Vì sao tàu pháo Ukraine dễ dàng bị Nga bắt sống?

Mặc dù mang danh là tàu chiến và là lớp tàu có số lượng đông đảo nhất Hải quân Ukraine hiện nay thế nhưng lớp tàu pháo Gyurza-M chỉ có lượng giãn nước khi đầy tải còn chưa được 60 tấn và chỉ được trang bị pháo tự động 30mm.

Theo thông tin đã được Tổng cục An ninh Nga (FSB) xác nhận, nước này đã buộc phải nổ súng để bắt giữ ba tàu chiến của Ukraine khi chúng cố vượt qua eo biển Kerch, trong số đó có cả các tàu pháo Gyurza-M hiện đại nhất của Hải quân Ukraine. Điều đáng nói ở đây là biên đội tàu chiến Ukraine sau một số hành động cứng rắn trước tàu tuần tra Nga lại dễ dàng “đưa tay chịu trói” khi phía Nga bắt đầu nổ súng. Nguồn ảnh: Defence Blog.

Vụ việc trên diễn ra hôm 25/11 vừa qua, khi một biên đội tàu hải quân của Ukraine di chuyển từ Biển Đen tiến vào eo biển Kerch với đích đến cuối cùng là thành phố cảng Mariupol nằm bên trong Biển Azov. Tuy nhiên, khi các tàu này chưa kịp vượt qua Kerch thì đã bị tàu tuần tra của biên phòng Nga chặn lại. Nguồn ảnh: Defence Blog.

Đại diện FSB ngày 26/11 cho biết, các tàu tuần tra biên giới của Nga đã buộc phải nổ súng để buộc các tàu của hải quân Ukraine dừng lại, khi các tàu này phớt lờ cảnh báo của phía Nga và có hành động khiêu khích. Hiện các tàu chiến Ukraine đã được phía Nga lai dắt về thành phố cảng Kerch nằm ở phía đông bán đảo Crimea cách nơi xảy ra vụ việc không xa. Nguồn ảnh: Defence Blog.

Trong ảnh là ba tàu của Hải quân Ukraine gồm hai tàu pháo Gyurza-M mang tên “Berdiansk” (U175) và “Nikopol” (U176), còn tàu cứu kéo mang tên A-947 “Jani Kapu”, bị biên phòng Nga tạm giữ tại cảng Kerch nằm ở phía đông bán đảo Crimea. Nguồn ảnh: Kerch.com.ru

Về các tàu pháo Gyurza-M của Hải quân Ukraine vừa bị Nga “bắt sống” đây là lớp tàu chiến có thể xem là mới nhất của Kiev kể từ sau năm 2014, được thiết kế và đóng mới bởi nhà máy đóng tàu Leninska Kuznya với chiếc đầu tiên được khởi đóng vào năm 2012 và mãi đến năm 2015 mới được hạ thủy. Nguồn ảnh: southfront.org.

Xét về thiết kế cũng như tính năng kỹ chiến thuật Gyurza-M không có điểm gì quá đặc biệt thậm chí nó còn thua xa các tàu pháo của Liên Xô trước đây, tuy nhiên Ukraine vẫn miễn cưỡng chấp nhận Gyurza-M vào biên chế vì hải quân nước này gần như bị “xóa sổ” sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Nguồn ảnh: southfront.org.

Dù vậy Gyurza-M vẫn là một con tàu chiến do đó việc thủy thủ đoàn tàu chiến Ukraine dễ dàng “đưa tay chịu trói” khi các tàu tuần tra của biên phòng Nga bắn thị uy là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên kể cả khi có bắn trả, thì cơ hội giành chiến thắng của tàu chiến Ukraine gần như bằng “không”. Nguồn ảnh: southfront.org.

Sở dĩ nói như vậy vì cấu hình vũ khí của Gyurza-M khá tệ, khi tàu có lượng giãn nước tối đa chỉ 57 tấn và vũ khí chính chỉ là hai tổ hợp vũ khí tự động Katran-M với pháo tự động 30mm ZTM-1, hai tên lửa chống tăng dẫn đường Barrier, hai tên lửa phòng không 9K38 Igla, súng phóng lựu KBA-117 (AG-17) 30mm và súng máy KT-7,62 (PKT) 7.62mm. Nguồn ảnh: southfront.org.

Về trạm vũ khí tự động Katran-M, nó có thể theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu trên biển và trên không trong phạm vi hơn 5.000m, đi kèm với đó là hệ thống kiểm soát hỏa lực và khối quang điện chỉ thị và bắt bám mục tiêu. Phạm vi hoạt động của Katran-M cũng tương đương với tầm bắn của tên lửa chống tăng Barrier. Nguồn ảnh: southfront.org.

Tuy nhiên với số vũ khí trên sức mạnh của Gyurza-M không lớn hơn các tàu tuần tra cao tốc ven biển của hải quân các nước châu Âu là mấy, và dĩ nhiên thua xa so với Hải quân Nga. Và ví dụ cụ thể nhất là việc Gyurza-M dễ dàng bị khắc chế bởi các tàu tuần tra ven bờ lớp Rubin của Biên phòng Nga. Nguồn ảnh: southfront.org.

Với lớp giáp bọc thép mà tàu Gyurza-M được tích hợp sẵn, pháo cao tốc AK-630M trên tàu Rubin có thể biến tàu chiến Ukraine thành “tổ ong” theo đúng nghĩa, khi nó có tốc độ bắn lên tới 5.000 phát/phút với tầm bắn vào khoảng 5.000m ngang ngửa so với tên lửa chống tăng Barrier. Nguồn ảnh: southfront.org.

Do đó sẽ không quá khó hiểu khi thủy thủ đoàn các tàu “Berdiansk” (U175) và “Nikopol” (U176) của Ukraine quyết định đầu hàng Biên phòng Nga thay vì đánh trả, đó là còn chưa kể ở thời điểm đó trên đầu của họ có tới hai chiếc cường kích Su-25SM và ít nhất một trực thăng tấn công Ka-52 bay tuần tra trên eo biển Kerch. Nguồn ảnh: southfront.org.

Vẫn chưa rõ cuộc khủng hoảng trên eo biển Kerch sẽ bị đẩy lên cao tới đâu, khi Nga quyết định cấm tất cả các tàu di chuyển ra vào Biển Azov, đồng thời triển khai thêm tàu vũ trang tới khu vực này. Về phần mình phía Ukraine đã đặt quân đội nước này trong tình trạng báo động cao nhất và sẵn sàng cho lệnh thiết quân luật. Nguồn ảnh: southfront.org.

Theo nhiều chuyên gia nhận định khả năng cho một cuộc chiến tranh mới giữa Nga và Ukraine không cao, và hai bên đều không muốn điều này xảy ra. Trong khi đó động thái của Kiev mặc dù bên ngoài khá cứng rắn nhưng họ sẽ tìm tới một giải pháp thỏa hiệp với Moscow hơn là đẩy sự việc đi xa hơn. Nguồn ảnh: southfront.org.

Mời độc giả xem video: Tàu tuần tra Nga rượt đuổi tàu chiến Ukraine trên biển Đen trước khi bị bắt giữ. (nguồn RT)

Ánh Dương (Tổn hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/vi-sao-tau-phao-ukraine-de-dang-bi-nga-bat-song-1150221.html