Vì sao tổng doanh thu và lợi nhuận của Thế giới di động 'rủ nhau' đi xuống?

Kết quả kinh doanh tháng 8 của Thế giới di động (MWG) khá 'ảm đạm' khi cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều giảm so với tháng 7.

Theo báo cáo kinh doanh của Thế giới di động, 8 tháng đầu năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 68.855 tỷ đồng (tăng trưởng 17% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.697 tỷ đồng (tăng trưởng 37% so với cùng kỳ). Lũy kế 8 tháng, MWG đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 76% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

Hệ quả của thời kỳ thấp điểm

Như vậy, chỉ xét riêng trong tháng 8, doanh thu hợp nhất của Thế giới di động chỉ đạt 7.926 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2019. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế của công ty này cũng chỉ đạt 286 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2019 (thời điểm việc kinh doanh bị gián đoạn vì nghỉ tết).

Tháng qua, hãng bán lẻ điện thoại lớn nhất hiện nay tiếp tục "đóng cửa" 6 cửa hàng kinh doanh sản phẩm công nghệ

Tháng qua, hãng bán lẻ điện thoại lớn nhất hiện nay tiếp tục "đóng cửa" 6 cửa hàng kinh doanh sản phẩm công nghệ

Theo lý giải của Thế giới di động, theo chu kỳ kinh doanh, sức tiêu thụ điện thoại và điện máy có xu hướng chững lại trong quý 3 và sẽ tăng trưởng trở lại vào mùa lễ hội cuối năm. Trong đó, tháng 8 là thấp điểm nhất trong năm về cả doanh thu và lợi nhuận do đặc điểm thời tiết rơi vào mùa mưa bão và nhu cầu mua sắm của người dân thường giảm mạnh trong tháng 7 âm lịch.

Một chỉ số kinh doanh khá tích cực của Thế giới di động là biên lợi nhuận ròng trong tháng 8/2019 đã trở lại mức 3,6% (so với 3,1% của tháng 7/2019 và 3,05% của tháng 8/2019). Lợi nhuận của MWG giảm nhẹ trong tháng 8/2019 nếu so với tháng 7/2019 (290 tỷ đồng) nhưng lại tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận ròng lũy kế sau 8 tháng đầu năm của công ty này đang ở mức 3,9%. Sức tiêu thụ điện thoại và điện máy có xu hướng chững lại trong quý III và sẽ tăng trưởng trở lại vào cuối năm vì đây là mùa cao điểm mua sắm.

Tính đến cuối tháng 8, MWG có 2.621 cửa hàng, tăng 91 cửa hàng so với cuối tháng 7. Trong đó, chuỗi Điện Máy Xanh có thêm 21 cửa hàng do mở mới và chuyển đổi; chuỗi Bách Hóa Xanh phát triển thêm 66 điểm bán và nâng tổng số cửa hàng lên 725; chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ hiện đã có 10 cửa hàng thử nghiệm tại quận Gò Vấp, TP.HCM.

Tuy nhiên, con số này tiếp tục ghi nhận việc "đóng cửa" nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm công nghệ của công ty, khi số lượng điểm bán điện thoại di động tính đến cuối tháng 8 chỉ còn 1.000, trong khi cuối tháng 7 con số này là 1.006 điểm bán.

Mức biên tốt từ những mảng kinh doanh mới

Về những mảng kinh doanh mới, để phục vụ nhóm khách hàng quan tâm đến giá rẻ, MWG bắt đầu thử nghiệm chuỗi "Điện Thoại Siêu Rẻ" từ ngày 8/8/2019. Các cửa hàng Điện thoại siêu rẻ có diện tích từ 15-20m2, được tối ưu hóa về chi phí vận hành để mang đến cho khách hàng các sản phẩm chính hãng với giá cả hấp dẫn (trung bình thấp hơn khoảng 10% so với cửa hàng TGDĐ) cho các sản phẩm có mức giá từ 8 triệu trở xuống.

Đổi lại, khách hàng sẽ không được hưởng các dịch vụ hậu mãi như tại TGDĐ. Cụ thể là, cửa hàng Điện thoại siêu rẻ không hỗ trợ đổi trả và các sản phẩm bán ra nếu có phát sinh lỗi kỹ thuật, khách hàng sẽ phải tự đi bảo hành tại các trung tâm bảo hành của hãng.

Tính đến hết ngày 31/8/2019, MWG có 85 cửa hàng kinh doanh đồng hồ (so với 42 cửa hàng cuối tháng 7). Công ty khởi động kinh doanh mặt hàng đồng hồ thời trang từ tháng 3/2019 với sản lượng tiêu thụ ban đầu chỉ vài trăm chiếc. Lũy kế sau 6 tháng, đã có hơn 100 ngàn sản phẩm đồng hồ các loại được bán ra tại cửa hàng TGDĐ và ĐMX, đóng góp hơn 250 tỷ đồng doanh thu cho MWG. Công ty dự kiến nâng tổng số cửa hàng kinh doanh đồng hồ lên khoảng 200 vào cuối năm nay.

Mặt khác, trong kỳ đã có gần 18 triệu sản phẩm gia dụng và dụng cụ nhà bếp được bán ra tại các cửa hàng ĐMX và đóng góp cho MWG hơn 5.100 tỷ đồng doanh thu. Trung bình mỗi tháng nhóm này đóng góp khoảng 650 tỷ đồng, tương đương với hơn 7% doanh thu của cả Công ty. Mặc dù giá trị mỗi sản phẩm không cao nhưng những sản phẩm này đang mang lại biên lợi nhuận tốt cho MWG.

Về chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX), với 725 cửa hàng tại thời điểm 31/8/2019, chuỗi BHX đạt tổng doanh thu là 6.120 tỷ đồng lũy kế 8 tháng đầu năm, tăng 158% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt xấp xỉ 1,5 tỷ đồng/tháng (tính cho các cửa hàng khai trương trước ngày 1/8/2019).

Trong tháng 8, BHX đã tiến ra khu vực Nam Trung Bộ với cửa hàng đầu tiên tại Bình Thuận. Chuỗi có 322 cửa hàng tại 15 tỉnh khu vực Nam Bộ ngoài Tp.HCM (chiếm 44% tổng số cửa hàng BHX). Tính theo loại cửa hàng, BHX có 125 cửa hàng lớn 300m2, chiếm khoảng 17% số cửa hàng toàn chuỗi.

Sau thời gian thử nghiệm các giải pháp mới nhằm kiểm soát hiệu quả tỷ lệ hao hụt - hủy hàng - mất mát, BHX đã ghi nhận kết quả khá tích cực khi giảm được tỷ lệ này từ mức 3% (trung bình 7 tháng đầu năm) xuống còn 2,5% (tháng 8/2019).

Chuỗi đã phục vụ gần 11,5 triệu lượt khách hàng và bán ra gần 11.000 tấn sản phẩm tươi sống trong tháng 8/2019. Hàng tươi sống, hàng mát và đông lạnh đang chiếm khoảng 50% doanh thu của BHX.

BHX duy trì tiến độ mở rộng nhanh chóng với 87 mặt bằng được ký trong tháng 8, bao gồm mặt bằng tại các tỉnh mới như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang.

Nha Trang

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/vi-sao-tong-doanh-thu-va-loi-nhuan-cua-the-gioi-di-dong-ru-nhau-di-xuong-158315.html