Vì sao Trung - Ấn vẫn bế tắc trong giải quyết tranh chấp biên giới?

Nguyên nhân dẫn tới việc Trung Quốc và Ấn Độ khó có thể đạt được sự đồng thuận trong phương thức giải quyết tranh chấp biên giới chính là tác động lớn từ dư luận và chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ của hai nước.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang diễn ra tại 2 khu vực là Aksai Chin và bang Arunachal Pradesh.

Trong đó, Aksai Chin là khu vực sa mạc rộng lớn không người ở, có diện tích khoảng 37.000 km2. Aksai Chin nằm giữa 2 bang của Ấn Độ là Jammu, Kashmir và tỉnh Tân Cương của Trung Quốc. Khu vực này đang phải chứng kiến tình trạng bất ổn do các cuộc xung đột ly khai và tranh chấp kéo dài giữa Ấn Độ - Pakistan liên quan tới vùng Kashmir.

Tranh chấp biên giới Trung - Ấn khó giải quyết là do tác động từ dư luận và chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ của hai nước.

Tranh chấp biên giới Trung - Ấn khó giải quyết là do tác động từ dư luận và chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ của hai nước.

Còn bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ là khu vực đồi núi với dân số khoảng 1,4 triệu người, có tổng diện tích trên 84.000 km2. Lâu nay, Trung Quốc vẫn coi bang Arunachal Pradesh là một phần của Tây Tạng.

Ấn Độ khẳng định bang Arunachal Pradesh thuộc chủ quyền Ấn Độ dựa trên thỏa thuận giữa chính phủ Ấn Độ dưới thời thuộc địa Anh với chính quyền Tây Tạng và Tân Cương hồi đầu thế kỷ trước. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phủ nhận quan điểm của Ấn Độ.

Ông Mohan Guruswamy, nhà nghiên cứu tại Viện United Service Ấn Độ tại New Delhi cho hay, Trung - Ấn đã nhất trí về việc tranh chấp chủ quyền biên giới là vấn đề tồn đọng của thế hệ trước và không phải giải quyết trong "một sớm một chiều".

Cụ thể, mâu thuẫn chính giữa hai nước hiện là việc xác định "Đường kiểm soát thực tế"(LAC). Bởi khái niệm LAC rất khó để định nghĩa rõ ràng. Trong một số trường hợp. LAC chỉ kéo dài vài mét, còn có những trường hợp dài hàng chục km.

Để giảm thiểu nguy cơ đụng độ do lực lượng an ninh hai bên thường xuyên tiến hành tuần tra khu vực biên giới, Ấn Độ và Trung Quốc đã thống nhất đưa ra “Hiệp ước hợp tác quốc phòng biên giới”. Hiệp ước này đặt ra quy tắc ứng xử chung cho lực lượng an ninh hai nước.

Một trong những nội dung quan trọng nhất của hiệp ước là hai bên thống nhất không cho xây dựng các công trình kiên cố trên vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Ngoài ra, lực lượng an ninh biên giới hai nước cũng cẩn trọng trong hoạt động tuần tra để tránh gây ra tình trạng đối đầu. Nói cách khác, trong trường hợp đối mặt, lực lượng hai bên sẽ cùng rút quân.

Hiệp định cũng yêu cầu tướng chỉ huy của hai bên phải thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ quan điểm cũng như tìm cách giải quyết mâu thuẫn. Song không ít trường hợp, có thể do hiểu nhầm mã hai bên đã có hành động làm đẩy nguy cơ bùng nổ thành xung đột.

Sau cuộc chiến biên giới năm 1967, Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu tiến hành các cuộc đối thoại thường xuyên ở nhiều cấp khác nhau. Sau chuyến thăm năm 1988 của cựu Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi tới Bắc Kinh, hai nước đã đồng thuận thiết lập một nhóm chuyên trách tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề biên giới.

Tuy nhiên trải qua hơn 30 năm, hai nước vẫn chưa thể thống nhất trong phương thức giải quyết tranh chấp biên giới. Do đó, kể từ năm 2003, các cuộc đối thoại được đẩy lên mức cao hơn với sự tham gia của các đại diện cấp cao hai nước.

Theo ông Guruswamy, nguyên nhân khiến việc thương lượngtrở nên khó khăn là do dư luận và chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ của hai nước.

Không thể phủ nhận, sự ra đời của Hiệp ước hợp tác và quản lý biên giới là thành công lớn sau các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp giữa hai nước. Bước tiếp theo là Trung – Ấn cần đồng thuận về LAC. Song chính tư tưởng “từ bỏ là mất thể diện quốc gia" được truyền thông hai nước liên tục nhắc tới đã cản trở tiến trình đàm phán LAC.

Còn trong tuần này, cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì sẽ gặp mặt trong khuôn khổ vòng đàm phán lần thứ 20 về vấn đề biên giới giữa hai nước. Ông Guruswamy cho rằng nhiều khả năng hai bên khó có thể đạt được bất cứ bước đột phá nào giải quyết thế bế tắc căng thẳng biên giới.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-trung-an-van-be-tac-trong-giai-quyet-tranh-chap-bien-gioi-post248572.info