Vì sao Thế Giới Di Động cần 'kẻ ngoại đạo'?

Vì sao Thế Giới Di Động lại đề cử ông Đào Thế Vinh - Chủ tịch kiêm TGĐ của CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng - làm thành viên HĐQT độc lập của Công ty này?

HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố dự thảo ĐHĐCĐ dự kiến tổ chức vào ngày 22/3, trong đó, MWG đề cử ông Đào Thế Vinh - Chủ tịch kiêm TGĐ của CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng - làm thành viên HĐQT độc lập của Công ty.

"Ông Vinh không làm việc cho công ty và không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết", đại diện Thế Giới Di Động cho biết khi đề xuất ông Đào Thế Vinh vào HĐQT. Vậy tại sao nhân vật này lại được đề cử làm thành viên HĐQT độc lập của Thế Giới Di Động?

Cùng được xúc tác từ “luồng gió ngoại”

Công ty TNHH Thế Giới Di Động thành lập vào tháng 03/2004, là nhà bán lẻ số 1 Việt Nam về doanh thu và lợi nhuận, với mạng lưới hơn 2000 cửa hàng trên toàn quốc. MWG vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh (bao gồm chuỗi Trần Anh), Bách Hóa Xanh, cùng trang thương mại điện tử Vuivui.com.

Còn Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) được thành lập từ năm 2005 và được xem đi đầu trong việc áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng ăn tại Việt Nam với nhiều thương hiệu như Kichi-Kichi, Sumo BBQ, Gogi house... Golden Gate hiện sở hữu 20 thương hiệu cùng 190 nhà hàng đa phong cách trên toàn quốc và vẫn đang không ngừng mở rộng.

Ít ai biết rằng, cả 2 đều được Mekong Capital đầu tư từ sớm, ngay khi quỹ này xuất hiện ở Việt Nam.

Thế Giới Di Động được Mekong Capital đầu tư năm 2007. Khi thoái vốn khỏi công ty này năm 2018, Tổng giám đốc Mekong Capital cho biết khoản đầu tư vào Thế Giới Di Động là một trong những khoản đầu tư thành công nhất trong lịch sử đầu tư cổ phần tư nhân của châu Á, vượt ra ngoài phạm vi Việt Nam.

Một năm sau khi đầu tư vào Thế Giới Di Động, Mekong Capital rót 2,6 triệu USD vào Cổng Vàng. Từ 5 nhà hàng tại thời điểm Mekong Capital đầu tư, Cổng Vàng có 67 nhà hàng với 11 thương hiệu sau 5 năm, trong đó có các thương hiệu được biết đến nhiều như đề cập ở trên. Ông Đào Thế Vinh chính là một trong 3 người sáng lập nên Cổng Vàng, khi ông xấp xỉ 30 tuổi.

Chris Freund, nhà đầu tư người Mỹ, quản lý quỹ Mekong Capital có thể sẽ không ngờ rằng, những “cậu trai non nớt” như Thế Giới Di Động hoặc Golden Gate sau hơn 10 năm được đầu tư đã tạo nên những chuỗi kinh doanh dẫn đầu thị trường lúc này. Hiện tại, Thế Giới Di Động đã niêm yết, nghiễm nhiên trở thành công ty có tốc độ tăng trưởng cao nhất về doanh thu và lợi nhuận trong số gần 1.000 mã cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Còn Golden Gate thì đang tiếp tục tham vọng giữ vững vị trí “bá chủ” mảng kinh doanh nhà hàng ở đất nước hơn 90 triệu dân này.

Ông chủ của Cổng Vàng có thể dễ dàng kiểm soát đến từng chi tiết nhỏ nhất, từ đĩa rau đến miếng thịt, trên hàng ngàn thực đơn được đặt, thông qua cái gọi là “R-Keeper 7”, một công cụ quản lý nhà hàng quốc tế của Dcorp R-Keeper đang được các thương hiệu danh tiếng như KFC, Pizza Hut, Taco Bell, Burger King hay Subway triển khai.

Còn ông chủ của Thế Giới Di Động cũng từng khoe rằng, ông có thể ngồi bất cứ nơi đâu, thậm chí chưa kịp ghé qua các cửa hàng mới mở, mà vẫn có thể quan sát rõ nét sự vận hành và hiệu quả kinh doanh trên từng điểm bán, chỉ với những công cụ quản lý đồng bộ theo chuẩn quốc tế tương tự R-Keeper 7.

“Tôi khá ngạc nhiên khi Golden Gate là một trong số ít công ty tư nhân Việt Nam có tư duy quản trị hiện đại và sẵn sàng tiếp nhận giải pháp quản lý nhà hàng cao cấp nhất thế giới”, ông James Dương Nguyễn, Tổng giám đốc Dcorp R-Keeper Việt Nam nói. Cách áp dụng theo những chuẩn mực quốc tế có tiền lệ thành công rõ ràng đang giúp cho Golden Gate tạo nền tảng tốt để mở rộng chuỗi kinh doanh của họ.

