Vì sao trái phiếu doanh nghiệp vẫn 'đóng băng'?

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị đóng băng.

Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp, tính đến ngày công bố thông tin 26-5, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nào được ghi nhận trong tháng 5-2023.

Trong tháng 4, có một đợt phát hành riêng lẻ và một đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành 2.671 tỉ đồng được ghi nhận (tương đương 10% tổng khối lượng phát hành của tháng liền kề).

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 31.658 tỉ đồng.

Theo Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy, Đại học RMIT Việt Nam, tuy đã có nhiều chính sách hỗ trợ thị trường trái phiếu, tình hình kinh tế trong và ngoài nước có xu hướng chậm lại là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tỉ lệ phát hành trái phiếu rất thấp trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đang ở mức cao, mặc dù Chính phủ đã có những điều chỉnh giảm lãi suất cũng là một yếu tố quan trọng khiến cho doanh nghiệp không hào hứng với việc phát hành trái phiếu.

Một yếu tố khác là niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, đã xuống thấp do các tác động tiêu cực gần đây.

"Nghị định 08/2023 và Thông tư 03/2023 vừa được ban hành gần đây chỉ giải quyết được bề nổi của vấn đề trong thị trường trái phiếu hiện tại. Ví dụ, việc cho phép các doanh nghiệp được thanh toán bằng tài sản khác chỉ giúp các doanh nghiệp được phép thanh toán nếu chủ sở hữu trái phiếu chấp nhận.

Trong trường hợp chủ sở hữu không chấp nhận thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ như đã công bố với chủ sở hữu.

Đồng thời một số điều trong Nghị định 08 và toàn bộ Thông tư 03 chỉ có thời hạn đến hết năm 2023. Do đó đây chỉ là giải pháp ngắn hạn cho thị trường trái phiếu và thị trường cần một giải pháp dài hạn hơn" - Tiến sĩ Huy nói.

Theo vị chuyên gia RMIT, trong tình hình hiện nay, chúng ta cần có một giải pháp đồng bộ cho cả phía nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Trong đó, các điều kiện để được xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tham gia thị trường trái phiếu cần phải được nâng cao.

Ngoài việc xác nhận năng lực tài chính như hiện tại, có thể nhà đầu tư cá nhân cần phải tham gia một khóa học nhanh có cấp chứng chỉ được đào tạo bởi các công ty chứng khoán trước khi được tham gia vào thị trường trái phiếu. Điều này sẽ đảm bảo được rằng nhà đầu tư hiểu được những rủi ro tiềm ẩn trong việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần phải thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn, đặc biệt là về việc xác định tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Việc xác định tín nhiệm nên được cung cấp bởi ít nhất 2 tổ chức xếp hạng độc lập.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-trai-phieu-doanh-nghiep-van-dong-bang-post736470.html