Vì sao trẻ uống sữa tươi đạt chất lượng mà vẫn bị nôn, trớ, đau bụng, đi ngoài...?

Là thức ăn quen thuộc, thiết yếu trong đời sống, nhất là với trẻ nhỏ nhưng ít ai biết, sữa tươi cũng có thể trở thành tác nhân gây ra những bệnh lý nguy hiểm cho trẻ nếu dùng không đúng cách.

Lỗi do... đổi sữa

Trao đổi với Gia Đình Mới, Bác sĩ Thân Hồng Hoài – Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ, Khoa từng tiếp nhận một ca bệnh nặng. Bệnh nhân nhi (5,5 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, li bì.

Quá trình thăm khám, bác sĩ thấy bé có tiền sử sức khỏe tốt, không có tiền sử dị ứng. Nhưng chỉ sau khi mẹ đổi sữa lần thứ 2 cách đây nửa tháng thì trẻ xuất hiện các biểu hiện triệu chứng trên đến mức phải nhập viện. Sau đó, bé được chuyển lên tuyến trên với chẩn đoán dị ứng sữa.

Không chỉ trường hợp trên mà tại khoa Nhi của Bệnh viện Đức Giang cũng tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị tác động xấu về đường tiêu hóa từ việc cha mẹ đổi sữa, cho trẻ ăn sữa không phù hợp.

Thông thường, bệnh nhân vào viện với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa tiến triển như: nôn trớ, táo bón hoặc bị đi ngoài kéo dài, phân nhày máu, dị ứng nặng…

Điều đáng nói, tình trạng này ngày càng nhiều và gia tăng mạnh vào thời điểm giao mùa. “Tỉ lệ trẻ nhập viện vì đường tiêu hóa chiếm 40 – 50%, phát triển rầm rộ hơn hẳn so với thời điểm lạnh. Riêng ngày 8/3 vừa qua, Khoa tiếp nhận 23 ca trong đó 12 ca liên quan đến bệnh lý đường tiêu hóa” - bác sĩ Hoài cho hay.

Bác sĩ khuyến cáo, với trẻ tăng cân ổn, cân nặng nằm trong tiêu chuẩn thì cha mẹ không cần đổi sữa.

Uống và lựa chọn sữa không đúng cách, trẻ có thể bị dị ứng, rối loạn tiêu hóa (Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn: Internet)

Cẩn thận với đường tiêu hóa non nớt của trẻ

Từ thực trạng đó, bác sĩ Thân Hồng Hoài cho biết, không ít phụ huynh đang sai lầm trong việc chọn và dùng sữa cho trẻ nhỏ.

Nhiều gia đình do áp lực về cân nặng, chiều cao của trẻ nên thay đổi sữa liên tục theo gợi ý của người quen, người bán. Hay cha mẹ chỉ quan tâm tới chỉ số DHA, canxi… mà không hiểu rằng thành phần đạm, đường cũng rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ cần chú ý.

Vì vậy vô tình, trẻ phải hứng chịu những hậu quả không mong muốn vì sữa không thích ứng, nhất là với trẻ kém hấp thu chất đặc biệt, có tiền sử dị ứng. Vì uống sữa không đúng cách, đường tiêu hóa non nớt của trẻ rất dễ tổn thương, mẫn cảm hơn.

Nhiều trẻ bị rối loạn tiêu hóa khi cha mẹ đổi sữa hoặc có sự hấp thụ khác nhau giữa từng trẻ với từng loại sữa. Nhiều trường hợp dễ dị ứng với dòng sữa nhiều đường hoặc có trẻ rất dễ dị ứng với sữa nhiều đạm.

Lí giải về điều này, bác sĩ cho rằng, hệ thống enzym hấp thụ chất còn kém nên thức ăn quá nhiều chất dễ gây các biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Hay trẻ được cho ăn dặm quá sớm, dùng sữa công thức chủ yếu thì nguy cơ dễ thích ứng với sữa lạ cũng tăng lên.

Bác sĩ Thân Hồng Hoài - Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

Những lưu ý khi chọn sữa

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, để tránh tối hậu quả không mong muốn, phụ huynh khi lựa chọn sữa cho con nên chú ý hơn đến thành phần sữa cũng như nên theo dõi những phản ứng của trẻ sau khi uống.

“Nhiều trẻ có thể gặp triệu chứng nôn, trớ, đi ngoài, táo bón, đau bụng, quấy, ăn kém… Lúc này, cha mẹ cần theo dõi để khu biệt tình trạng bệnh. Nếu bé trớ, cha mẹ không cần quá lo lắng, nên để trẻ nằm đầu thấp tránh sặc vì trớ chỉ là hoạt động sinh lý thông thường.

Khi nào trẻ xuất hiện nôn, nôn trên 3 lần, cha mẹ cần cho trẻ đi khám ở cơ sở y tế. Bên cạnh đó, nếu trẻ li bì, bỏ ăn, ăn kém, quấy khóc kéo dài hoặc sốt cao mà cha mẹ không thể xử lý ở nhà thì nên đưa trẻ đến bác sĩ”, bác sĩ Thân Hồng Hoài chia sẻ.

Với những trẻ rối loạn tiêu hóa có thể chăm sóc tại nhà, cha mẹ nên bù nước, bù điện giải cho trẻ. Ngoài ra, phụ huynh nên cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ, thức ăn lỏng, loãng hơn bình thường, ưu tiên thực phẩm dễ tiêu, hạn chế đường, mỡ và cần vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn.

Ngoài ra, theo bác sĩ, đây là thời điểm giao mùa khắc nghiệt, virut, vi khuẩn phát triển mạnh, thức ăn dễ hỏng, dễ lên men. “Việc bảo quản thức ăn vô cùng quan trọng, tuy nhiên, nhiều gia đình giữ thói quen nấu một bữa ăn cả ngày, ngâm ủ sữa quá lâu vẫn cho trẻ sử dụng.

Trong khi đó, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, tiếp nhận thức ăn có vấn đề nên chắc chắn có những phản ứng kháng lại”, bác sĩ Hoài nhấn mạnh.

Hồng Ngọc

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/vi-sao-tre-uong-sua-tuoi-dat-chat-luong-ma-van-bi-non-tro-dau-bung-di-ngoai-d5215.html