Vì sao thủ đô Moscow (Nga) không bao giờ được đảng Bolshevik đổi tên?

Sau khi Lenin qua đời, lãnh tụ Liên Xô Stalin đã đẩy mạnh phong trào đặt lại tên cho các thành phố, thị trấn... Riêng Moscow không hề bị đổi tên.

Sau khi lãnh tụ Liên Xô Lenin qua đời, thành phố Saint Petersburg được đổi tên thành Leningrad (nghĩa là thành phố Lenin). Một thời gian ngắn sau đó, một số thành phố khác cũng được đặt lại tên theo các lãnh đạo nổi tiếng của phong trào cách mạng Bolshevik. Tuy nhiêu thành phố Moscow (Moskva) lại không hề đổi tên!

Mọi chuyện bắt đầu từ việc dời thủ đô từ Petrograd sang Moscow. Sau Cách mạng tháng Mười, trước khi Saint Petersburg trở thành Leningrad, thành phố này đã mất vị thế là thủ đô của nước Nga. Saint Petersburg mang cái tên Petrograd trong một thời gian ngắn từ năm 1914-1924.

Hình ảnh thành phố Moscow và các lãnh tụ Liên Xô Lenin và Stalin. Ảnh: Getty, RBTH.

Hình ảnh thành phố Moscow và các lãnh tụ Liên Xô Lenin và Stalin. Ảnh: Getty, RBTH.

Dời đô

Có vài lý do dẫn tới động thái này.

Thứ nhất, các cựu công chức của chế độ Sa hoàng chính quyền cách mạng Bolshevik. Trong các thể chế dân sự ở Petrograd – Ngân hàng Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Điện tín Trung ương, và các cơ quan khác, giới công chức hoặc không thèm đến làm việc, hoặc tiêu hủy tài liệu, hoặc đơn giản là tự nhốt mình trong văn phòng. Trong bối cảnh các nhân viên văn phòng ngăn các cơ quan hoạt động đúng chức năng, đảng Bolshevik không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc lập ra các trụ sở nhà nước mới ở Moscow.

Thứ hai, có một số lượng lớn người dân chống Bolshevik, cùng với binh sĩ của quân đội đế quốc Nga đồn trú ở Petrograd. Họ tổ chức các vụ khiêu khích, tấn công người Bolshevik và những ai ủng hộ phe này, vạch ra các âm mưu, và tổ chức các cuộc tấn công khủng bố. Chỉ bằng việc phong tỏa thành phố này và cắt đứt các nguồn cung ứng thực phẩm thì đảng mới có thể buộc những người ủng hộ chế độ quân chủ đầu hàng.

Rõ ràng chính quyền Xô viết không thể hoạt động hiệu quả trong các điều kiện như thế này.

Thứ ba, và đây có lẽ là nhân tố quan trọng nhất: Thế chiến thứ 1 vẫn đang diễn ra vào năm 1918. Sau khi Phần Lan được tuyên bố độc lập vào ngày 6/12/1917, biên giới quốc gia chỉ nằm cách Petrograd 35km. Vào cuối tháng 2 năm đó, quân đội Đức đã rất gần thủ đô Nga, đến mức mà vào ngày 2/3, Đức bắt đầu oanh tạc được Petrograd bằng pháo tầm xa. Vào ngày 10/3, một chuyến tàu bí mật chở Vladimir Lenin và các lãnh đạo cấp cao khác của đảng Bolshevik rời Petrograd đi Moscow.

Vào ngày 12/3, quá trình di dời thủ đô hoàn thành. Vào ngày 14/3, Đại hội Xô viết lần thứ 4 đã chính thức hóa việc này.

Nhưng vẫn còn đó câu hỏi: Sao thủ đô Moscow không bao giờ bị đổi tên?

Phong trào đổi tên

Trong đời mình, Lenin kiên quyết phản đối việc đặt tên bất cứ thành phố, thị xã, con phố nào theo tên ông. Sau khi Lenin qua đời, người vợ góa của ông là bà Nadezhda Krupskaya đã nhắc lại trong vô số dịp rằng không ưa thích ý tưởng đặt lại tên đó nhưng tiếng nói của bà không được lắng nghe.

