Vì sao 'thần sấm' K-9 Hàn Quốc thắng lớn trên thị trường vũ khí phương Tây?

Pháo tự hành 'thần sấm' K-9 Hàn Quốc đã và đang tiếp tục được nhiều quốc gia phương Tây ưa chuộng. Ước tính đã có tới 1.700 khẩu pháo tự hành K-9 đang phục vụ tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Pháo tự hành "thần sấm" K-9 Hàn Quốc đang phục vụ tại 7 quốc gia NATO trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Na Uy và Estonia. Ngoài ra còn có Phần Lan, Ấn Độ, gần đây Úc và Ai Cập cũng đã quan tâm đến loại pháo này.

Pháo tự hành "thần sấm" K-9 Hàn Quốc đang phục vụ tại 7 quốc gia NATO trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Na Uy và Estonia. Ngoài ra còn có Phần Lan, Ấn Độ, gần đây Úc và Ai Cập cũng đã quan tâm đến loại pháo này.

Ông Pasi Pasivirta, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Châu Âu của hãng chế tạo Hanwha Defense cho biết: “Việc mở rộng cộng đồng các quốc gia sử dụng K9 làm tăng lợi ích về khả năng tương tác và mang lại hiệu quả nâng cấp và vận hành xuyên suốt hơn cho các thành viên. ”.

Hàn Quốc bắt đầu nghiên cứu chế tạo pháo tự hành K9 Thunder (Thần Sấm) nhằm bổ sung và thay thế pháo tự hành K55 155mm (biến thể từ M109 của Mỹ).

Yêu cầu đặt ra đối với K9 là tốc độ bắn nhanh, tầm bắn xa, độ chính xác cao, thời gian triển khai và thu hồi đội hình chiến đấu ngắn, hoạt động tốt trên những khu vực đồi núi gồ ghề.

Năm 1998, dự án được nghiệm thu và năm 1999, K9 bắt đầu được sản xuất hàng loạt trang bị cho quân đội nước này.

K9 do công ty Samsung Techwin sản xuất, sử dụng khung gầm xe tăng M1 của Mỹ, Nhờ sử dụng hệ thống treo bằng dầu và khí nén, pháo có khả năng cơ động cao và di chuyển rất êm.

Pháo được trang bị động cơ diesel MTU 881 Ka-500 8 xi lanh, làm mát bằng nước, công suất 1.000 mã lực và hộp số tự động XI 100 4AZ với 4 số tiến và hai số lùi, cho phép xe pháo di chuyển trên đường nhựa với tốc độ tối đa 67 km/h, tầm hoạt động lên tới 480 km.

K9 có trọng lượng 50-53 tấn tùy phiên bản; dài 12m; rộng 3,4m; cao 2,73m; kíp xe 5 người, gồm chỉ huy, lái xe, pháo thủ và 2 nạp đạn viên.

Toàn bộ khung gầm xe và tháp pháo được bọc giáp dày 19mm, có khả năng chống lại mảnh đạn pháo và súng máy hạng nặng cỡ nòng đến 14,5mm

Trang bị tiêu chuẩn của pháo bao gồm hệ thống bảo vệ chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, hệ thống sưởi ấm, thông tin liên lạc, hệ thống báo cháy và các thiết bị nhìn đêm.

K9 sử dụng pháo 155 mm L52, góc nâng hạ của pháo từ -2,5° đến +70° với tháp pháo xoay 360°. Nòng pháo có loa giảm giật nhằm hạn chế ảnh hưởng khi bắn đạn tăng tầm, giá đỡ nòng pháo khi xe di chuyển hay dừng nghỉ.

Trên thân pháo chính có gắn thiết bị cảm biến để truyền thông tin sơ tốc đầu nòng đến máy tính. K-9 có cơ số đạn chiến đấu 48 viên, đạn được nạp tự động hoặc bằng tay.

K9 có tầm bắn tối đa 40km với đạn thông thường, 56km với đạn tăng tầm ERFB-HE, và có thể bắn cả đạn pháo hạt nhân.

