Vì sao TNGT ở nông thôn tăng trong dịp Tết?

TNGT trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua tiếp tục được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí, nhưng lại có sự dịch chuyển từ khu vực đô thị sang khu vực nông thôn. Vậy, đâu là nguyên nhân của sự dịch chuyển này?

Những nguyên nhân gia tăng tai nạn

Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa qua ghi nhận tín hiệu rất đáng mừng khi TNGT tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí so với dịp Tết Đinh Dậu 2017, góp phần giúp niềm vui xuân mới được trọn vẹn cho mỗi người dân.

Tuy nhiên trong dịp Tết, TNGT ở khu vực nông thôn lại trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết bởi đây là dịp nghỉ dài nhất trong năm nên người dân học tập, sinh sống tại các thành phố lớn, các khu vực đô thị đổ dồn về quê đón Tết, từ đó tình hình TTATGT tại khu vực này trở nên rất phức tạp.

Điều đáng nói, lượng học sinh, sinh viên, người trẻ tuổi thường có tâm lý “xả hơi” khi về quê đón Tết, tham gia các lễ hội. Khi mang tâm lý “xả hơi” thì sẽ đi kèm với các hành vi bất chấp các quy định pháp luật như: Lái xe sau khi uống rượu, bia; không đội mũ bảo hiểm; phóng nhanh vượt ẩu; tụ tập, lạng lách đánh võng…

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã chỉ rõ thực trạng bất cập trong việc đảm bảo TTATGT tại các vùng nông thôn hiện nay là lực lượng chức năng rất mỏng trong khi mật độ phương tiện lại gia tăng đột biến, đặc biệt là những người thực thi công vụ còn quan niệm nể nang, ngại xử phạt trong những ngày đầu năm sẽ mang đến “vận xui” cho người vi phạm.

“Tâm lý “xả hơi” của người dân, lực lượng chức năng mỏng cộng với quan niệm nể nang, ngại xử phạt là 3 hiểm họa có thể gây ra TNGT tại các vùng nông thôn trong dịp Tết”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông và lực lượng chức năng, ông Khuất Việt Hùng cũng cho rằng hạ tầng giao thông nông thôn tuy được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ tiêu chuẩn, đây cũng là nguyên nhân khiến TNGT ở các vùng nông thôn tăng cao. Đồng thời, với sự gia tăng phương tiện trong dịp Tết, môi trường giao thông không an toàn tạo ra cái “lạ” cho người tham gia giao thông.

Mặt khác, việc “cứng hóa” đường nông thôn với những con đường bê tông đã giúp đời sống và kinh tế của người dân được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, hầu hết những con đường này đều thiếu tiêu chuẩn đồng bộ như biển báo, vạch kẻ, tiêu chuẩn đường cong, biển cảnh báo nguy hiểm, hộ lan, từ đó có thể thấy môi trường giao thông khu vực nông thôn hiện không an toàn.

“Ngày thường khi tham gia giao thông tại các tuyến đường đô thị có tiêu chuẩn rất tốt, thói quen phản xạ, dự báo nguy cơ của người điều khiển phương tiện tốt hơn, quen thuộc hơn. Khi trở về quê, tuy vẫn là những con đường quen thuộc, nhưng vì là ngày Tết nên hoạt động giao thông biến đổi do mật độ phương tiện đông, nhiều nguy cơ rủi ro hơn thì họ sẽ bị “lạ”, dẫn đến nguy cơ tai nạn là rất cao”, ông Hùng nhìn nhận.

Tìm “thuốc” đặc trị

Theo ông Khuất Việt Hùng, “liều thuốc” đặc trị những TNGT tại khu vực nông thôn trong những kỳ nghỉ Tết tiếp theo là phải cải thiện môi trường giao thông nông thôn, kể cả là đường làng, ngõ xóm. Đây là việc quan trọng hàng đầu và nằm trong tầm tay, nhân dân và Nhà nước cùng làm.

Ví dụ như việc trồng những hàng cây mềm dọc hai bên đường thay cho hộ lan, giúp giảm thiểu thương vong sau va chạm; các đường cong khuất tầm nhìn cần đặt những gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm như một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình người dân đã tự làm; chiếu sáng những điểm cong, khúc cua…

Cùng với đó, lực lượng CSGT các huyện, tỉnh cần quan tâm và tăng cường hỗ trợ cho lực lượng Công an xã trong những ngày nghỉ Tết, ngày diễn ra lễ hội tại địa phương nhằm tăng cường hiệu lực xử lý vi phạm một cách khách quan, tránh trường hợp Công an xã cả nể người thân quen, người trong dòng họ mà bỏ qua vi phạm.

Mặt khác, TNGT liên quan đến rượu, bia trong dịp Tết vẫn còn ở mức báo động bởi quan niệm sử dụng rượu, bia trong ngày Tết như một tập tục. Mặc dù công tác tuyên truyền về tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông thực hiện rất rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, rất nhiều thông điệp được truyền tải hiệu quả đến người dân nhưng TNGT liên quan đến rượu bia trong dịp Tết vẫn gia tăng. Trên cơ sở đó, công tác tuyên truyền cần phải được nâng cao hiệu quả hơn nữa ở các vùng nông thôn. Trong đó, ngay từ trước và trong Tết, cả hệ thống chính trị tại địa phương, các tổ chức chính trị xã hội phải tích cực tuyên truyền liên tục đến người dân, đồng thời huy động sự tham gia của các dòng họ, những người có uy tín trong thôn, làng tích cực nhắc nhở con, cháu mình không được vi phạm pháp luật giao thông đường bộ khi đi lễ, Tết, liên hoan…

Đặc biệt, một giải pháp rất cần được nghiên cứu và triển khai đó là huy động sự vào cuộc tích cực của đội ngũ thanh niên tình nguyện địa phương. Đoàn Thanh niên địa phương cần nghiên cứu các kế hoạch hành động thiết thực nhằm hỗ trợ người tham gia giao thông di chuyển an toàn trong dịp Tết vì lợi ích cộng đồng. Một số địa phương đã triển khai thí điểm mô hình này rất tốt và cần được nhân rộng

V. Thành - T. Dương

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/vi-sao-tngt-o-nong-thon-tang-trong-dip-tet-d57934.html