Vì sao tốc độ sụt lún tại TP.HCM ngày càng cao?

Tình trạng sụt lún tại TP.HCM đã và đang rơi vào tình trạng báo động. Theo khảo sát 48 thành phố ven biển lớn trên thế giới, TP.HCM của Việt Nam đứng đầu danh sách, với tốc độ lún trung bình 16,2 mm/năm.

Theo nghiên cứu của Đại học công nghệ Nanyang của Singapore (NTU), các thành phố ven biển khu vực Nam và Đông Nam Á đang lún nhanh hơn các nơi khác trên thế giới. Điều này sẽ khiến hàng chục triệu người dễ bị tổn thương hơn liên quan tình trạng mực nước biển dâng cao.

Theo đó, quá trình đô thị hóa nhanh khiến các thành phố ven biển ở khu vực Nam và Đông Nam Á sử dụng nhiều nước ngầm để phục vụ dân số tăng nhanh. Đây chính là nguyên nhân làm các thành phố đang bị lún nhanh ở ven biển đối mặt với nguy cơ lớn hơn những mối đe dọa vốn đã hiện diện liên quan mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu đưa ra số liệu vệ tinh khảo sát 48 thành phố ven biển lớn trên thế giới, trong đó TP.HCM của Việt Nam đứng đầu danh sách, với tốc độ lún trung bình 16,2 mm/năm. Cảng Chittagong miền Nam Bangladesh đứng thứ 2 cùng với thành phố Ahmedabad của Ấn Độ, thủ đô Jakarta của Indonesia và trung tâm thương mại Yangon của Myanmar đang lún với tốc độ hơn 20 mm trong những năm kỷ lục.

Đáng chú ý, tình trạng sụt lún tại TP.HCM đã và đang rơi vào tình trạng báo động. Nhiều con đường, ngõ hẻm tại TP.HCM sụt lún nghiêm trọng, các công trình bị "nhấc bổng" khỏi nền đất, có nguy cơ gây mất an toàn cho người dân trong khu vực và tình trạng ngập nước thường xuyên.

 Tình trạng sụt lún tại TP.HCM ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn cho người dân trong khu vực và tình trạng ngập nước thường xuyên.

Tình trạng sụt lún tại TP.HCM ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn cho người dân trong khu vực và tình trạng ngập nước thường xuyên.

Nền đất tại TP.HCM bị sụt lún trung bình khoảng 2-5cm mỗi năm, có nơi đến 7-8cm. Theo các chuyên gia, nếu không có các giải pháp quyết liệt, tình trạng TP.HCM “chìm” dần dưới mực nước biển không còn là viễn cảnh xa vời.

Trao đổi về vấn đề này, theo PGS.TS Lê Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa bản đồ TP.HCM, từ vài điểm nhỏ trên địa bàn bị biến dạng sụt lún, sau hơn 20 năm tình trạng lún mặt đất đã lan rộng khắp TP.HCM. Cụ thể, 20 năm trước, biến dạng lún xuất hiện lần đầu tại một vùng nhỏ thuộc quận 6 và Bình Thạnh. Vài năm sau lan ra các quận 7, 8, 9, 11, 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.

Giai đoạn 2002-2010, nền đất TP.HCM không phát triển nhiều vùng lún mới nhưng độ lún tăng nhanh tại Bình Thạnh, TP.Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh với giá trị cao nhất lên đến 309mm. Từ năm 2011 đến nay, khu vực trung tâm thành phố tương đối ổn định, vùng lún chủ yếu xuất hiện tại Nhà Bè, Bình Chánh.

Trước đó, kết quả khảo sát của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) mới đây cho thấy, tình trạng sụt lún nền đất ở TP.HCM diễn ra liên tục từ năm 1990 đến nay, với độ lún tích lũy đến nay ước tính khoảng 100cm. Tốc độ lún hiện nay khoảng 2-5cm mỗi năm.

