Vì sao Tổng thống Trump 'buông' Syria?

Ngày 7/10, Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút quân đội Mỹ khỏi biên giới phía bắc Syria để thực hiện lời hứa chiến dịch rút khỏi 'cuộc chiến bất tận' ở Trung Đông. Vài giờ sau đó các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra.

Ông Trump tuyên bố quân đội Mỹ sẽ bước sang một bên cuộc tấn công dự kiến của Thổ Nhĩ Kỳ vào người Kurd. Ảnh: Reuters

Ông Trump tuyên bố quân đội Mỹ sẽ bước sang một bên cuộc tấn công dự kiến của Thổ Nhĩ Kỳ vào người Kurd. Ảnh: Reuters

Ông Trump tuyên bố quân đội Mỹ sẽ bước sang một bên cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào người Kurd, những người đã là đồng minh của Mỹ trong nhiều năm trong cuộc chiến với IS.

Về lý do rút quân đội Mỹ khỏi Syria, Tổng thống Mỹ viết trên Twitter hôm 7/10 cho biết: “Người Kurd đã chiến đấu cùng chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã trả quá nhiều tiền, và tiêu tốn quá nhiều khí tài vào việc đó. Họ đã đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ suốt nhiều thập kỉ. Và tôi đã ngăn chặn cuộc đối đầu này trong gần 3 năm. Đã đến lúc Mỹ phải thoát khỏi trận chiến vô lý kéo dài bất tận, và đưa binh sĩ trở về nhà”.

Đồng thời ông cho biết thêm, Mỹ đáng lẽ chỉ đóng quân tại Syria trong 30 ngày. Nhưng thực tế họ đã ở lại và ngày càng lún sâu vào cuộc chiến không có mục đích này.

Tổng thống Mỹ cho rằng, giờ là lúc Thổ Nhĩ Kỳ, Châu Âu, Syria, Iran, Iraq, Nga và người Kurd sẽ phải tìm cách giải quyết vấn đề, và quyết định xem họ muốn làm gì với các chiến binh IS bị bắt giữ.

Dù quyết định rút quân, nhưng Tổng thống Mỹ cũng đe dọa sẽ phá hủy nền kinh tế của người Thổ nếu họ đi quá xa.

“Nếu Thổ Nhĩ Kỳ làm gì mà tôi, bằng nhận thức của mình, nhận thấy là quá giới hạn, tôi sẽ hủy diệt và nghiền nát nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ (tôi đã làm điều này trước đây rồi)”, Tổng thống Mỹ viết trên Twitter. Theo Reuters, đây là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất mà ông dành cho một quốc gia vốn được coi là đồng minh của Mỹ.

Trong diễn biến mới nhất, sau vài giờ tuyên bố rút quân khỏi Syria của Mỹ, cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra. Ngay sau đó, Tổng thống Trump đã cho biết vẫn còn 50 lính Mỹ trong khu vực này. “Tôi không muốn họ phải chịu đau khổ hay thương vong, và tôi đã nói với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về việc này. Nếu họ bị tổn hại, sẽ có những vấn đề lớn", Tổng thống Mỹ nói.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trong cuộc tuần tra chung giữa hai nước ở miền bắc Syria, ngày 8/9/2019. Ảnh: Reuters

Các quan chức Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao cho biết không ủng hộ cuộc tấn công và đang thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ.

Ông Trump cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng ông đang đứng về phía Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong vấn đề về người Kurd. Ông nói, "Tôi không đứng về phía ai cả”.

Trump nói rằng ông chỉ đang cố gắng thực hiện một cam kết chiến dịch để đưa quân đội Mỹ về nước.

Nhưng các nhà phê bình của đảng Cộng hòa và những người khác nói rằng ông đang hy sinh một đồng minh của Mỹ và làm giảm uy tín của Mỹ.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của bang Nam Carolina gọi hành động của ông Trump là "bắn vào tay kẻ xấu".

Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi lực lượng người Kurd là những phần tử khủng bố. Nhưng lực lượng người Kurd lại là thành viên của Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) - đối tác của Mỹ trong chiến dịch tiêu diệt lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở khu vực miền bắc Syria.

Quyết định của Tổng thống Trump đi ngược lại quan điểm của Lầu Năm góc và Bộ Ngoại giao. Hộ vẫn muốn duy trì một lực lượng nhỏ ở đông bắc Syria để tiếp tục các chiến dịch chống IS, hoặc đóng vai trò đối trọng với Iran và Nga.

Những ảnh hưởng của cuộc rút quân tiếp tục gia tăng khi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tập trung gần biên giới với thành trì của người Kurd ở đông bắc Syria.

Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đánh dấu sự kết thúc của một thỏa thuận Mỹ-Thổ được thành lập vào tháng 8, cho phép quân đội của cả hai nước thực hiện các cuộc tuần tra chung trong một khu vực an toàn, dọc theo biên giới, ngăn cách các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã dần trở nên đổ vỡ, vì Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập các tiền đồn quân sự sâu hơn bên trong Syria và tái định cư những người tị nạn Syria không phải người Kurd ở khu vực an toàn được chỉ định. Những yêu cầu đó đã bị phản đối bởi SDF.

Người phát ngôn của SDF, Mustafa Bali, đã cáo buộc Mỹ rời khỏi khu vực để biến nơi này thành một khu vực chiến tranh, và nói thêm rằng SDF sẽ bảo vệ vùng đông bắc Syria bằng mọi giá.

An Nhi

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/vi-sao-tong-thong-trump-buong-syria-89633.html