Vì sao Triều Tiên 'phản ứng cứng rắn'?

Sau nhiều dấu hiệu tích cực liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, thì gần đây, Triều Tiên đã có những phản ứng được cho là 'cứng rắn' với Mỹ và Hàn Quốc

Theo đó sáng ngày 16/5, Triều Tiên tuyên bố hủy cuộc họp cấp cao liên Triều, cuộc họp đã được lên lịch diễn ra cùng ngày. Lý do Triều Tiên hủy cuộc họp này là do Hàn Quốc và Mỹ vẫn tổ chức cuộc tập trận chung bằng không quân với 100 máy bay tham gia. Phía Triều Tiên cho đây là hành động khiêu khích của Mỹ và Hàn Quốc, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết.

Ngoài ra, có thông tin cho rằng Triều Tiên tuyên bố sẽ xem xét lại việc tham gia hội nghị thượng đỉnh với Mỹ đã được ấn định vào ngày 12/6 vì những tuyên bố của chính giới Mỹ về các yêu cầu đối với Triều Tiên trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Về phía Mỹ, đi đôi với việc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên, Nhà Trắng cũng đã đưa ra những tuyên bố xung quanh vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên với hàm ý khác nhau.

Trong đó có một số gợi ý như Triều Tiên phải đóng băng hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân và được kiểm chứng thì Mỹ mới dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, thiết lập quan hệ ngoại giao, trợ giúp cho nước này phát triển kinh tế; kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên phải được chuyển hoàn toàn ra nước ngoài; Mỹ thể áp dụng hình mẫu Libya về giải trừ vũ khí hạt nhân đối với triều Tiên…

Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng từng tuyên bố “việc Triều Tiên chịu ngồi vào bàn đàm phán là do tác động của chính sách bao vây cấm vận; Mỹ vẫn tiến hành các cuộc tập trận với Hàn Quốc…”.

Phản ứng lại vấn đề này, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan tuyên bố Triều Tiên sẽ không tham gia bất cứ cuộc đàm phán nào chỉ đơn phương đề cập đến tiến trình phi hạt nhân hóa mà không tính đến quyền phòng vệ của Triều Tiên, tương tự như mô hình giải trừ hạt nhân ở Libya.

Ông Kim Kye-gwan cũng nói: “Chúng tôi sẽ không quan tâm đến đàm phán Mỹ-Triều nếu Mỹ cố gắng dồn chúng tôi vào đường cùng và buộc chúng tôi từ bỏ vũ khí hạt nhân”.

Nhà ngoại giao của Triều Tiên cũng lên án việc gây sức ép thông qua tăng cường áp đặt các biện pháp trừng phạt nước này, đồng thời cho rằng Mỹ đang hiểu nhầm “sự rộng lượng và thiện chí” của Triều Tiên “là sự yếu đuối”.

Theo quan chức này, Mỹ nên tham gia đàm phán với sự chân thành và Triều Tiên sẽ có phản ứng phù hợp.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã từng bày tỏ sự không hài lòng với phương án giải trừ vũ khí hạt nhân của Mỹ đối với Triều Tiên, trong đó có “hình mẫu kiểu Libya”, cho rằng đây là điều hết sức phi lý khi so sánh một quốc gia đang ở giai đoạn đầu phát triển hạt nhân với một quốc gia đã sở hữu kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Về “mô hình Libya”, Triều Tiên cho rằng khi Libya giải trừ vũ khí hạt nhân thì sau đó Mỹ cùng các nước phương Tây lại tiến hành lật đổ chính quyền của Tổng thống Gahdafi và đẩy đất nước này vào tình trạng bất ổn…

Một tác nhân khác cũng làm cho Triều Tiên trở nên thận trọng với việc Mỹ vừa rút thỏa thuận hạt nhân với Iran…

Như vậy có thể thấy việc Triều Tiên tuyên bố sẽ xem xét lại việc tham gia hội nghị thượng đỉnh với Mỹ không phải là không có lý do.

Trong một diễn biến liên quan, phía Mỹ, một mặt tuyên bố sẽ đi tới cùng trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Washington cũng đã có ngay những điều chỉnh thích hợp khi tuyên bố tin tưởng cuộc gặp Mỹ - Triều sẽ vẫn diễn ra.

Theo CNN, ngay trong ngày 16/5 (giờ Mỹ), Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói rằng Mỹ không áp dụng một mô hình Libya như ông Bolton (Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ) nói mà "đây là mô hình Tổng thống Trump". Còn trong cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, Mỹ cũng không đưa đội máy bay ném bom hạt nhân chiến lược B52 tham gia.

Tuyết Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/vi-sao-trieu-tien-phan-ung-cung-ran/336696.vgp