Vì sao tín dụng đen ngang nhiên hoành hành?

Rất nhiều trường hợp tan cửa, nát nhà vì hình thức vay tín dụng đen, tuy nhiên hiện tượng này không những không giảm mà có dấu hiệu gia tăng.

Khó vay ngân hàng, chuyển sang tín dụng đen

Trước đây, việc cho vay tín chấp, cho vay tiêu dùng chỉ tồn tại dưới dạng “chui” và không được Nhà nước công nhận, việc cho vay này được thực hiện bởi một số cá nhân hoặc tổ chức phi ngân hàng và quảng cáo thông qua phương thức truyền miệng thì hiện nay, hình thức cho vay này đã được công nhận và nhiều ngân hàng thương mại triển khai.

Tuy nhiên, được công nhận và triển khai trên thực tế là hai chuyện khác nhau, khách hàng tiềm năng vẫn khó tiếp cận được nguồn vay khi vướng phải những khâu thủ tục giấy tờ pháp lý mà ngân hàng đòi hỏi.

Nhân viên tín dụng tại các ngân hàng cũng tư vấn cho khách đến các ngân hàng khác có cho vay tín chấp hoặc tư vấn đến vay tại những nơi cho vay “có quen biết”. Nhiều trường hợp khách hàng vì tin tưởng “chỗ có quen biết” mà nhân viên ngân hàng dắt đến đã dẫn đến hệ lụy rất lớn.

Bác N., gần 70 tuổi sống tại TP.HCM do vay vốn một ngân hàng O. số tiền 100 triệu đến hạn trả nhưng không thanh toán được. Để “chữa cháy” tạm thời, vì không còn ngân hàng nào đồng ý cho bác N. vay theo dạng tín chấp, nhân viên ngân hàng O. “môi giới” bác N. gặp một người phụ nữ cho vay dưới dạng giấy ủy quyền. Tin tưởng nhân viên ngân hàng mà sau đó bác N. bị lừa mất nhà.

Đó là trường hợp bác N. có tài sản để thế chấp, một số trường hợp làm công việc tự do nên mỗi khi có nhu cầu vay vốn thì không thể chứng minh được thu nhập cho ngân hàng, anh Đình (làm nhiếp ảnh gia tự do tại quận 1) chia sẻ: “Tôi làm nhiếp ảnh tự do, thu nhập một tháng cũng hơn 15-20 triệu thế nhưng, vì là tự do nên không có đơn vị nào chứng nhận mức thu nhập ấy. Mỗi khi muốn vay tiền ngân hàng lại bị vướng nhiều thứ nên cũng không muốn vay tín chấp tại ngân hàng”.

Khó khăn khi vay vốn ngân hàng khiến tín dụng đen mọc lên như nấm sau mưa, thực chất hình thức này dựa trên nhu cầu chính đáng của con người. Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo, cho vay với mức "cắt cổ" thường xuyên diễn ra, vấn đề cần nói tới là làm thế nào để có thể quản lý được "tín dụng đen"?

Quy định mơ hồ, các "trùm" đối phó

Theo một luật sư tại Hà Nội, trong các quy định hiện hành không có chế tài xử lý và hướng dẫn cụ thể về hành vi có tính bóc lột, lừa đảo khiến tình trạng vỡ nợ thường xuyên xảy ra. "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay...".

Căn cứ vào khoản 1 điều 468 này của Bộ luật dân sự năm 2015 thì mức lãi suất lên đến 20%/tháng mà gia đình trên phải trả cho khoản vay của mình là gấp hơn 11 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định!

Vậy chủ nợ đó có bị xử lý hành vi cho vay lãi nặng hay vẫn nhởn nhơ như nhiều chủ nợ khác đã, đang cho vay "cắt cổ" với mức lãi suất xấp xỉ, thậm chí là cao hơn thế nữa?

Điều 163 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội cho vay lãi nặng như sau: "Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm...".

Như vậy, không phải cứ cho vay với lãi suất cao từ 10 lần trở lên là có dấu hiệu phạm tội, mà người đó còn phải "có tính chất chuyên bóc lột".

Điều đáng nói là dấu hiệu "có tính chất chuyên bóc lột" lại không có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Qua thực tiễn xét xử, dấu hiệu này được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay.

Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Chính từ đòi hỏi đầy định tính như thế của điều luật mà không có nhiều người cho vay lãi nặng bị xử tội.

Ngay từ đầu, nhiều "trùm" cho vay lãi nặng đã chủ động đối phó với các cơ quan công an bằng cách mở cơ sở kinh doanh, buôn bán để thể hiện mình có thu nhập khác chứ không phải chỉ sống nhờ vào tiền lãi.

Đồng thời, đa số việc cho vay mượn đều được các "trùm" thỏa thuận miệng, nếu có giấy tờ thì cũng chỉ ghi số tiền vay chứ không ghi lãi suất. Với chiêu này, nếu không sợ giang hồ "xử" để mạnh dạn đi thưa thì người vay cũng không có đủ chứng cứ tố giác.

Thanh Phong(t/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/vi-sao-tin-dung-den-ngang-nhien-hoanh-hanh-a210457.html