Vì sao Triều Tiên phát động 'trường chinh gian khổ'?

Triều Tiên đang đối mặt sự thiếu hụt về lương thực, dược phẩm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia chưa thấy dấu hiệu của khủng hoảng tương tự thập niên 1990.

Guardian nhận định Triều Tiên đang đứng trước tình trạng thiếu lương thực, thiếu dược phẩm ngày càng nghiêm trọng do việc nhập khẩu khó khăn. Bên cạnh đó, tỷ lệ người vô gia cư cũng tăng mạnh do người dân phải bán nhà cửa và tài sản đề mua lương thực.

Nền kinh tế Triều Tiên đã bị tổn hại bởi lệnh thắt chặt biên giới hơn 1 năm kể từ dịch Covid-19 bùng nổ. Ngoài ra, thiên tai bão lũ và lệnh trừng phạt quốc tế đối với chương trình tên lửa đạn đạo của nước này cũng là nguyên nhân.

Tháng trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi những thành viên của đảng khởi động “trường chinh gian khổ” để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế.

Đóng cửa biên giới

Triều Tiên đã đóng cửa biên giới đất liền với Trung Quốc và Nga vào đầu năm 2020 sau khi các ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại Vũ Hán, Trung Quốc. Dù biện pháp này hiệu quả trong việc ngăn ngừa dịch lây lan, chúng lại khiến nền kinh tế nước này lao đao.

Dữ liệu cho thấy giao thương của Triều Tiên với Trung Quốc đã giảm 80% so với năm 2020 sau khi Bình Nhưỡng đóng cửa biên giới do lo ngại virus lây lan nhanh chóng sẽ phá vỡ hệ thống y tế vốn mỏng manh tại nước này.

“Nền kinh tế Triều Tiên đang đứng ở bờ vực của sự suy thoái nghiêm trọng”, Jiro Ishimaru - người điều hành trang tin tức Asia Press và quản lý mạng lưới các phóng viên địa phương tại Triều Tiên - nhận định.

“Rất nhiều người đang gặp khó khăn”, Ishimaru cho biết. “Tôi đã liên lạc với nhiều đầu mối, họ nói rằng ngày càng có nhiều người xin tiền và lương thực tại chợ, số người vô gia cư gia tăng. Ngoài ra cũng có sự khan hiếm nghiêm trọng thuốc kháng sinh và các dược phẩm khác”.

Triều Tiên làm gì để khắc phục tình hình?

“Trường chinh gian khổ” là một thuật ngữ chỉ quá trình khắc phục hậu quả của nạn đói những năm 1990. Liên Xô không còn là nguồn viện trợ chính, chính sách quản lý kém hiệu quả và thiên tai đã gây ra nạn đói này.

Dù vậy, giới quan sát Triều Tiên nói rằng họ không thấy bất cứ bằng chứng nào cho một thảm họa tương tự sắp diễn ra.

“Còn rất nhiều khó khăn phía trước, vì thế việc triển khai toàn bộ các quyết định từ Đại hội VIII sẽ không thể thuận buồm xuôi gió”, nhà lãnh đạo Kim nói với các thành viên chủ chốt của đảng, theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên.

 Lãnh đạo Kim Jong Un cảnh báo vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Ảnh: AP.

Lãnh đạo Kim Jong Un cảnh báo vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Ảnh: AP.

“Hiển nhiên là không ai có thể dự đoán dịch bệnh toàn cầu sẽ đến sau lệnh trừng phạt quốc tế. Vì vậy, giả định 'trường chinh gian khổ' đang được đưa ra trở lại để huy động giới chức nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng”, Leonid Petrov, chuyên gia về Triều Tiên và giảng viên lâu năm tại Cao đẳng Quản lý Quốc tế tại Sydney, nhận định.

Việc đánh giá bức tranh toàn cảnh về tình hình Triều Tiên càng khó khăn hơn với một lượng lớn các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ đã rời khỏi nước này vì dịch bệnh.

Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng Alexander Matsegora, một trong số ít những nhà ngoại giao vẫn ở nước này, nói rằng cuộc sống tại Triều Tiên lúc này có khó khăn, tuy nhiên không hề có dấu hiệu lặp lại của nạn đói năm 1990.

“'Trường chinh gian khổ' vẫn còn ở rất xa, và tôi mong nó không bao giờ xảy ra”, ông nói với hãng truyền thông Tass của Nga. “Điều quan trọng nhất là không có nạn đói tại nước này hiện tại”.

Triều Tiên tiếp tục công bố không ghi nhận bất kỳ ca mắc Covid-19 nào, tuy nhiên giới chức Mỹ và Hàn Quốc tỏ ra nghi ngờ với công bố này.

Hình ảnh lãnh đạo Kim Jong Un vào tháng 3 cùng với một sĩ quan đeo khẩu trang. Ảnh: AP.

Có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang cố gắng tái thiết tuyến kinh tế huyết mạch với Trung Quốc - đồng minh và nhà viện trợ chính. Điều này bao gồm tiếp tục các chuyến tàu chở hàng xuyên biên giới và các cơ sở cách ly để đảm bảo nguồn cung cấp có thể được vận chuyển bằng xe tải.

Trung Quốc đang cố gắng né tránh khủng hoảng kinh tế với Triều Tiên, phòng trường hợp nó có thể gây ra khủng hoảng nhân đạo và biến động chính trị dẫn tới việc Mỹ và Hàn Quốc mở rộng ảnh hưởng tại bán đảo Triều Tiên, ông Petrov nhận định.

Việc lãnh đạo Kim nhắc tới nạn đói là một cách kêu gọi lực lượng hiệu quả chứ không phải dự đoán về thảm họa sắp tới, Leif-Eric Easley, giáo sư thỉnh giảng về quốc tế học tại Đại học Ewha, Hàn Quốc, cùng nhận xét.

Nguyệt Cầm

Theo Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-trieu-tien-phat-dong-truong-chinh-gian-kho-post1211711.html