Trước tình trạng đó, JICA khuyến cáo, sụt lún được coi là vấn đề nghiêm trọng hơn, cần phải xem xét các giải pháp ứng phó ngay để kiểm soát tình trạng sụt lún nền tại TP.HCM. Các giải pháp ứng phó này cần được thực hiện trong thời gian dài và cần thực hiện chuyển giao công nghệ.

Cũng theo JICA, một trong những kế hoạch hàng đầu liên quan đến sụt lún nền đất ở TP.HCM là kế hoạch kiểm soát khai thác nước ngầm quá mức, được coi là một trong những nguyên nhân gây sụt lún nền. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ở TP.HCM, lượng nước ngầm khai thác bình quân hàng ngày để sử dụng cho công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, và các mục đích sử dụng khác là hơn 577.000 m3/ngày, gồm cả lượng nước khai thác từ các giếng chưa đăng ký.

Các chuyên gia cho rằng, nước ngầm bị khai thác quá mức sẽ làm thay đổi kết cấu mặt đất, gây sụt lún. Với hơn 60% diện tích của TP.HCM có địa hình thấp (dưới 2m) - thấp hơn đỉnh triều ghi nhận được 1,7m (năm 2017). Vì vậy, tình trạng lún mặt đất không chỉ làm ngập nặng nề thêm mà còn làm hư hỏng các công trình hạ tầng khác.

“Ước tính, đến năm 2070 mực nước biển tăng lên 50cm. Nếu không có giải pháp quản lý kịp thời, lún mặt đất kết hợp với sự dâng cao của mực nước biển sẽ tạo ra áp lực rất lớn đến chương trình điều hành thoát nước và chống ngập của thành phố”, PGS.TS Lê Văn Trung cảnh báo.

GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường cũng cho biết, tình trạng sụt lún của TP.HCM đã được chỉ ra từ lâu, vấn đề là không phải nơi nào cũng sụt lún và mức độ sụt lún khác nhau.

Nền đất TP.HCM yếu nhưng lại phải tải một khối lượng lớn công trình xây dựng, đường sá, nhà cao tầng, chung cư, các công trình xây dựng ồ ạt, dai dẳng khiến tình trạng sụt lún càng nghiêm trọng.

"Trong quy hoạch lẽ ra phải thuận theo quy luật tự nhiên mà làm, đằng này lại đi ngược. Thay vì phải mở ra nhiều đô thị vệ tinh thì người ta lại ồ ạt xây nhà cao tầng. Đô thị được phát triển mạnh ở cả những vùng trũng, thấp phía Đông Nam thành phố. Như khu vực quận 7, Nhà Bè càng đi về phía Cần Giờ thì địa chất càng yếu và dễ xuất hiện các đứt gãy trong lòng đất nhưng mức độ đô thị hóa ngày càng tăng", vị chuyên gia dẫn chứng và cho rằng không phải các nhà quy hoạch, thiết kế xây dựng không biết địa chất của TP.HCM ra sao, trái lại họ biết mà vẫn làm bởi lợi nhuận cao, xây thêm 1 tầng thì lợi nhuận kiếm được tốt hơn nhiều so với việc mở ra đô thị vệ tinh.

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), đến năm 2050 sẽ có hơn 1 tỷ người sống ở các thành phố ven biển có nguy cơ nước biển dâng cao. IPCC cũng cho biết mực nước biển toàn cầu có thể dâng thêm tới 60 cm vào cuối thể kỷ 21 cho dù lượng khí thải nhà kính giảm mạnh.

Ngoài ra, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam (DWRPIS) cũng dẫn các số liệu nghiên cứu cho thấy, độ lún tích lũy từ 2005 đến 2017 của TP.HCM là 23 cm, nơi nhiều nhất lún 81 cm (phường An Lạc, quận Bình Tân); độ lún bình quân hàng năm là 2 cm, có nơi 6 cm. 10 địa phương lún nhiều nhất là quận 2, 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân, và Thủ Đức. Bình Tân và quận 12 sụt lún nền lớn nhất.

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/vi-sao-toc-do-sut-lun-tai-tphcm-ngay-cang-cao-71538.html