Vì sao 'Trái tim quái vật' xứng đáng để bạn ra rạp ủng hộ phim Việt Nam?

Dòng phim trinh thám, tội phạm, có chút giật gân và hồi hộp vốn không phải thế mạnh của điện ảnh Việt, cũng không phải là ưu tiên của khán giả đại chúng. Tuy nhiên, Trái tim quái vật đã khiến khán giả phải nghĩ lại.

Kịch tính từ những phút đầu tiên

Ngay từ cảnh mở màn, Trái tim quái vật đã có một trường đoạn kịch tính, hấp dẫn, xoay quanh vụ bắt cóc trẻ em. Sau đó, vấn đề chính của phim được đặt ra: vụ án mạng gay cấn ở khu chung cư cũ với 4 nghi phạm.

Nạn nhân bị đâm vào cổ bằng một món đồ chơi trẻ em làm bằng sắt, xác bị vứt xuống đống dây điện ở chung cư. Cái chết của nạn nhân gây chấn động cả chung cư. Khánh (Hoàng Thùy Linh), cô gái làm nghề mát-xa có đứa con 5 tuổi nhanh chóng lọt vào diện nghi vấn vì hung khí là đồ chơi của con trai cô. Xung quanh Khánh còn có những người cũng thuộc diện tình nghi: tổ trưởng tổ dân phố tham lam (Hứa Vĩ Văn), người tình của Khánh (B Trần) và một ngôi sao điện ảnh hết thời (Trịnh Thăng Bình).

Phản ánh mạnh mẽ, chân thật những mặt tối của xã hội

Trái tim quái vật sở hữu một điểm mạnh so với khá nhiều phim Việt cùng thể loại là tính địa phương rất mạnh trong câu chuyện, bối cảnh gần gũi với số đông. Không có những ngôi nhà lung linh, không có siêu xe và những câu chuyện ngọt ngào, Trái tim quái vật vẽ ra một góc khuất của Sài Gòn - tối tăm và trần trụi.

Phim có bối cảnh thật ở khu chung cư xuống cấp, nhà hoang, đất trống, các bãi rác, gầm cầu, khu chợ cũ… tất cả đều toát lên những nét thân quen như thể hơi thở của Sài Gòn bị nhuốm màu bởi thời gian, bởi cuộc sống vì đồng tiền.

Lời thoại chân thật, rất đời

Kịch bản Trái tim quái vật được Tạ Nguyên Hiệp tạo ra trong 2 năm với rất nhiều sự yêu thương, thấu cảm và tâm huyết. Thế nên bên cạnh câu chuyện có nhiều cảm xúc, mang hơi thở mạnh mẽ của Sài Gòn thì thoại của phim cũng khiến người xem nhớ lâu.

Vì các nhân vật trong phim đều thuộc tầng lớp lao động, mỗi ngày phải sống vì ba bữa ăn nên tất nhiên họ sẽ không “thở” ra những câu thoại quá hoa mỹ hay triết lý. Khánh, ông Bé, Lâm đều có ngôn từ rất chân thật, đơn giản, phản ánh đúng câu chuyện nhưng cũng rất thấm thía. Trong đó phải kể đến câu thoại của nhân vật Khánh khiến khán giả cứ khắc khoải: “Khi bình thường thì ông trời muốn mình làm lại cuộc đời. Đến chừng mình muốn làm lại, thì cuộc đời bắt mình đi bụi”.

Câu nói như gói gọn tâm sự của rất nhiều người oằn lưng mưu sinh trên mảnh đất của dân tứ xứ. Đôi khi vì đồng tiền mà người ta chọn làm những điều không đúng. Đến hồi muốn thay đổi, muốn sống như những người bình thường thì chưa chắc sẽ được như ý.

Phương Nhi

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-giai-tri/vi-sao-trai-tim-quai-vat-xung-dang-de-ban-ra-rap-ung-ho-phim-viet-nam-1752850.tpo