Vì sao trong các vụ cháy, ngạt khói, chất lượng xây dựng là nguyên nhân chủ yếu gây chết người?

Nhật Nam

Sau hàng loạt vụ cháy xảy ra tại các đô thị, đặc biệt là tại một số chung cư, trong đó có vụ cháy chung cư Carina Plaza, cơ quan chức năng và các chuyên gia y tế đều đưa ra đánh giá nguyên nhân gây tử vong hàng đầulà ngạt khói và chất lượng xây dựng của các chung cư.

Khí CO rất nguy hiểm

Hậu vụ cháy chung cư Carina Plaza (P.16, Q.8, TP.HCM), người dân, đặc biệt là những cư dân đang sống tại các chung cư rất muốn tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhiều nạn nhân trong đó có trẻ em tử vong rất nhanh dù không bị bỏng do lửa. Đáng giá về vấn đề này, PGS. Trần Hồng Côn (Trường ĐH Tự nhiên Hà Nội) cho biết, hầu hết những người chết trong đám cháy là do hít khói chứ không phải bị bỏng. Khói dễ dàng phát tán, dẫn đến mất phương hướng, khó nhìn nên nạn nhân càng khó thoát ra ngoài.

Các vật liệu tổng hợp được sử dụng phổ biến ngày nay làm khói thêm độc vì giải phóng các chất nguy hiểm. Thêm vào đó, tổn thương ở phổi và đường hô hấp do hít phải khí độc đôi khi chỉ xuất hiện sau 24-36 giờ tiếp xúc khiến nạn nhân chủ quan, không kịp xử lý. Những loại khí độc sinh ra từ đám cháy vô cùng nguy hiểm. Các nạn nhân đều tử vong do ngạt khí CO. CO là khí không mùi, không màu, cướp mất oxy của hemoglobin trong máu khiến tế bào hồng cầu vẫn hoạt động nhưng không có oxy, làm nạn nhân ngạt thở, hôn mê và tử vong.

Trong vụ cháy chung cư Carina Plaza, có nhiều nạn nhân tử vong do hít phải khí độc.

Trong vụ cháy chung cư Carina Plaza, có nhiều nạn nhân tử vong do hít phải khí độc.

Theo bác sĩ Hoàng Bùi Hải (Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội), các loại khí độc sinh ra trong đám cháy như CO, HCN làm nạn nhân bị ngạt, hít phải lượng lớn có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong. Khi bị ngộ độc CO ở nồng độ thấp, nạn nhân có các triệu chứng chóng mặt, đau đầu. Tiếp xúc với nồng độ lớn hơn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và tim mạch, từ đó dẫn đến tử vong.

Không chỉ khói, còn một lượng lớn ôxít cacbon sinh ra từ những vật liệu cháy xâm nhập và tạo áp lực lớn trong đường hô hấp, gây bỏng đường hô hấp. Khi vào cơ thế, khí CO cạnh tranh với Oxy để kết hợp với hemoglobin trong máu tạo thành HbCO. Chất này sinh ra ngăn chặn khả năng giải phóng oxy trong tế bào, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến tình trạng thiếu oxy.

Để tránh bị ngạt khói, trong khi di chuyển mọi người nên cố gắng bò hay trườn, sao cho mặt sát sàn vì khói thường lơ lửng bên trên. Nạn nhân trong hỏa hoạn cần cố gắng tiếp cận với nước, lấy khăn ẩm bịt mũi, mồm, quấn vào người để thoát qua đám khói. Nếu thoát vào được một phòng kín, không bị cháy đe dọa nhưng có khói thì nên lấy khăn, vải thấm nước để bịt tất cả các khe hở lại để chắn khói. Lý giải việc sử dụng triệt để khăn ướt trong cháy và chống ngạt khói, bác sĩ Hải cho biết, vì khăn ẩm có nước, khi khói gặp khăn ẩm khói sẽ bị chặn lại vì CO không tan trong nước. Chính vì thế ở mọi tình huống nạn nhân cố gắng tiếp cận nước.

Chất lượng chung cư tốt giúp hạn chế thiệt hại

Sau vụ cháy chung cư Carina, nhiều chuyên gia xây dựng bắt đầu chú ý đến chất lượng xây dựng của các chung cư. Bởi, nếu chất lượng chung cư tốt thì hậu quả nghiêm trọng khi xảy ra cháy sẽ được hạn chế ở mức tối đa. Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Thái (một chuyên gia xây dựng tại TP.HCM) nêu ra một ví dụ, vào giữa năm 2017, tại Anh đã xảy ra trận hỏa hoạn nghiêm trọng ở chung cư Grenfell Tower (London). Ngọn lửa bùng lên nhanh chóng bao phủ cả tòa nhà. Hậu quả là 71 người chết và 70 người bị thương.

