Vì sao tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không đạt kế hoạch?

Kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa (CPH) năm 2018 ít nhất là 85 doanh nghiệp (DN), nhưng cho đến nay mới chỉ có 11 DN thực hiện, đáng chú ý có hai thành phố lớn, đầu tàu kinh tế của cả nước, chiếm tới 55% kế hoạch nhưng cho đến thời điểm này, chưa thực hiện CPH được DN nào…

Đây là tình trạng bết bát của công tác CPH DNNN được Bộ Tài chính thông tin tại cuộc họp báo chiều 19-11.

Tốc độ cổ phần hóa giật lùi

Theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 CPH 127 DN, riêng năm 2018 phải CPH ít nhất 85 DN, trong đó có 21 DN chuyển từ năm 2017 sang. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy tốc độ CPH DNNN đang theo chiều hướng năm sau chậm hơn năm trước.

Cụ thể, năm 2016 đã cổ phần hóa 66 DN. Năm 2017 đã CPH hóa 69 DN. 11 tháng năm 2018 đã CPH 11 DN (trong đó có 2 DN thuộc danh sách năm 2017 và chưa có DN nào thuộc danh sách 2018). Kế hoạch CPH giai đoạn 2017-2020 đến nay mới CPH được 26/127 DN trong kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đạt 20,4%. Những đơn vị thực hiện tích cực, đã hoàn thành kế hoạch đặt ra là tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Kạn và Đài Truyền hình Việt Nam

“Tiến độ triển khai CPH trong 9 tháng đầu năm 2018 còn chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trước Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận định.

Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh theo kế hoạch phải thực hiện CPH 39 DN, chiếm 44% tổng số DN phải thực hiện CPH năm 2018; đến nay chưa triển khai được đơn vị nào. Tương tự, TP Hà Nội phải thực hiện CPH 14 DN (kế hoạch năm 2018 là 11 DN và 3 DN thuộc kế hoạch năm 2017 chuyển sang), chiếm 16% tổng số DN phải thực hiện CPH năm 2018; đến nay chưa triển khai được đơn vị nào.

Ngoài ra, theo quyết định thì năm 2017 có 135 DN, năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017 có 13 đơn vị; 9 tháng đầu năm 2018 có 18 đơn vị). Và dĩ nhiên, câu kết luận của đại diện Bộ Tài chính vẫn là “việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra”.

Có thể chỉ ra các đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn năm 2017 với số lượng DN và giá trị lớn như Bộ Công Thương phải thoái vốn tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam với tổng giá trị thoái khoảng 7.000 tỷ đồng; Bộ Y tế phải thoái vốn tại Tổng Công ty Dược Việt Nam với giá trị phải thoái trong năm 2017 là khoảng 829 tỷ đồng; Bộ Xây dựng phải thoái vốn tại 8 DN với tổng giá trị phải thoái trong năm 2017 là khoảng 2.400 tỷ đồng...

CPH DNNN chậm tiến độ đề ra.

Nguyên nhân từ bản thân DNNN

Trong nhiều nguyên nhân được Bộ Tài chính chỉ ra để tìm lý do cho việc chậm tiến độ thoái vốn CPH, bên cạnh nguyên nhân khách quan như diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị, thương mại của khu vực và thế giới thì nguyên nhân chủ quan đầu tiên vẫn là tự bản thân các DNNN chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

“Đáng chú ý, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước”, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Ngoài ra, một số DNNN chậm sửa đổi bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên nhiên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị DN để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đấy là chưa kể quá trình CPH DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH làm kéo dài thời gian thực hiện. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH; hay tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án CPH DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc CPH...

Có doanh nghiệp sau cổ phần vẫn thua lỗ

Tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN sau khi thực hiện CPH có nhiều thay đổi. Bên cạnh những DN tổng tài sản tăng, lợi nhuận tăng thì vẫn có DN phát sinh lỗ. Cụ thể, có 35 DN với tổng số lỗ phát sinh là 844 tỷ đồng; tổng số phát sinh phải nộp NSNN đạt 47.297 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016.

Trong đó, một số DN CPH có số lỗ phát sinh lớn như Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh lỗ phát sinh 70 tỷ đồng; Tổng Công ty LICOGI lỗ phát sinh 59 tỷ đồng...

Như vậy có thể thấy, vẫn còn tồn tại một số DN cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 79 tỷ đồng); Công ty CP XNK Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng)...

B.K.

Hà An

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/vi-sao-toc-do-co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-khong-dat-ke-hoach-520819/