K9 còn sở hữu qui trình nạp đạn pháo hoàn toàn tự động với tốc độ bắn của nó có thể lên tới 6 phát/phút với 2 nạp đạn viên.

Đặc biệt, K9 có hệ thống điều khiển bắn kĩ thuật số thông minh - tính năng đẳng cấp của loại pháo này.

Theo đó, hệ thống này sẽ cho phép pháo thủ bắn chính xác 3 viên vào cùng một khu vực trong vòng 15 giây.

Nghĩa là, máy tính sẽ tính toán đường đạn của viên thứ 2 và thứ 3 dựa trên viên thứ nhất và tự động chỉnh bắn hai viên pháo này sao cho cả 3 viên chạm mục tiêu “cùng lúc”, giúp tăng cường xác suất tiêu diệt mục tiêu.

K9 còn được trang bị một súng máy 12,7mm để đối phó với bộ binh hoặc trực thăng tầm thấp.

Ngoài 48 quả đạn pháo 155mm trong xe, trong chiến đấu K9, có thể được tiếp tế từ xe tiếp đạn tự hành K10 - được phát triển trên khung gầm K9 - tận dụng ưu thế về đảm bảo hậu cần trên chiến trường, lẫn tính kinh tế khi phát triển.

Xe tiếp đạn K10 được phát triển trên khung gầm K9 với cầu chuyền tải đạn độc đáo giúp kíp lái không phải ra ngoài mà vẫn chuyển được đạn dự trữ cho pháo. Việc này rất hữu hiệu trên chiến trường, tăng khả năng sống sót cho pháo thủ khi không phải ra ngoài.

Với giá thành 10 triệu USD (kèm xe tiếp đạn K-10), hoặc 6 triệu USD chỉ riêng pháo, K9 đang là một trong những vũ khí đắt khách của Hàn Quốc nhờ các tính năng chiến-kỹ thuật đỉnh cao cũng như giá cả tương đối hợp lý.

Năm 2004, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận lô K9 và giấy phép sản xuất tại nhà máy trong nước với định danh T-155 Firtina, với kinh phí lên tới tới 1 tỷ USD. Hiện nước này sở hữu ít nhất 300 chiếc T155 và đã xuất khẩu 36 chiếc sang Azerbaijan - nơi chúng được sử dụng trong cuộc chiến với Armenia.

K9 đã vượt qua đối thủ pháo tự hành nâng cấp M109 và Panzerhaubitze 2000 để thắng thầu tại Na Uy - nước đã mua 24 K9 từ Hàn Quốc vào 2017 và có quyền mua bổ sung thêm 24 khẩu trong tương lai.

Tháng 2/2017, Phần Lan mua 48 hệ thống K9. Ba Lan cũng mua giấy phép và sản xuất nội địa pháo K9 với tên gọi AHS Krab.

Estonia cũng quyết định mua thêm 6 pháo K9 của Hàn Quốc (phiên bản dành cho Estonia có định danh K9EST bổ sung cho số lượng 12 khẩu đặt hàng trước đó.

Trong hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn nhất từ trước đến nay, Hàn Quốc sẽ bán cho Ba Lan khoảng 670 khẩu pháo tự hành K9.

Trong các bài thử nghiệm năm 2015 tại Ấn Độ, K9 của Hàn Quốc đã giành chiến thắng trước 2S19 MSTA-S trên khung gầm xe tăng T-72 của Nga.

Theo hợp đồng ký năm 2017, Ấn Độ nhập 100 khẩu K9 VAJRA - phiên bản cải tiến từ K9, chuyên dùng cho tác chiến trong môi trường sa mạc và thay thế cho những khẩu pháo tự hành Abbot và 2S1 đã lỗi thời.

K9 có khả năng hoạt động trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, tính năng và hiệu suất chiến đấu cao, trong khi giá thành hợp lý, đây là lý do khiến loại pháo tự hành này được ưa chuộng.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-than-sam-k-9-han-quoc-thang-lon-tren-thi-truong-vu-khi-phuong-tay-post517712.antd