Vì sao Triều Tiên gây áp lực với Hàn Quốc?

Triều Tiên mới đây đã ngừng tất cả các kênh liên lạc liên Triều trong một động thái mà họ gọi là 'bước đầu tiên mà Seoul phải trả giá cho sự phản bội của mình'. Đây cũng là lần thứ 7 kể từ năm 1976, truyền thông Triều Tiên đưa tin rằng các nhà lãnh đạo nước này đã xem xét những kế hoạch theo giai đoạn để chuẩn bị cho 'các hành động chống lại kẻ thù', với hàm ý tất cả mọi hoạt động liên quan đến Hàn Quốc giờ đây đều là thù địch.

Bình Nhưỡng đã chính thức lên tiếng đổ lỗi cho hoạt động sử dụng bóng hơi để thả truyền đơn với nội dung chống phá Triều Tiên của các nhóm dân sự Hàn Quốc ở khu vực biên giới giữa hai nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng - với nhiều động cơ khác nhau - dường như đang lên kế hoạch thực hiện một số hành động khiêu khích nhằm mục đích cuối cùng là gây tác động ảnh hưởng đến Mỹ.

Động cơ của Triều Tiên

Các chuyên gia cho rằng, có nhiều động cơ và mục đích ẩn chứa đằng sau động thái trên của Triều Tiên, song một yếu tố dễ thấy nhất là Bình Nhưỡng đang hy vọng sẽ có những thay đổi lớn hơn trong việc gây áp lực với Seoul, một động thái mà họ cho là "có ít rủi ro." Nhà nghiên cứu Shin Beom-chul, GĐ Trung tâm Ngoại giao và An ninh thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc (KRINS), nói: "Trong ngắn hạn, mục tiêu là chấm dứt hoạt động thả các tờ rơi và chế ngự miền Nam. Mục tiêu dài hạn là tác động để Mỹ gỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt." Nhận định này cũng được chuyên gia nghiên cứu cao cấp Shin Jong-woo nhắc lại tại Diễn đàn An ninh Quốc phòng mới đây khi cho rằng, Triều Tiên đang gây áp lực buộc Hàn Quốc phải thuyết phục Mỹ có những nhượng bộ nhất định về kinh tế và các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Theo nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang, GĐ Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Sejong (Hàn Quốc), Bình Nhưỡng có khả năng bị thôi thúc bởi quan điểm cho rằng 'không có gì để mất' trong quan hệ liên Triều. Ông nói: "Họ nghĩ rằng chính quyền Moon Jae-in đã bỏ qua vấn đề này (hoạt động rải tờ rơi chống Triều Tiên) và dẫn đến suy nghĩ rằng không thể trông chờ gì từ chính quyền Moon Jae-in."

Giữa lúc có những khác biệt trong đánh giá về mức độ khiêu khích, giới chuyên gia nói rằng các hành động khiêu khích quân sự của Bình Nhưỡng là không thể tránh. Chuyên gia Choi Kang, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Asan (Hàn Quốc), nhận định: "Hành động khiêu khích quân sự của Triều Tiên luôn thường trực trong suy nghĩ của họ. Ngay bây giờ, họ chỉ đang tìm lý do mà thôi. Việc không có phản hồi trên đường dây nóng quân sự đồng nghĩa với việc quan hệ liên Triều đang bước vào một tình huống nguy cấp. Khả năng phô diễn sức mạnh là rất cao và sau đó là nguy cơ nổ ra các cuộc đụng độ giữa hai bên." Nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang của Viện Sejong cũng bày tỏ quan điểm tương tự khi nhấn mạnh rằng Triều Tiên có khả năng tiếp tục thử nghiệm tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại đề cập đến những hành động ít khiêu khích hơn như khả năng diễn ra các cuộc tập trận quân sự ở Biển Tây trong tương lai gần. Nhà nghiên cứu Shin Beom-chul cho rằng, cũng cần tính đến khả năng Triều Tiên sẽ không thực hiện các hành động khiêu khích gây tiếng vang trong giai đoạn này (như thử nghiệm SLBM) bởi nếu tiến hành vào thời điểm này có thể sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ hữu nghị Triều-Trung.

Quan hệ liên Triều đang rạn nứt nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Quan hệ liên Triều đang rạn nứt nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Bước đi của Hàn Quốc

Đề cập đến cách thể hiện phản ứng của Hàn Quốc, các chuyên gia nhất trí rằng Seoul cần phải làm thế nào để vị thế của mình trở nên rõ ràng hơn, cả về sự sẵn sàng can dự cũng như quyết tâm đáp trả mọi hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng. Chuyên gia Choi Kang nói: "Seoul cần đưa ra một thông điệp mạnh mẽ rằng khi muốn có hòa bình thì sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ hòa bình. Đó là lý do Hàn Quốc luôn cần phải thể hiện sức mạnh của mình mỗi khi Triều Tiên muốn đàm phán."

Nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang có cái nhìn bao quát hơn khi nói rằng Seoul cần có cách nhìn nhận rõ ràng về bối cảnh hiện nay. Ông nói: "Chúng ta cần đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, trao cho họ những thứ họ cần và quan trọng là phải xác định rõ được những vấn đề nào Seoul có thể giải quyết, vấn đề nào không thể."

Giáo sư Leif-Eric Easley của trường ĐH Nữ Ewha (Hàn Quốc) cho rằng, ở thời điểm hiện tại, Seoul không nên thay đổi chính sách can dự của mình. Ông nhấn mạnh: "Seoul không nên nhượng bộ hoặc gây sức ép quá mức, coi đó như một cử chỉ thiện chí mà nên thử nghiệm những sáng kiến khác nhau để xem Bình Nhưỡng có sẵn sàng tham gia hợp tác đối ứng hay không."

Một số chuyên gia cho rằng quyết định của Triều Tiên ngừng tất cả các đường dây liên lạc với Hàn Quốc dường như nhằm thể hiện "sự thất vọng bị dồn nén" do Seoul không nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ liên Triều đồng thời củng cố thế mặc cả trong các vấn đề hợp tác xuyên biên giới. Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên Kim Yong-hyun của trường ĐH Dongguk (Hàn Quốc) nhận định: “Động thái mới nhất dường như trùng hợp với sự thất vọng lớn và kéo dài của Bình Nhưỡng trước mối quan hệ bế tắc giữa hai miền và nhằm mục đích củng cố khối đoàn kết nội bộ thông qua hành động chỉ trích Hàn Quốc và tập hợp sự ủng hộ chế độ Kim Jong-un... Quyết định cũng có thể phản ánh những khó khăn ngày càng lớn do đại dịch Covid-19 gây ra và tình hình kinh tế đất nước hiện nay.

Vì tất cả những lý do này, Triều Tiên dường như đã quyết định cần phải làm một điều gì đó để nâng cao sự trung thành của người dân. Trong khi đó, Giáo sư Yang Moo-jin của trường ĐH nghiên cứu về Triều Tiên (Hàn Quốc) cho rằng, "triển vọng quan hệ giữa hai miền Triều Tiên thời gian tới nhiều khả năng vẫn ảm đạm bởi Bình Nhưỡng xem ra không coi trọng việc cải thiện quan hệ với Seoul."

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-sao-trieu-tien-gay-ap-luc-voi-han-quoc-197276.html