Vì sao Thổ gắn bó với Iran bất chấp CAATSA của Mỹ?

Năm 2017, Tehran là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Ankara, với 11,5 triệu tấn trên tổng lượng nhập khẩu gần 26 triệu tấn, đứng trên cả Iraq, Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách né CAATSA của Mỹ

Nhà máy lọc dầu hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ Tupras hiện đang đàm phán với các quan chức Mỹ để có được sự chấp thuận cho phép họ tiếp tục mua dầu của Iran, sau khi Washington khôi phục các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng với Tehran vào tháng 11 tới.

Hoa Kỳ đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với ngành dầu lửa của Iran, sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc khác vào đầu năm nay (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện - JCPOA).

Ngoài ra, Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ áp đặt Đạo luật “Chống những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt” (gọi tắt là CAATSA), đối với những nước không chịu tuân thủ các chế tài của Mỹ nhằm đưa ngành xuất khẩu dầu mỏ của Iran “trở về mức 0”.

Đạo luật CAATSA được Tổng thống Donald Trump thông qua vào đầu tháng 8-2017 nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia có quan hệ kinh tế, quân sự với các đối thủ cứng đầu của Mỹ như Nga hay Iran…

Tuy nhiên, Washington cũng đang xem xét miễn trừ CAATSA cho một số đồng minh đang phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Iran.

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO giống như Mỹ nhưng nước này phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình và nước láng giềng Iran là một trong những nguồn cung cấp dầu chính của nó vì sự gần gũi về mặt địa lý, hạ tầng vận chuyển có sẵn, cùng với chất lượng của dầu thô và chênh lệch giá thuận lợi.

Kể từ khi Mỹ tuyên bố cấm vận dầu mỏ với Iran sau khi rút khỏi JCPOA hỗi cuối tháng 5 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực cắt giảm các giao dịch mua dầu mở Iran trước các lệnh cấm vận của Mỹ, nhưng vẫn muốn giữ lại một số mức nhập khẩu dầu nhất định của Iran trong tháng 11, bởi họ không thể tìm được nguồn cung thay thế một cách nhanh chóng, với giá cả rẻ như của Iran.

Một nguồn tin công nghiệp quen thuộc với vấn đề này cho biết, Ankara muốn có thể tiếp tục nhập khẩu 3-4 lần mỗi tháng, giống như họ đã làm trong những đợt cấm vận Iran trước đó.

Giả sử nếu Mỹ vẫn yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải dừng lại, họ sẽ buộc phải tìm cách khác để đạt được điều đó.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách né CAATSA, sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA và trừng phạt dầu mỏ Iran

Trước thông tin đồn thổi của giới truyền thông, phát ngôn viên của Tupras không đưa ra bình luận gì, còn Bộ Năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng từ chối trả lời các câu hỏi có liên quan.

Iran: Nhà cung cấp dầu số 1 của Thổ Nhĩ Kỳ

Hồi đầu tuần này, ông Brian Hook, đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ về Iran, đã không đưa ra bình luận trực tiếp về bất kỳ cuộc đàm phán nào về việc miễn trừ với Thổ Nhĩ Kỳ; nhưng ông nói với các phóng viên rằng, nước nào tìm kiếm việc giải trừ các biện pháp trừng phạt thì phải "giải thích hoàn cảnh cụ thể và bất khả kháng của họ".

Hook cho biết, những cuộc đối thoại này là riêng rẽ và cá biệt với từng nước, nhưng Bộ Ngoại giao đang "cố gắng đáp ứng các mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ và cũng có tính đến nhu cầu của các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trên toàn thế giới.

Khi được hỏi liệu Washington có đang đàm phán với Ankara để loại bỏ các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ hay không, một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Bộ năng lượng Mỹ đã sẵn sàng làm việc với các nước đang giảm nhập khẩu dầu của Iran trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.

Bắt đầu từ tháng 5 năm nay, các nhà máy lọc dầu trên toàn thế giới đang chịu áp lực phải giảm lượng mua dầu của Iran vì họ muốn duy trì quyền truy cập vào hệ thống tài chính của Mỹ, điều chắc chắn họ sẽ bị mất vì CAATSA, nếu vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran.

Ví dụ như các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ cũng cắt giảm nhập khẩu dầu của Iran vào tháng trước trong một dấu hiệu mà họ đang chuẩn bị cho “tháng 11 đen tối” và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đứng trước lựa chọn khó khăn để vãn nhập khẩu được dầu mà lại tránh được CAATSA của Mỹ.

Trong năm 2017, Iran là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ với 11,5 triệu tấn, chiếm gần một nửa tổng lượng nhập khẩu dầu thô của nước này (gần 26 triệu tấn), đứng trên cả Iraq và Nga.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vi-sao-tho-gan-bo-voi-iran-bat-chap-caatsa-cua-my-3367595/