Tại vụ cháy chung cư Grenfell Tower, nguyên nhân khiến lửa bao phủ cả tòa chủ yếu là vật liệu dễ cháy. Với mức độ khốc liệt và sức nóng của ngọn lửa, nên tòa nhà chung cư ở Anh thì mức độ nguy hiểm tăng cao gấp nhiều lần. Số nạn nhân bị chết bởi khói độc và sức nóng là rất lớn, còn tòa nhà bị thiêu rụi, thiệt hại toàn bộ, chỉ còn lại khung bê tông cốt thép mà thôi.

Mọi người dân cần trang bị kiến thức về khí độc khi sinh sống tại chung cư.

Tại vụ cháy chung cư Carina thì nguyên nhân bắt nguồn từ sự cố phát cháy xe gắn máy Attila trong hầm để xe của chung cư. Lửa lớn dần trong suốt 8 phút, cao ngang ống thông gió của tầng hầm và cháy lan sang các xe máy xung quanh. Đám cháy lớn dần, kéo dài hơn 13 phút nữa thì điện trong tầng hầm tắt, mọi thứ mới vượt tầm kiểm soát. Sau khi cháy xe ở tầng hầm, khói và khí độc dễ dàng phát tán nhanh, khiến cư dân mất bình tĩnh, hỗn loạn, nên khó tìm thấy phương hướng thoát nạt, gây nguy hiểm đến tính mạng nhiều người.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quang Hải (Giám đốc Công ty Hùng Thanh - chủ đầu tư chung cư Carina) cho biết, tòa nhà chung cư Carina được xây theo tiêu chuẩn cao cấp, theo quy định của Luật Xây dựng. Cửa chính của căn hộ được được thiết kế chịu lửa trong 70 phút, nên khi cháy xe dưới tầng hầm thì rất lâu ngọn lửa mới làn tới các phòng được.

Trong khi đó, ông Chen Lian Pang (Tổng giám đốc CapitaLand Việt Nam) cho rằng, các quy định của Việt Nam nghiêm ngặt hơn Singapore (Singapore chỉ yêu cầu chống chịu 60 phút). Luật Xây dựng của Việt Nam quy định khoảng cách từ căn hộ xa nhất tại mỗi tầng đến cầu thang là 25m. Con số này ở Singapore là 30m. Khoảng cách đến cầu thang càng ngắn thì càng tốt. Tại cầu thang phải tạo ra một áp lực từ hệ thống quạt và có máy phát điện độc lập dùng khi mất điện để khói lửa không thể đi vào cầu thang.

Ở Singapore cánh cửa chỉ chỉ có thể xoay theo một chiều là hướng từ ngoài vào trong. Nó không thể mở theo cả hai chiều vì như vậy sẽ rất nguy hiểm. Khi đẩy cửa vào trong rồi cửa tự động khép lại thì lửa và khói không thể lọt vào trong. Nếu để cửa mở theo chiều từ trong ra ngoài, lửa và khói sẽ theo đó bay vào.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết: Theo thống kê, trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 1.000 vụ cháy. Từ năm 2012 - 9/2016, toàn TP xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng, trong đó, có 26 vụ cháy tại các chung cư nhà ở. Trung bình mỗi năm thành phố chỉ xảy ra khoảng 7 vụ cháy chung cư (chiếm 0,7%, nhỏ hơn rất nhiều so với con số 70% của nhà phố).

Lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP.HCM cũng cho hay, các vụ cháy gây thiệt hại về người xảy ra chủ yếu tại nhà ở hộ gia đình hoặc nhà ở kết hợp với kinh doanh sản xuất, chiếm đến 70%. Nhà phố thường bị cháy lan nhanh hơn căn hộ chung cư vì thời gian chịu lửa chỉ 30 phút thấp hơn nhiều so với chung cư là 70 phút.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Trưởng phòng Chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP.HCM lý giải việc để xảy ra nhiều vụ cháy ở chung cư, trách nhiệm chính cũng thuộc về người dân và sau đó là các chủ đầu tư. "Người dân không hề chấp hành các biện pháp phòng cháy chữa cháy. Cầu thang bộ phải được đóng lại để ngăn khí độc chứ không thể mở toang khiến nhiều người tử nạn", Đại tá Quang nói.

Theo Đại tá Quang, công tác phòng chống cháy nổ cho chung cư cần được làm chặt chẽ ngay từ khâu quy hoạch đến thiết kế, xây dựng, lắp đặt các thiết bị. Tòa nhà chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu hệ thống phòng chống cháy nổ.

Để hạn chế tối đa tình trạng cháy chung cư, theo các chuyên gia phải đưa vật liệu chống cháy vào sử dụng ở những chỗ như: Vách chống ồn, chống thấm đến sơn sử dụng. Đặc biệt, hệ thống đường điện tại các chung cư phải được đi dưới đường bê tông…

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/can-biet/vi-sao-trong-cac-vu-chay-ngat-khoi-chat-luong-xay-dung-la-nguyen-nhan-chu-yeu-gay-chet-nguoi-a235510.html