Vì sao TP.HCM xin tổ chức chính quyền đô thị không qua thí điểm?

TP.HCM từng có hơn 6 năm thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Kết thúc giai đoạn thí điểm, địa phương đã tổng kết và rút ra các bài học kinh nghiệm.

Chiều 26/10, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, sau đó thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh TP.HCM là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế.

Đây cũng là là đầu tàu, động lực, có sức thu hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.

Giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm ngân sách

Theo ông Lê Vĩnh Tân, trong quá trình phát triển, TP.HCM gặp những trở ngại, bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng. Một trong những nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở TP.HCM chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt.

 Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, một trong những nguyên nhân khiến TP.HCM chưa phát huy hết tiềm năng là mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đây chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt. Ảnh: Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, một trong những nguyên nhân khiến TP.HCM chưa phát huy hết tiềm năng là mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đây chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt. Ảnh: Quốc hội.

Thực tế này đặt ra yêu cầu về quản lý kinh tế, xã hội nhanh, đòi hỏi tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiện đại, có năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ.

Theo tờ trình của Chính phủ, từ năm 2009 đến 2016, TP.HCM đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở tất cả huyện, quận, phường.

Đánh giá tổng kết hơn 6 năm, TP.HCM nhận định việc thí điểm có nhiều kết quả tích cực như tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp, tiết kiệm ngân sách, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở…

Chính phủ cho rằng việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM phải gắn với đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính chủ động sáng tạo của chính quyền TP.HCM.

Tăng quyền cho Chủ tịch UBND TP

Lý giải về việc không thí điểm mà xin áp dụng mô hình chính quyền đô thị ngay, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết trước đây TP.HCM là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Kết thúc giai đoạn thí điểm, địa phương đã tổng kết việc thực hiện thí điểm và rút ra các bài học kinh nghiệm.

“Đây là một trong các cơ sở để Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM mà không thực hiện thí điểm”, ông Tân nhấn mạnh.

TP.HCM đề nghị được tổ chức chính quyền đô thị mà không qua thí điểm. Ảnh trụ sở UBND quận 2: Quỳnh Danh.

Dự thảo nghị quyết gồm 12 điều với một số điểm chính quy định tổ chức chính quyền địa phương cấp thành phố gồm UBND và HĐND. Tuy nhiên, ở cấp quận và cấp phường chỉ có UBND.

Dự thảo nghị quyết quy định điều chuyển các nhiệm vụ của HĐND quận, phường cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố, UBND quận, phường để bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho áp dụng xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2020 để ban hành ngay tại kỳ họp thứ 10.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết để quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thành phố.

Theo cơ quan thẩm tra, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM là vấn đề quan trọng và cấp bách, là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của thành phố.

“Dù Nghị quyết của Quốc hội cho phép TP.HCM thực hiện chính thức hay thí điểm, đều là cơ sở pháp lý cần thiết để thành phố có thể triển khai ngay mô hình chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ sắp tới”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Hải Quân.

Góp ý cho quy định về HĐND và nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố, cơ quan thẩm tra đánh giá dự thảo nghị quyết chưa đề ra được những giải pháp đổi mới thiết thực liên quan đến tổ chức cũng như phương thức hoạt động của HĐND thành phố trong bối cảnh thành phố không tổ chức HĐND ở tất cả quận, phường trực thuộc.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng đại diện của người dân và việc kiểm soát quyền lực đối với chính quyền ở quận, phường.

Về tên gọi của UBND quận, phường, dự thảo nghị quyết vẫn giữ tên gọi của cơ quan hành chính ở quận, phường không tổ chức HĐND là UBND. Nhưng theo ông Tùng, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị đổi tên gọi của UBND quận, phường thành Ủy ban hành chính.

Bên cạnh đó, một số ý kiến tán thành việc giữ tên gọi của cơ quan hành chính ở quận, phường là UBND để bảo đảm tính ổn định, không làm phát sinh thủ tục, chi phí liên quan đến việc thay đổi tên gọi.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-tphcm-xin-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-khong-qua-thi-diem-post1146125.html