Vì sao TP Hồ Chí Minh xây dựng đô thị sáng tạo tại khu Đông?

Với chủ đề 'Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp', Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh 2018 lần đầu tổ chức nhằm nhằm giới thiệu với các nhà đầu tư về kế hoạch xây dựng khu Đông (bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) theo xu hướng đô thị sáng tạo, trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế Thành phố và khu vực phía Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc hội nghị.

Diễn đàn thu hút khoảng 600 chuyên gia, các nhà khoa học, trí thức, DN trong và ngoài nước tham dự, trao đổi, chia sẻ về các nội dung xoay quanh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng phát triển đô thị sáng tạo, chủ trương xây dựng khu vực phía Đông TP để thu hút đầu tư, vai trò của DN trong quá trình kiến tạo đô thị cùng giải pháp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN, khuyến khích DN khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, xây dựng TP thông minh, đô thị sáng tạo.

Giáo dục là lợi thế để khu Đông trở thành đô thị sáng tạo

Phát biểu khai mạc sự kiện, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đến vai trò của DN trong việc xây dựng Khu đô thị sáng tạo, cũng như các sáng kiến để kết nối giữa 4 nhà: Nhà nước - nhà DN - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính, trong việc nâng cao năng lực sáng tạo và hiệu quả đổi mới của DN. Đồng thời, góp phần huy động mọi nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là nguồn lực từ DN để cùng chung tay, góp sức đưa TP phát triển lên tầm cao mới.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, hòa chung dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TP đã triển khai Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025, trong đó điểm nhấn là xây dựng Khu đô thị sáng tạo tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trên nền tảng phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức. Khu đô thị sáng tạo này sẽ trở thành hạt nhân cốt lõi thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn và là nền tảng để triển khai Đề án đô thị thông minh trên toàn TP.

Để xây dựng thành công Khu đô thị sáng tạo, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, TP cần có sự gắn kết, tương tác giữa tứ giác của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm 4 nhà: Nhà nước - nhà DN - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính. Trong đó, DN vừa đóng vai trò trung tâm, vừa là động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo, DN phải năng cao nâng suất lao động, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, hàm lượng chất xám cao. DN còn là nơi đặt hàng, cung cấp nguồn nhân lực, tài chính và quan trọng hơn là nơi xuất phát và triển khai các ý tưởng khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ mới.

Khu Đông TP Hồ Chí Minh (gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) được thành phố tập trung nguồn lực xây dựng đô thị sáng tạo.

Đối với việc khu Đông TP được chọn làm điểm nhấn cho phát triển đô thị sáng tạo, theo Phó Chủ Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh - Lê Thanh Liêm: Vì đây là nơi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các DN với những sản phẩm mang hàm lượng khoa học - công nghệ cao; đồng thời, là môi trường làm việc, học tập, sinh sống thuận lợi của các chuyên gia, nhà khoa học và lực lượng lao động có trình độ và chất lượng.

Tại đây hiện có: Khu đại học Quốc gia với 18 đại học thành viên và Viện nghiên cứu; Khu công nghệ cao giai đoạn 1 và 2 khoảng 1.066ha với 13 tập đoàn, công ty lĩnh vực công nghệ cao; Trung tâm thương mại dịch vụ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 657ha; các Khu Công nghiệp và khu chế xuất gồm Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu.

Cũng theo ông Liêm, sau khi hình thành, Khu đô thị sáng tạo của TP sẽ kết nối chặt chẽ và phát huy hiệu quả 3 chức năng: Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ; trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao; trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao. Khu đô thị sáng tạo sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng (từ các khâu nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ) trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho DN.

"Chính quyền TP mong muốn khu đô thị sáng tạo sẽ đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thương mại khép kín, liên kết lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế...", ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.

Xây dựng đô thị sáng tạo cần một lộ trình, không phải là đích đến

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: Bản chất của khu đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Những kinh nghiệm triển khai của các nước cho thấy, khu đô thị sáng tạo luôn gắn với các đại học nghiên cứu đóng vai trò là nguồn cung các nhà cách tân và DN khởi nghiệp tiềm năng, chủ thể của hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp.

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh 2018.

"Cần xem việc xây dựng khu đô thị sáng tạo là một lộ trình chứ không phải là một đích đến cụ thể nào. Lộ trình xây dựng đô thị sáng tạo đòi hỏi một chiến lược toàn diện, dài hạn với các mục tiêu chiến lược như thương hiệu được cộng đồng quốc tế công nhận, hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, nơi hấp dẫn cho giới công nghệ sống và làm việc, phòng thí nghiệm cho các ý tưởng đổi mới cho cả TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Để hình thành một mạng lưới phát triển đòi hỏi một lộ trình tổng thể mang tính định hướng chiến lược bắt đầu bằng việc rà soát lại hiện trạng phát triển của khu vực đó", PGS. TS Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Theo PGS. TS Huỳnh Thành Đạt, lãnh đạo TP đã có chủ trương rà soát lại quy hoạch đô thị và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khu Đông, hướng tới thực hiện quy hoạch xây dựng khu đô thị sáng tạo ở khu vực này. Thông qua lộ trình tổng thể đó, TP Hồ Chí Minh có thể định hướng ưu tiên phát triển một số cùng ngành với hàm lượng chất lượng cao về khoa học kỹ thuật thân thiện với môi trường hay bổ sung thêm các kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghiên cứu, đã ở khu đông.

"Khi xây dựng đô thị sáng tạo vấn đề xung đột về đời sống và sinh kế giữa những lao động trung cấp, cao cấp với cộng đồn dân cư hiện hữu vẫn đang sinh sống xung quanh. Điều quan trọng đô thị sáng tạo gắn liền với chất lượng cuộc sống đô thị đi lên. Chứ không phải càng phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống, sự hài lòng của người dân về môi trường sống càng đi xuống", Ông Đạt lo ngại.

Đồng quan điểm với PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, ông Jay Wadhwani - Trưởng ban điều hành Mitsubishi Heavy Industries chia sẽ thêm rằng: Khu Đông TP Hồ Chí Minh đang đô thị hóa ở tốc độ chưa từng có, cùng với những thay đổi trong tiêu dùng đang giúp thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng. Trong quá trình phát triển cả khu vực công và khu vực tư, cần đảm bảo rằng sự tăng trưởng diễn ra một cách bền vững về mặt môi trường. Do đó, khi xây dựng đô thị sáng tạo cần đầu tư công nghệ hiện đại để tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí và sạch hơn, cũng như xây dựng hệ thống giao thông thông minh có thể tăng lưu lượng trong khi vẫn giảm thiểu ùn tắc và khí thải.

HUY CHƯƠNG

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vi-sao-tp-ho-chi-minh-xay-dung-do-thi-sang-tao-tai-khu-dong-330510.html