Vì sao TP. Vũng Tàu ngập sâu khi mưa lớn?

Những năm qua, ngân sách tỉnh đã tăng cường đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước tại TP. Vũng Tàu nhưng chỉ một trận mưa lớn đã gây ngập úng trên nhiều tuyến đường. Vì sao và giải pháp cho vấn đề này là gì?

Công nhân Busadco khơi thông dòng chảy trên đường Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu sáng 6/11.

Công nhân Busadco khơi thông dòng chảy trên đường Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu sáng 6/11.

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Ông Tôn Thất Kha, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP KH-CN Việt Nam (Busadco) cho hay, trận mưa lớn vào đêm 5/11 và sáng 6/11 khiến hầu hết các tuyến đường trên địa bàn TP. Vũng Tàu bị ngập. Trong đó, các khu vực như: đường Quang Trung (Bãi Trước); hồ Võ Thị Sáu - Á Châu; hồ Bàu Sen; kênh Bến Đình; hồ Bàu Trũng nước dâng từ 10-50cm; nhiều đoạn ngập đến 60cm. Thời gian ngập từ 60-90 phút. Riêng tuyến đường 3/2 sau 4 tiếng nước mới rút hết. Một số tuyến hẻm trên đường Bình Giã, Lưu Chí Hiếu (phường 10) bị ngập từ 25-30cm nhưng phải sau 2 ngày nước mới rút hết.

Câu chuyện “mưa lớn là ngập” tại TP. Vũng Tàu đã được bàn sâu trong cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11. Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết trận mưa đêm 5/11 và sáng 6/11 có lưu lượng lớn (176,8 mm) kết hợp nước biển dâng cao làm giảm độ dốc thủy lực từ hệ thống thoát nước ra biển. Một nguyên nhân khác là tốc độ đô thị hóa nhanh khiến bề mặt đô thị chuyển từ mặt đất tự nhiên (đất, cát, bãi cỏ, mặt nước) sang các loại mặt phủ nhân tạo (mái nhà, sân bãi lát gạch, bê tông, đường nhựa…) khiến nước mưa không tự thấm xuống đất mà chảy tràn trên bề mặt, dồn ra đường, không tiêu thoát kịp. Bên cạnh đó, các cửa thu nước thường bị người dân đậy lại để ngăn mùi hôi; rác, lá cây trôi theo nước bít kín, khi mưa lớn không kịp khơi thông dẫn đến hạn chế khả năng thoát nước; tình trạng người dân lấn chiếm xây dựng nhà, san lấp làm giảm diện tích hồ và thu hẹp dòng chảy kênh thoát nước chính cũng là những nguyên nhân gây ngập.

Theo ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng, TP. Vũng Tàu có hệ thống thoát nước chung cho cả nước mưa và nước thải trước khi xả vào 7 hồ điều hòa. Bên cạnh các nguyên nhân trên thì ngập úng xảy ra tại TP. Vũng Tàu còn có nguyên nhân là do hệ thống thoát nước mưa chưa được đầu tư hoàn chỉnh, ông Trung cho biết thêm, theo quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chuyên ngành thoát nước TP. Vũng Tàu được phê duyệt, hệ thống thoát nước đã được tính toán để bảo đảm tiêu thoát nước, nhưng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, còn chắp vá, chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước. “So với quy hoạch tổng thể thoát nước TP. Vũng Tàu đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, khối lượng thực hiện đạt thấp. Cụ thể, kế hoạch xây dựng hồ điều hòa đạt 13,2%; cống hộp các loại 9.445m, chỉ đạt 5,2%”, ông Trung phân tích.

CẦN GIẢI PHÁP TỔNG THỂ

Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh về lâu dài cần có giải pháp tổng thể chống ngập cho TP. Vũng Tàu, trong đó cần quan tâm những vấn đề như: Đảm bảo tỷ lệ cây xanh, mặt nước, nhất là các hồ điều hòa từ khâu quy hoạch đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng; tăng cường sử dụng các giải pháp thấm nước trên mặt bằng đô thị bằng thảm cỏ, gạch lỗ, hạn chế bê tông hóa những khu vực không thực sự cần thiết; xử lý thoát nước cho khu vực dân cư có nền thấp, thường bị ngập nước...

Bên cạnh đó, địa phương và DN phụ trách hoạt động thoát nước cũng cần tăng cường quản lý hệ thống thoát nước, khắc phục tình trạng cửa thu nước mưa trên đường bị lấp, rác, lá cây bít kín; nạo vét hệ thống thoát nước, bảo đảm khơi thông dòng chảy, chú trọng các tuyến gần biển có nhiều cát bay, ven núi có nhiều đất, cát rửa trôi; rà soát các tuyến kênh, mương hở thực sự có nhu cầu nạo vét để đề xuất, bổ sung khối lượng.

Ngoài ra, UBND TP. Vũng Tàu cần quản lý chặt chẽ tình trạng lấn chiếm xây dựng nhà, san lấp làm giảm diện tích hồ và thu hẹp dòng chảy kênh thoát nước chính; đầu tư hoàn thiện dần tiến tới đồng bộ hệ thống thoát nước đô thị. Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ưu tiên bố trí vốn để nạo vét, duy tu, bảo dưỡng định kỳ hệ thống thoát nước, bảo đảm dòng chảy theo thiết kế; chỉ đạo cho đầu tư xây dựng các hồ điều hòa, các tuyến cống thoát nước theo quy hoạch được phê duyệt.

Ông Hoàng Vũ Thảnh, Quyền Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, thành phố kiến nghị UBND tỉnh cho nạo vét các hồ: Bàu Trũng, Rạch Bà, Cửa Lấp và khơi thông kênh mương để nước nhanh chóng tiêu thoát; bổ sung các đoạn cống còn khuyết, các cửa xả để phát huy hiệu quả hệ thống thoát nước hiện hữu, các tuyến thoát nước chính; đồng thời tổ chức tháo dỡ các công trình xây dựng lấn chiếm, vật che chắn, cầu cống tạm dọc kênh thoát nước chính, xây dựng kè dọc 2 bên các tuyến kênh để tránh sạt lở, chống lấn chiếm..

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202012/vi-sao-tp-vung-tau-ngap-sau-khi-mua-lon-915792/