Vì sao tình hình Nagorno-Karabakh nóng lại lúc này?

Ngày 27-3, Nga và Azerbaijan đã có sự tranh cãi gay gắt liên quan khu vực Nagorno-Karabakh, nơi mà sự tranh chấp âm ỉ giữa Armenia và Azerbaijan đã bùng phát thành cuộc chiến kéo dài 6 tuần trong năm 2020, theo hãng tin Reuters.

Nga tố Azerbaijan vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, đưa quân vào Nagorno-Karabakh

Ngày 26-3, Bộ Quốc phòng Nga lên tiếng lo ngại về dấu hiệu gia tăng căng thẳng ở Nagorno-Karabakh, cảnh báo có sự vi phạm thỏa thuận ngừng bắn năm 2020 do Tổng thống Nga Vladimir Putin làm trung gian, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.

Bộ Quốc phòng Nga tố Azerbaijan đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn khi cho quân tiến vào khu vực do lực lượng gìn giữ hòa bình Nga kiểm soát gần làng Farrukh.

"Các lực lượng vũ trang của Azerbaijan từ ngày 24-3 đến ngày 25-3 đã tiến vào khu vực lực lượng gìn giữ hòa bình Nga chịu trách nhiệm ở Nagorno-Karabakh, vi phạm các quy định trong tuyên bố ba bên của các nhà lãnh đạo Nga, Azerbaijan và Armenia ngày 9-11-2020” - Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.

Binh sĩ Azerbaijan (giữa) và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại một chốt kiểm soát ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh, ngày 27-11-2020. Ảnh: AP

Binh sĩ Azerbaijan (giữa) và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại một chốt kiểm soát ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh, ngày 27-11-2020. Ảnh: AP

Bộ Quốc phòng Nga cũng cáo buộc quân đội Azerbaijan sử dụng máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất để tấn công quân Karabakh.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, quân Azerbaijan đã triển khai nhiều máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất tấn công quân đội Karabakh gần làng Farukh (còn được gọi là Parukh).

Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ "quan ngại cực độ" trước những căng thẳng gia tăng trong khu vực. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi tất cả các bên "thực hiện kiềm chế và đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận ba bên hiện có".

Nga kêu gọi Azerbaijan rút quân, đồng thời cho biết "Bộ chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang tiến hành các biện pháp để giải quyết tình hình".

Theo AFP, những tháng gần đây thường xuyên xảy ra xung đột giữa các lực lượng vũ trang Azerbaijan và Armenia, nhưng ngày 26-3 là lần lên tiếng đầu tiên của Nga kể từ khi có thỏa thuận ngừng bắn năm 2020.

Ngày 26-3, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã thảo luận về tình hình với nhà lãnh đạo Armenia Nikol Pashinyan hai lần – trong hai ngày 24-3 và 25-3.

Armenia tố Azerbaijan giết lính Nagorno-Karabakh

Lực lượng an ninh Nagorno-Karabakh cho biết có 3 lính của mình thiệt mạng và 14 lính bị thương do trúng không kích từ máy bay không người lái của Azerbaijan. Sự việc xảy ra ngày 25-3.

Armenia cáo buộc lực lượng Azerbaijan đã “pháo kích liên tục vào các khu định cư và cơ sở hạ tầng dân sự của người Armenia".

Armenia cảnh báo về một "thảm họa nhân đạo" có thể xảy ra ở Karabakh sau khi nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực tranh chấp bị cắt. Armenia cáo buộc Azerbaijan cố tình để dân Armenia ở Nagorno-Karabakh thiếu khí đốt, một cáo buộc mà Bộ Ngoại giao Azerbaijan bác bỏ là "vô căn cứ".

Ngày 25-3 Armenia kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn các nỗ lực nhằm "gây bất ổn tình hình ở Nam Caucasus".

"Chúng tôi cũng mong đợi lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nagorno-Karabakh sẽ thực hiện các bước cụ thể, rõ ràng để giải quyết tình hình và ngăn chặn thương vong và hành động thù địch mới" – theo Bộ Ngoại giao Armenia.

Azerbaijan phản pháo

Phía Nga nói Azerbaijan đã rút binh sĩ vào ngày 27-3. Tuy nhiên, thông tin với trang News.az, Bộ Quốc phòng Azerbaijan khẳng định rằng “không có sự thay đổi nào về các vị trí của quân đội Azeri trong làng Farrukh”, đồng thời lưu ý rằng đây là “một phần lãnh thổ có chủ quyền của đất nước chúng tôi”.

"Thông tin về việc rút các đơn vị của quân đội Azerbaijan khỏi các vị trí đó không phản ánh sự thật. Quân đội của chúng tôi hoàn toàn kiểm soát được tình hình hoạt động" - Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc rằng các lực lượng Armenia đang pháo kích vào các vị trí của Azerbaijan dọc theo đường liên lạc ở Karabakh.

Vì sao tình hình Nagorno-Karabakh lại nóng lúc này?