Vào ngày 26/1/1924, chỉ 5 ngày sau khi Lenin qua đời, Đại hội Xô viết thứ 2 của Liên Xô đã đổi tên Petrograd thành Leningrad, viện dẫn lý do là “các hoạt động cách mạng của Vladimir Lenin ban đầu phát triển ở Petrograd”.

Lãnh tụ Joseph Stalin đã đẩy con sốt đổi tên này lên cao. Thị trấn Donetsk được đổi tên thành Stalino vào năm 1924. Một năm sau, vào năm 1925, Tsaritsyn (ngày nay là Volgograd) được đổi tên thành Stalingrad. Trong khi đó, Dushanbe (thủ phủ của Cộng hòa Tadzhikistan) đã trở thành Stalinabad vào năm 1929. Và Novokuznetsk, ở Siberia, trở thành Stalinsk vào năm 1932. Danh sách cứ thế kéo dài...

Các thành phố lớn và quan trọng khác của Nga cũng được đặt cho tên của các thủ lĩnh Bolshevik nổi bật. Năm 1924, Yekaterinburg trở thành Sverdlovsk để tưởng nhớ Yakov Sverdlov (1885-1919). Năm 1931, thị trấn Tver được đổi tên thành Kalinin theo tên của Mikhail Kalinin (1875-1946). Năm 1932, Nizhny Novgorod được đặt lại tên thành Gorky, theo tên của nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa Maxim Gorky (1868-1936), người sinh ra ở nơi này. Bản thân Maxim Gorky cực lực phản đối quyết định đổi tên này và cấm gia đình và bạn bè sử dụng tên mới của thành phố.

Năm 1935, Samara trở thành Kuibyshev, để ghi nhớ ông Valerian Kuibyshev (1888-1935), và Stavropol trở thành Voroshilovsk để tri ân tư lệnh quân sự Kliment Voroshilov (1888-1969). Một lần nữa, danh sách cứ thế mở rộng...

Bằng việc thực hiện chiến dịch đổi tên như thế này, lãnh tụ Stalin mong muốn xóa bỏ các địa danh của Đế chế Nga, thay thế chúng bằng tên Xô viết và do đó tạo ra một thực tế mới Xô viết. Tuy nhiên, đối với Moscow thì Stalin đã nhiều lần cương quyết phản đối bất cứ nỗ lực nào đặt lại tên.

Các đề xuất đổi tên Moscow

Lần đầu tiên ý tưởng này xuất hiện vào năm 1927. Khoảng 200 công chức Bolshevik thỉnh nguyện đặt tên Moscow thành Ilyich (tên cha của Vladimir Lenin), với lý do họ viết là “Lenin sáng lập ra nước Nga tự do”.

Stalin từ chối đề xuất trên. Ông nêu lý do là 2 thành phố lớn đặt tên theo Lenin sẽ là quá nhiều (Petrograd trước đó đã được đổi tên thành Leningrad).

Nỗ lực đổi tên thứ hai xuất hiện vào năm 1938 và được đề xuất bởi Nikolay Ezhov (1895-1940), khi đó là Dân ủy Nội vụ.

Để lấy lòng Stalin, Ezhov chỉ đạo cấp dưới tạo một dự án đổi tên Moscow thành Stalinodar (nghĩa là “món quà của Stalin”).

Nhưng Ezhov không tính đến chuyện ghét việc nịnh bợ thẳng thừng. Stalin coi ý tưởng đó là “ngớ ngẩn”.

Sau Thế chiến 2 có thêm một chiến dịch đổi tên nữa nhằm vào Moscow nhưng Stalin lại tiếp tục từ chối. Sau khi Stalin chết, một số cựu trợ lý của ông này lại tiếp tục cố gắng đổi tên Moscow theo tên ông nhưng nỗ lực này không mang lại kết quả do lúc đó Liên Xô có chính sách phi Stalin hóa.

Có vô số thành phố, thị trấn được đặt tên theo Stalin và vô số tượng đài Stalin được dựng lên ở nhiều nơi trên lãnh thổ Liên Xô. Tuy nhiên Stalin vẫn không muốn Moscow đổi tên theo tên ông và ông cực lực phản đối điều đó. Stalin cũng bác bỏ ý tưởng đổi tên Đại học Quốc gia Moscow theo trường mang tên ông.

Theo Trung Hiếu/VOV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/vi-sao-thu-do-moscow-nga-khong-bao-gio-duoc-dang-bolshevik-doi-ten/20200907104418610