Vì sao tỉ lệ người cao tuổi phạm tội gia tăng ở Nhật Bản?

SCMP trích thông tin của cảnh sát cho biết, tỉ lệ tội phạm ở phụ nữ lớn tuổi Nhật Bản tiếp tục tăng, mặc dù tổng tỷ lệ tội phạm ở nước này hiện ở mức thấp nhất trong 17 năm.

Theo đó, những người từ 65 tuổi trở lên chiếm 1/4 tổng dân số Nhật Bản. Theo các chuyên gia, không chỉ do nghèo đói có thể đẩy họ đến hành động phạm pháp mà còn cả các vấn đề tâm lý, ví dụ như cảm giác cô đơn hoặc buồn chán.

Một báo cáo thường niên do Bộ Tư pháp Nhật Bản cho hay, tổng số vụ bắt giữ ở nước này trong vòng 17 năm qua tiếp tục giảm, năm ngoái, các vụ bắt giữ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 192.607 vụ và có 748.559 tội phạm được báo cáo, mức thấp nhất kể từ năm 1945.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại về thực tế là làn sóng tội phạm vẫn chưa giảm ở Nhật Bản. Hiện tượng này đã được ghi nhận ở nhiều nước phát triển, bao gồm cả châu Âu cách đây 10 năm, và đồng nghĩa với việc số lượng các hành vi trái pháp luật của người lớn tuổi ngày càng gia tăng.

Vì sao tỉ lệ tội phạm người cao tuổi gia tăng ở Nhật Bản? (Ảnh: Reuters)

Vì sao tỉ lệ tội phạm người cao tuổi gia tăng ở Nhật Bản? (Ảnh: Reuters)

Theo thống kê mới nhất khiến các nhà chức trách lo lắng, vì nó chứng minh rõ ràng sự gia tăng của tội phạm người cao tuổi. Hầu hết trong số họ là phụ nữ lớn tuổi và họ thường tái phạm nhiều lần.

“Các vụ trộm cắp chiếm chưa đến một nửa số vụ phạm tội được ghi nhận, tuy nhiên, 70% tội phạm các vụ này là người 70 tuổi trở lên. Trong số 42.463 người cao tuổi bị bắt, 1/3 là phụ nữ từ 65 tuổi trở lên, cứ 10 người bị bắt thì 9 người do tội trộm cắp”, SCMP viết.

Theo ông Shinichi Ishizuka, giáo sư luật và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học tại Đại học Ryukoku, một số yếu tố là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số lượng tội phạm người cao tuổi.

“Một tỷ lệ đáng kể các tội này là do những người cao tuổi có vợ hoặc chồng đã mất, con cái đã dọn đi và lập gia đình riêng và họ không có thời gian thường xuyên về thăm cha mẹ đang bắt đầu chịu cảnh cô đơn. Nói một cách đơn giản, họ từng có cuộc sống bận rộn và mãn nguyện, nhưng đột nhiên họ không còn gì để khiến bản thân bận rộn. Họ bị cô lập, họ thường bị trầm cảm, và đối với một số người, trộm cắp là một cách để thu hút sự chú ý”, ông Ishizuka giải thích.

Theo thống kê do Bộ Tư pháp công bố, 48,8% người bị bắt là tái phạm tội. Nhưng tất nhiên, trong số những người cao tuổi cũng có những người buộc phải ăn trộm để có ít nhất một số tiền mua thực phẩm và sống sót qua ngày. Hơn nữa, theo SCMP, trong tương lai gần, tình hình có thể còn tồi tệ hơn nữa, khi đại dịch vẫn tiếp tục, có tác động tiêu cực đến tình hình thị trường lao động.

“Kết quả là những người cao tuổi trước đây đã làm công việc bán thời gian để nhận thêm ít nhất một khoản tiền tiêu vặt ngoài số lương hưu ít ỏi, nhận thấy rằng ngay cả trong số những công việc được trả lương thấp thực tế cũng không có vị trí nào dành cho họ”, SCMP nhận định.

Ngoài ra, ở Nhật Bản hơn 25% tổng dân số 126 triệu người là người từ 65 tuổi trở lên và theo dự báo, vào năm 2050 tỉ lệ người cao tuổi sẽ chiếm 1/3. Về vấn đề này, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã quyết định khởi động một dự án nghiên cứu đặc biệt nhằm giúp hiểu rõ hơn về nguyên nhân của các vấn đề và ngăn chặn làn sóng tội phạm người cao tuổi trong tương lai.

Trong khi đó, sở cảnh sát ở những khu vực của Nhật Bản, nơi có số lượng lớn tội phạm do người cao tuổi gây ra đã được lập bảng câu hỏi đặc biệt để phỏng vấn tội phạm. Tuy nhiên, SCMP ghi nhận, cho đến nay chính phủ nước này vẫn chưa tổ chức bất kỳ chiến dịch toàn diện nào nhằm giải quyết vấn đề này.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/vi-sao-ti-le-nguoi-cao-tuoi-pham-toi-gia-tang-o-nhat-ban-270818.html