Cùng đi lên từ “những đại dương xanh”

Nhưng, câu chuyện về sức vươn lên của Golden Gate trong gần 15 năm qua còn đến từ nhiều yếu tố.

Trước hết là câu chuyện sáng kiến về một nhà hàng hấp dẫn và gia vị thêm vào đó là vận may của 3 người chủ Golden Gate. Giai đoạn những năm 2000, Golden Gate, cũng như ICP (thương hiệu dầu gội cho nam X-men) hay Thế Giới Di Động đều đi lên từ những đại dương xanh (chỉ một thị trường mới khám phá, ít hoặc không có người tham gia) và đều có đòn bẩy vốn từ quỹ đầu tư.

Ông chủ của các công ty này phần lớn đều kinh qua công việc trong các tập đoàn đa quốc gia, sau đó khởi nghiệp. Thực chất, đó là thời kỳ của rất nhiều “đại dương xanh” được khai phá trong lĩnh vực nhà hàng, như các chuỗi thức ăn nhanh của KFC, Lotteria, các nhà hàng sushi Nhật và đồ nướng Hàn Quốc, chuỗi chuyên Phở 24, chuỗi chuyên các món cuốn Wrap & Roll, chuỗi các nhà hàng thuộc hệ thống Nhà hàng Hoàng Yến, chuỗi chuyên món Khơ-me cách điệu Con gà trống của Việt Nam… Đó cũng là thời kỳ bùng nổ tất yếu của nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp khi thị trường chứng khoán và nhà đất vàng son.

“Kẻ ngoại đạo” giúp gì cho Thế Giới Di Động?

Cùng thành lập trong những năm 2000, cùng được nhận đầu tư từ quỹ ngoại, cùng đón đầu làn sóng tiêu dùng mới và tạo ra những quy chuẩn mạnh mẽ trong ngành nghề của hai công ty, Thế Giới Di Động và Cổng Vàng rõ ràng có nhiều điểm chung, nhiều giá trị cốt lõi giống nhau.

Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư đầu năm Kỷ Hợi, Ban lãnh đạo CTCP Đầu tư thế giới di động (MWG) định hướng năm 2019, hoạt động bán lẻ sản phẩm điện thoại, điện máy vẫn sẽ đóng góp doanh thu và lợi nhuận chủ yếu cho Công ty. Cùng với đó, chuỗi Bách hóa xanh kỳ vọng góp lãi trong năm này.

Như vậy, rất có thể, kinh nghiệm thực tế trong ngành F&B (Food and Beverage Service - ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống) của ông Vinh sẽ có ích trong việc góp ý định hướng cho chuỗi FMCG (Fast-Moving Consumer Goods - ngành công nghiệp Hàng tiêu dùng nhanh) này của Thế Giới Di Động.

Về lý thuyết quản trị, là thành viên độc lập trong HĐQT, ông Vinh được kỳ vọng sẽ đưa ra những ý kiến độc lập, không bị tác động bởi lợi ích của nhóm cổ đông lớn. Việc này sẽ giúp hướng phát triển sắp tới của Thế giới di động sẽ cân bằng hơn, khi được nghe quan điểm của “kẻ ngoại đạo”.

Vài nét về ông Đào Thế Vinh

Ông Đào Thế Vinh sinh năm 1972, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Đào Thế Vinh ở lại Nga và tham gia nhiều hoạt động kinh doanh. Năm 2003, ông Vinh về nước, trở thành cổ đông sáng lập, Phó GĐ phụ trách Marketing và sau đó là CEO của Công ty cổ phần Eco - Products chuyên đóng gói và phân phối trà túi lọc thương hiệu Cozy. Năm 2005, ông Vinh trở thành cổ đông sáng lập và CEO của Công ty cổ phần DV-TM Hoàng Thành. Ngày 3/11/2005, nhà hàng Ashima đầu tiên thuộc sở hữu của Công ty cổ phần DV-TM Hoàng Thành có mặt tại Hà Nội. 7/2008 công ty cổ phần DV-TM Hoàng Thành đổi tên thành Công ty cổ phần TM-DV Golden Gate (Golden Gate)

Ở thời điểm thành lập, ông Vinh từng sở hữu hơn 35% cổ phần Golden Gate, nhưng sau đó tỉ lệ sở hữu này giảm đáng kể, khi xuất hiện một cổ đông tổ chức khác tại Golden Gate. Trong thông báo giao dịch mới nhất vào cuối năm 2018, ông Vinh đăng ký bán gần 440.000 cổ phần tại Golden Gate bằng phương thức thỏa thuận để giảm tỷ lệ sở hữu từ 11,09% xuống còn 5,33%.

Quang Minh tổng hợp

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/vi-sao-the-gioi-di-dong-can-ke-ngoai-dao-146375.html