Vì sao Triều Tiên vẫn là 'bức tường thành' mà đại dịch Covid-19 không thể xâm nhập?

Trong bối cảnh thế giới biết thông tin về Triều Tiên khá hạn chế thì việc đất nước này ứng phó như thế nào với đại dịch Covid-19 là chủ đề được nhiều chuyên gia y tế- xã hội học quốc tế quan tâm. Hầu hết, họ đều cho rằng mối quan hệ khép kín và hành động quyết liệt từ sớm của Bình Nhưỡng chính là cách 'xây tường thành' ngăn virus corona mới xâm nhập vào nước này.

 Cuộc sống thường ngày ở Triều Tiên khá bình lặng. Lệnh trừng phạt quốc tế do các vụ thử vũ khí hạt nhân đã khiến kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn.

Cuộc sống thường ngày ở Triều Tiên khá bình lặng. Lệnh trừng phạt quốc tế do các vụ thử vũ khí hạt nhân đã khiến kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới, thì việc "sống khép mình" bỗng trở thành bức tường thành chống dịch. Ảnh: Hai người đàn ông đeo khẩu trang, đi bộ qua tuyến đường trống trải hơn thường lệ.

Hãng thông tấn Reuters cho biết, một phái đoàn của Triều Tiên tuần này sẽ tới Bắc Kinh để thảo luận về vấn đề cung ứng thực phẩm và thương mại

Triều Tiên rõ ràng kỳ vọng nhiều vào Trung Quốc, vào thời điểm mà các lệnh trừng phạt do Mỹ và các nước khác áp đặt vẫn còn hiệu lực và tác động của dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng.

Bình Nhưỡng tuyên bố không có ca nhiễm Covid-19 nào. Ngay từ cuối tháng 1-2020, họ đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa như cách ly, ngừng hoạt động du lịch và đóng cửa biên giới với Trung Quốc, khiến giới quan sát quốc tế phải ngạc nhiên.

Cơ quan hải quan Trung Quốc cho biết, thương mại giữa hai nước trong tháng 3-2020 đã giảm hơn 90% so với năm trước.

Công dân của Trung Quốc đại lục vốn là nhóm du khách lớn nhất tới Triều Tiên. Cấm khách du lịch có nghĩa là Bình Nhưỡng mất đi một nguồn thu ngoại tệ quan trọng

Đó chính là một phản ứng khác biệt đáng chú ý của Triều Tiên so với các đại dịch trước đó, ông W Courtland Robinson, Giáo sư tại Trung tâm Sức khỏe nhân đạo thuộc Đại học Johns Hopkins nhận xét

“Triều Tiên đã có kinh nghiệm đối phó với dịch SARS và Ebola. Và mặc dù các dịch bệnh đó chưa từng bùng phát trong nước, nhưng phản ứng của họ lần này đặc biệt khẩn cấp và có sự phối hợp cao độ”, ông Robinson nhận định.

“Có thể ban đầu họ đã nắm được thông tin rằng dịch Covid-19 lan rất nhanh ở Vũ Hán và các khu vực khác nên quyết định hành động nhanh chóng và quyết liệt”, Giáo sư Robinson nói.

Katharina Zellwegger, giảng viên tại Đại học Stanford và là cựu Giám đốc Cơ quan Hợp tác và phát triển Thụy Sĩ (SDC) phụ trách Triều Tiên cho biết, phản ứng của Bình Nhưỡng đối với đại dịch Covid-19 “quyết đoán hơn nhiều”.“Điều này có thể đã giúp ngăn chặn sự lây lan của virus”, bà Zellwegger nói.

Bà Zellwegger nhấn mạnh, khó khăn cho các chương trình viện trợ vào Triều Tiên, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, là do lệnh trừng phạt quốc tế cấm nhập khẩu vật tư quan trọng

“Lệnh này nghiêm cấm nhập khẩu bất cứ thứ gì bằng kim loại, ngay cả những vật dụng nhỏ như nhíp hoặc kéo y tế cũng bị cấm”, bà Zellwegger nói.

“Các bệnh viện tốt nhất ở Triều Tiên thực sự tụt hậu so với phương Tây từ 30-50 năm”, ông Steve Chung, nhà nghiên cứu về chính trị và văn hóa Triều Tiên tại Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) khẳng định.

Tuy nhiên, Triều Tiên cũng nhận được sự trợ giúp từ bên ngoài trong đại dịch này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng xác nhận, Bắc Kinh đã gửi các bộ xét nghiệm cho Bình Nhưỡng, trong khi Nga thông báo đã gửi 1.500 bộ xét nghiệm nhanh tới Triều Tiên vào tháng 2.

Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) vào cuối tháng 2 đã nhận được quyền miễn trừ để hoạt động tại Triều Tiên. UNICEF cũng xác nhận cấp cho Triều Tiên 500 bộ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế vào tháng 3-2020.

Cũng có dấu hiệu cho thấy, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đang ưu tiên cho các phản ứng khẩn cấp trước đại dịch. Một bệnh viện mới ở Thủ đô Bình Nhưỡng đang được xây dựng trong 200 ngày, dự kiến khai trương vào tháng 10 tới, đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên

Hải Yến (Theo NHK/Abc.net.au)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/anh-vi-sao-trieu-tien-van-la-buc-tuong-thanh-ma-dai-dich-covid19-khong-the-xam-nhap/852459.antd