Vì sao thế giới khó dứt bỏ than đá?

Hoạt động đốt than đá trên toàn cầu đang giải phóng lượng khí thải CO2 khổng lồ, thủ phạm chính gây hiệu ứng nhà kính, làm nóng dần trái đất dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và các thiên tai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế và đời sống con người.

Một mỏ than lộ thiên ở ngoại ô TP. Burdwan, bang Tây Bengal, Ấn Độ. Ảnh: NY Times

Bất chấp những cam kết và những lời kêu gọi hạn chế sử dụng than trên toàn cầu, thế giới vẫn chưa thể dứt bỏ được than vì đây là nguồn nhiên liệu có sản lượng dồi dào, chi phí rẻ để sản xuất điện ở các nước châu Á và các nỗ lực bảo vệ việc làm trong ngành công nghiệp than đóng vai trò quan trọng để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri ở nhiều nước phương Tây

Giới khoa học cảnh báo hậu quả của biến đổi khí hậu

Tờ New York Times cho biết các nhà khoa học nhiều lần cảnh báo về các mối nguy hiểm chực chờ do khí thải CO2 từ hoạt động đốt than. Gần đây nhất, hôm 23-11, một báo cáo khoa học của 13 cơ quan chính phủ Mỹ cảnh báo thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên đến mức 10% GDP của nền kinh tế Mỹ vào cuối thế kỷ này nếu như Washington và cộng đồng quốc tế không có những bước đi quan trọng để kiểm soát hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Một báo cáo công bố hồi tháng 10 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cho rằng để tránh nguy cơ bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế thế giới cần phải được chuyển đổi căn cơ trong một vài năm tới. Trọng tâm của cuộc chuyển đổi này là phải dứt bỏ than càng nhanh càng tốt.

Song ba năm sau khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết tại Paris (Pháp) trong đó yêu cầu các nước thành viên phải đặt ra các mục tiêu nhằm giảm nhẹ hiện tượng nóng lên toàn cầu, than vẫn chưa có dấu hiệu biến mất dần trong đời sống kinh tế hàng ngày.Dù các hoạt động sử dụng than được dự báo dần suy giảm trên toàn cầu nhưng tốc độ giảm hiện nay vẫn chưa đủ nhanh để tránh các hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Năm ngoái, trên thực tế, sản xuất và tiêu thụ than toàn cầu đã nhích lên sau hai năm suy giảm.

Là một trong những nhiên liệu có chi phí rẻ, sản lượng dồi dào, mặc dù gây ô nhiễm nhất nhưng than vẫn là nguồn năng lượng lớn nhất để sản xuất điện trên toàn thế giới dù các năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời ngày càng rẻ hơn. Tuy nhiên, các dự án năng lượng tái tạo có những hạn chế. Dòng chảy năng lượng điện gió và điện mặt trời chỉ xuất hiện khi có gió thổi và mặt trời chiếu sáng.

Ồ ạt phát triển nhiệt điện than ở châu Á

Một nhà máy nhiêt điện than ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Là nơi cư ngụ của một nửa dân số thế giới, hiện nay, châu Á tiêu thụ ¾ sản lượng than toàn cầu. Châu lục này cũng chiếm hơn ¾ nhà máy nhiệt điện than đang được xây dựng hoặc đang được lên kế hoạch xây dựng, tức khoảng 1.200 nhà máy, theo Urgewald, một tổ chức phi chính phủ vận động bảo vệ môi trường ở Đức.

Heffa Schücking, người sáng lập kiêm giám đốc Urgewald, gọi những nhà máy nhiệt điện than này là “một đòn tấn công” vào các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Indonesia đang khai thác thêm nhiều than. Nhật Bản cũng đang hồi phục các nhà máy nhiệt điện than sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I do thảm họa kép sóng thần động đất vào năm 2011. Trung Quốc là cường quốc tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Quốc gia này tiêu thụ hơn 50% sản lượng than toàn cầu. Hơn 4,3 triệu người Trung Quốc đang làm việc tại các mỏ than. Kể từ năm 2002 đến nay, Trung Quốc đã đóng góp thêm 40% công suất than của thế giới. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng khiến công luận phẫn nộ, Trung Quốc giờ đây đang giảm tốc độ xây dựng các dự án nhiệt điện than.

Song một phân tích của tổ chức Coal Swarm (Mỹ) kết luận rằng các nhà máy nhiệt điện than mới vẫn tiếp tục được xây dựng ở Trung Quốc và các dự án khác chỉ bị tạm trì hoãn chứ không phải bị đình chỉ hoàn toàn. Tiêu thụ than của Trung Quốc tăng lên trong năm 2017 dù tốc độ chậm hơn trước đây và dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2018.

Ngành công nghiệp than của Trung Quốc giờ đây sốt sắng tìm kiếm các thị trường mới từ Kenya cho đến Pakistan. Các công ty Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở 17 nước, theo Urgewald. Tại Nhật Bản, gần 60% các dự án than của nước này được phát triển bởi các công ty Nhật Bản ở nước ngoài và hầu hết được các ngân hàng Nhật Bản tài trợ vốn vay.

Than đóng góp 58% tổng tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ, cao hơn dầu thô (28%) và khí đốt (7%). Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Ajay Bhalla cho biết các nhà máy nhiệt điện than với công suất tổng cộng khoảng 50 GW đang được xây dựng ở Ấn Độ. Con số này nhỏ so với công suất nhiệt điện than được lên kế hoạch phát triển cách đây một thập kỷ khi nhu cầu năng lượng Ấn Độ được dự báo tăng vọt. Nhiều nhà máy nhiệt than đang được xây dựng để thay thế các nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ cũ. Ông Ajay Bhalla dự báo nhu cầu than của Ấn Độ sẽ chưa thể giảm cho đến khi có cách thức hữu hiệu và chi phí rẻ để trữ năng lượng điện gió và điện mặt trời.

Than gắn liền với chính trị ở nhiều nước phương Tây

Đối với công chúng, hình ảnh công nhân mỏ than từ lâu là một biểu tượng của sức mạnh ngành công nghiệp. Hình ảnh đó nằm ở vị trí trung tâm trên sân khấu chính trị của nhiều nước phương Tây. Cử tri ở các vùng sản xuất than ở Đức đã tiếp sức mạnh cho đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD). Chính phủ cánh hữu Ba Lan cũng đã cam kết mở thêm nhiều mỏ than mới. Thủ tướng Úc Scott Morrison vươn lên cầm quyền nhờ ủng hộ ngành công nghiệp than.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết khôi phục việc làm trong ngành khai thác than trong quá trình vận động tranh cử và gần đây, ông đã chỉ đạo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ rút lại các quy định yêu cầu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các nhà máy nhiệt điện than. Song tương lai của ngành công nghiệp than của nước Mỹ không có nhiều hứa hẹn vì có nhiều nguồn nhiên liệu rẻ hơn than bao gồm khí đốt đang đóng góp 31% tổng sản lượng điện ở Mỹ, ngang bằng với mức đóng góp của than.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282242/vi-sao-the-gioi-kho-dut-bo-than-da.html