Ngày 9-11-2020, Armenia, Azerbaijan và Nga ký kết tuyên bố ba bên vốn được kỳ vọng sẽ chấm dứt các hành động thù địch, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga trong giai đoạn đầu 5 năm và cố định các lợi ích lãnh thổ của Azerbaijan. Tuy nhiên, tuyên bố không giải quyết được vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột Karabakh - tình trạng cuối cùng của Nagorno-Karabakh, theo báo Armenia Weekly.

Hai tuyên bố ba bên bổ sung được ký kết tại Moscow vào ngày 11-1-2021 và ngày 26-11-2021 không đụng chạm đến vấn đề hiện trạng và tập trung vào việc khôi phục thông tin liên lạc và bắt đầu quá trình phân định biên giới Armenia-Azerbaijan.

Tuyên bố ngày 22-2-2022 giữa Nga-Azerbaijan về quan hệ đồng minh được coi là một bước đi của Nga nhằm thúc đẩy quan hệ với Azerbaijan và cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ ở nước này.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukraine bắt đầu ngày 24-2, và theo Armenia Weekly, từ ngày 22-2 giới lãnh đạo Nga đã biết rằng chiến tranh sẽ bắt đầu sau hai ngày nữa, do đó việc ký kết quan hệ đồng minh với Azerbaijan dường như là một chính sách của Nga nhằm đảm bảo sự ổn định ở Nam Caucasus, trong khi Nga sẽ tập trung sự chú ý vào cuộc đối đầu lâu dài sắp tới với Mỹ và phương Tây.

Và theo Armenia Weekly, sau tuyên bố đó, phía Azerbaijan đã bắt đầu leo thang hành động ở Karabakh. Lực lượng Azerbaijan bắt đầu tấn công một số ngôi làng, sử dụng đến súng trường tự động và lần đầu tiên kể từ tháng 11-2020 sử dụng cả súng cối. Azerbaijan cũng sử dụng chiến thuật gây áp lực tâm lý bằng cách bật loa phóng thanh với các văn bản bằng tiếng Armenia yêu cầu người dân từ một số ngôi làng rời khỏi vùng đất này. Ngày 8-3, đường ống dẫn khí đốt duy nhất trên phần lãnh thổ do Azerbaijan kiểm soát cung cấp khí đốt từ Armenia đến Karabakh đã bị hư hỏng không rõ nguyên nhân.

Nhiều khu vực ở Nagorno-Karabakh bị mất khí đốt sưởi ấm. Ảnh: OC MEDIA

Theo Armenia Weekly, sự thay đổi hành vi này của Azerbaijan có lẽ liên quan đến sự cân bằng mong manh trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sau ngày 24-2. Thổ Nhĩ Kỳ là nước ủng hộ Azerbaijan trong xung đột với Armenia ở Karabakh đồng thời cũng là nước NATO duy nhất không tham gia các lệnh trừng phạt chống lại Nga và cho đến nay vẫn giữ thái độ trung lập tích cực đối với Nga.

Bất kỳ sự cố nào giữa lực lượng gìn giữ hòa bình Nga và binh sĩ Azerbaijan ở Karabakh sẽ tác động đến quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Nói cách khác, Nga hiện bị hạn chế hơn trong hành động ở Karabakh.

Azerbaijan biết điều này và sẽ tiếp tục cẩn thận bước đi trong vòng vây gia tăng áp lực đối với người Armenia ở Karabakh trong khi không vượt qua ranh giới đỏ của Nga - không đụng đến lực lượng gìn giữ hòa bình Nga. Tuy nhiên trong bối cảnh giao tranh thì khó loại trừ nguy cơ này, nếu điều này xảy ra không có nghĩa Nga sẽ không phản ứng, và khi đó tình hình sẽ phức tạp hơn.

Lãnh thổ Nagorno-Karabakh tranh chấp giữa Azerbaijan và Armenia. Nagorno-Karabakh vốn là một Khu vực tự trị của CHXHCN Azerbaijan thuộc Liên Xô, với đa số dân thuộc sắc tộc Armenia.

Lực lượng ly khai thuộc sắc dân Armenia ở Nagorno-Karabakh đã ly khai khỏi Azerbaijan khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, và cuộc xung đột sau đó đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người.

Từ khi chiến tranh Nagorno-Karabakh kết thúc năm 1994, Azerbaijan và Armenia đã bắt đầu đàm phán hòa bình giải quyết tình trạng tranh chấp.

Năm 2020 xảy ra giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia ở khu vực này. Lực lượng Azerbaijan đánh bật lực lượng của người Armenia ra khỏi nhiều khu vực ở Nagorno-Karabakh. Giao tranh dừng sau 6 tuần, từ một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian. Nga đã triển khai 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình đến khu vực.

Hơn 5.500 binh sĩ đã thiệt mạng trong 6 tuần giao tranh này, với kết quả là Azerbaijan thắng thế ở một số khu vực xung quanh Nagorno-Karabakh vốn nằm dưới quyền kiểm soát của Armenian từ sau khi kết thúc cuộc chiến ly khai năm 1994.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/vi-sao-tinh-hinh-nagornokarabakh-nong-lai-luc-nay-1050987.html