Vì sao Tết Kỷ Hợi nóng như mùa hè?

Nguyên nhân chính là khối không khí lạnh chi phối thời tiết Bắc Bộ suy yếu và không có đợt không khí lạnh tăng cường nào bổ sung trong những ngày qua.

Những ngày qua, các vùng trên cả nước đón một dịp Tết Nguyên đán với thời tiết khá nóng kéo dài với nền nhiệt cao hơn so với cùng thời điểm này nhiều năm. Cụ thể, các tỉnh miền Nam liên tục xuất hiện nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C, các tỉnh miền Bắc cũng có nắng nhiều với nhiệt độ cao nhất trên dưới 30 độ C.

Lý giải về hiện tượng này, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết nguyên nhân chính là khối không khí lạnh chi phối thời tiết Bắc Bộ suy yếu và không có đợt không khí lạnh tăng cường nào bổ sung trong những ngày qua. Ngoài ra, một khối không khí nóng ở phía Tây phát triển và tác động đến miền Bắc khiến tình trạng nóng kéo dài hơn trong dịp Tết.

Theo đó, nhiệt độ cao nhất tại các tỉnh Bắc Bộ trong đợt này phổ biến 28-30 độ C, nhiều nơi trên 30 độ C, riêng các tỉnh Tây Bắc Bộ có nơi 33-34 độ C (như Mường La - Sơn La trong ngày 8/2).

Cơ quan dự báo quốc gia thông tin hiện nay, khối không khí lạnh chi phối thời tiết các tỉnh miền Bắc tiếp tục quá trình suy yếu, tuy nhiên, khối không khí gây nóng cho khu vực này sẽ bắt đầu hoạt động yếu dần từ ngày 9/2. Do đó, thời tiết Bắc Bộ sẽ bớt nóng, nền nhiệt giảm nhẹ 1-2 độ C và nhiệt độ cao nhất phổ biến dao động ở mức 30 độ C.

Từ ngày 11/2, một khối không khí lạnh nhỏ từ phía Bắc bổ sung xuống khiến nền nhiệt Bắc Bộ giảm đáng kể, trời chuyển mát với nhiệt độ cao nhất ngày khoảng 26 độ C. Ngoài ra, mưa cũng có thể xuất hiện trong ngày làm việc đầu tiên của năm Kỷ Hợi 2019.

Thời tiết Hà Nội trong 5 ngày tới. Ảnh: Hoàng Như.

Thời tiết Hà Nội trong 5 ngày tới. Ảnh: Hoàng Như.

Hoàng Như

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-tet-ky-hoi-nong-nhu-mua-he-post915184.html