pháp của họ ở biển Đông”, giáo sư Chellaney viết.

Trong khi đó, Trung Quốc sử dụng các đòn trả đũa kinh tế chống lại Úc vì đã khởi xướng ý tưởng về một cuộc điều tra coronavirus quốc tế. Thông qua các hành động thương mại, chính phủ Trung Quốc đã cắt đứt nhập khẩu lúa mạch Úc một cách hiệu quả và chặn hơn một phần ba lượng thịt bò xuất khẩu thường xuyên của Úc sang Trung Quốc.

Trong khi Nhật Bản dễ dàng cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về thảm họa hạt nhân Fukushima 2011 - một cuộc thăm dò giúp nước này cải thiện quản trị an toàn - Trung Quốc lại phản đối mạnh mẽ bất kỳ cuộc điều tra nào về coronavirus, như thể họ có gì đó phải giấu diếm. Trên thực tế, một số nhà bình luận Trung Quốc đã tố cáo những lời kêu gọi một cuộc điều tra là “phân biệt chủng tộc”.

Nhưng một khi nghị quyết kêu gọi đánh giá một cách vô tư, độc lập và toàn diện, về phản ứng toàn cầu đối với COVID-19 đã nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia trong Hội đồng Y tế Thế giới, Trung Quốc đã tìm cách tránh bị mất mặt khi nói rằng họ ủng hộ ý tưởng đánh giá toàn diện. Vào phút cuối, Trung Quốc ủng hộ nghị quyết nói trên.

“Nghị quyết, tuy nhiên, để lại cho tổng giám đốc gây tranh cãi của WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đưa ra đánh giá trong một “thời điểm sớm nhất phù hợp”. Tedros, người đã bị cáo buộc hỗ trợ che giấu COVID-19 lúc ban đầu ở Trung Quốc, có thể quyết định chờ đợi cho đến khi “đại dịch đã kiểm soát”, điều mà ông Tập Cận Bình đã đề xuất”, giáo sư Chellaney bình luận.

Ông kết luận: Đừng nhầm lẫn: thế giới sẽ không giống nhau sau cuộc khủng hoảng giống như thời chiến này. Các nhà sử học trong tương lai sẽ coi đại dịch là một bước ngoặt giúp định hình lại chính trị toàn cầu và tái cấu trúc các mạng lưới sản xuất quan trọng. Thật vậy, cuộc khủng hoảng đã khiến thế giới thức tỉnh trước các mối đe dọa tiềm tàng xuất phát từ sự kiểm soát của Trung Quốc đối với nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, và các động thái đã sẵn sàng để nới lỏng sự kiểm soát đó.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/vi-sao-trung-quoc-bi-phan-doi-khap-noi-sau-dich-covid19-1663434.tpo